Câu chuyện xúc động đằng sau việc bác sĩ 9X tiếp nối ý nguyện của mẹ để hiến tạng góp ích cho đời

2017-11-01 16:24
- Bác sĩ 9X Hoàng Thanh Tùng đã tiếp nối người mẹ quá cố để hiến tạng sau khi chết để góp phần cứu sống nhiều bệnh nhân.

Trả ơn cuộc đời đã được sống lớn lên khỏe mạnh

Khá điềm đạm và rất tình cảm là ấn tượng đầu tiên khi chúng tôi tiếp xúc với bác sĩ 9X Hoàng Thanh Tùng (sinh năm 1990), con trai của bác sĩ Vũ Thị Thoa, Trưởng khoa Mắt, Bệnh viện 198. Bác sĩ Thoa là bệnh nhân mắc ung thư vú đã hiến tặng đôi giác mạc của mình để đem lại ánh sáng cho 2 người khác. Tiếp nối hành động nhân văn cao cả của mẹ, sáng ngày 1/11/2017, bác sĩ trẻ Hoàng Thanh Tùng đã tới Trung tâm Hiến tạng Quốc Gia để đăng ký hiến tạng sau khi chết.

Theo bác sĩ trẻ Hoàng Thanh Tùng, mong muốn hiến tạng là dự định đã có từ rất lâu, hành động hiến tạng của người mẹ quá cố càng tiếp sức cho mong muốn hiến tặng của Tùng mãnh liệt hơn. Với bác sĩ Tùng, được sinh ra lành lặn và lớn lên khỏe mạnh là sự ưu ái của tạo hóa.

Con trai bác sĩ ung thư hiến giác mạc tiếp nối câu chuyện cổ tích của mẹ đăng ký hiến tạng

Bác sĩ Tùng đặt bút đăng ký hiến mô tạng.

“Tôi lớn lên khỏe mạnh, được học hành, có nhiều cơ hội trong cuộc đời, đó thực sự là một sự may mắn. Khi may mắn đến với tôi sẽ có bất hạnh rơi vào người khác. Vì vậy, tôi muốn làm một điều gì đó để cảm tạ cuộc đời, vì có rất nhiều số phận bất hạnh cần sự giúp đỡ. Nếu chúng ta ở trong hoàn cảnh mòn mỏi đợi chờ hiến tạng mới hiểu được giá trị của hiến tạng”, Tùng nói.

“Tôi chọn thời điểm này để hiến tạng là vì muốn đánh dấu quá trình 9 năm hoàn thành việc học ngành y. Hiến tạng là nguyện vọng mà tôi muốn làm từ rất lâu nhưng giờ mới sắp xếp được thời gian để đi đăng ký”, Tùng cho hay.

Chia sẻ về người mẹ quá cố của mình, bác Tùng tâm sự, bác sĩ Thoa là một phụ nữ nhân hậu, không quát mắng ai bao giờ. Năm 1996, bác sĩ Thoa phát hiện có khối u bất thường ở ngực, tới năm 1997 thì căn bệnh ung thư vú trở nặng. Trong suốt quãng thời gian từ năm 1997 - 2012, bác sĩ Thoa sống rất nghị lực vừa làm việc, vừa chiến đấu chống lại căn bệnh ung thư vú.

“Năm 2013, căn bệnh ung thư vú tiếp tục quay trở lại, năm 2016 bệnh chuyển nặng và di căn vào nhiều nơi. Mẹ tôi muốn được hiến giác mạc để giúp đỡ cho những bệnh nhân không may mắn”, Tùng chia sẻ.

Ý nghĩa của hiến tạng

Ca ghép giác mạc được hiến từ bác sĩ Thoa cho hai bệnh nhân nhận khá thành công. Bản thân là bác sĩ đang theo ngành y, bác sĩ Tùng tự nhận thấy nguồn giác mạc tại Việt Nam rất khan hiếm. Trong khi đó, một người chết đi, các bộ phận trên cơ thể sẽ phân hủy.

“Một giác mạc của người hiến sẽ cần cho bệnh nhân bị hỏng giác mạc, bị glocom mắt. Một cặp giác mạc đã có ý nghĩa vậy thì các tạng khác như gan, mật, tim,… sẽ có giá trị lớn, không tiền bạc nào đánh đổi được”, Tùng nói.

Con trai bác sĩ ung thư hiến giác mạc tiếp nối câu chuyện cổ tích của mẹ đăng ký hiến tạng

Bản thân bác sĩ Tùng tự cho rằng, đăng ký hiến tạng không có gì quá đặc biệt. Tuy nhiên, anh mong muốn hành động hiến tạng của mình có thể làm thay đổi quan điểm mọi người xung quang về hiến mô tạng. Tùng tin rằng hành động của bản thân sẽ được mẹ ở trên cao cảm thấy vui và ủng hộ.

Hiện nay, vẫn còn rất nhiều người có quan niệm sai về hiến tạng, nhiều người cũng góp ý kiến khi anh Tùng thực hiện ý nguyện của mẹ. “Có người nói với tôi là chết rồi để toàn thây sao lại đụng vào người chết như vậy”, Tùng chia sẻ.

Những ý kiến xì xào đó không làm cho gia đình Tùng thay đổi di nguyện của mẹ. Với cá nhân nam thanh niên này, bản thân luôn quan niệm hiến tạng là hành động nhân văn. 

Tùng cho hay: “Khi biết nhìn thấy những bệnh nhân mang giác mạc của mẹ, tôi cũng cảm thấy chạnh lòng, xúc động và rất vui. Chạnh lòng vì sự mất mát nhưng vui và hạnh phúc vì biết mẹ vẫn đang còn sống, hình ảnh mẹ vẫn còn đâu đó”.

Ngọc Minh

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất

5 điểm du ngoạn thú vị không thể bỏ qua khi đến Ninh Bình