Bệnh bạch hầu: Nguy hiểm thế nào và không được điều trị sẽ dẫn đến hậu quả gì?

2020-06-25 07:09
- Được phát hiện từ thế kỷ V trước Công nguyên, đến nay, bạch hầu vẫn là căn bệnh gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe cộng đồng và có mức độ lây nhiễm cao.

Bệnh bạch hầu (tiếng Anh: diphtheria) là bệnh nhiễm khuẩn cấp tính có giả mạc ở tuyến hạnh nhân, hầu họng, thanh quản, mũi. Bệnh có thể xuất hiện ở da, các màng niêm mạc khác như kết mạc mắt hoặc bộ phận sinh dục. Đây là một bệnh vừa nhiễm trùng vừa nhiễm độc và các tổn thương nghiêm trọng của bệnh chủ yếu là do ngoại độc tố của vi khuẩn bạch hầu – tên khoa học là Corynebacterium diphtheria – gây ra.

Bệnh được Hippocrates miêu tả lần đầu tiên vào thế kỷ thứ 5 trước Công Nguyên. Một số tài liệu cũng gợi ý đến sự hoành hành của bệnh bạch hầu ở Syria và Ai Cập cổ đại. Các nhà khoa học đã tìm ra vi khuẩn gây bệnh vào khoảng năm 1883-1884, và kháng độc tố được phát minh vào cuối thế kỷ XIX.Bộ Y tế cho biết, hàng năm, chúng ta vẫn ghi nhận rải rác các ca bệnh ở khu vực miền Trung, Tây Nguyên… nhưng năm nay, bệnh bạch hầu ghi nhận thêm ở một số địa phương trong đó có Đắk Nông.

 Căn bệnh được xem là 'kẻ treo cổ' và lây nhiễm không kém Covid-19

Bệnh bạch hầu lây truyền dễ dàng qua đường hô hấp hoặc qua tiếp xúc trực tiếp với các dịch tiết từ niêm mạc mũi họng của bệnh nhân hoặc người lành mang trùng khi ho, hắt hơi, đặc biệt trong khu vực dân cư đông đúc hoặc nơi có điều kiện vệ sinh không bảo đảm. Vì thế, việc cách ly y tế để hạn chế thấp nhất nguy cơ lây lan dịch bệnh.

Đến nay, tại Đắk Nông. đã có 12 ca dương tính với vi khuẩn gây bệnh bạch hầu, tập trung ở hai huyện Krông Nô và Đắk Glong và đã có một ca tử vong tại huyện Đắk Glong. Sau khi các ổ dịch xuất hiện, Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Đắk Nông đã cách ly hơn 1.200 người có tiếp xúc và liên quan tới các bệnh nhân.

Ngay sau khi địa phương này phát hiện liên tiếp các ca bạch hầu, Bộ Y tế đã chỉ đạo địa phương triển khai điều tra xử lý ổ dịch.

 Nếu không được điều trị, bạch hầu có thể dẫn đến:

- Cản trở hô hấp: Vi khuẩn gây bệnh bạch hầu có thể tạo ra độc tố. Độc tố này gây tổn thương mô ở vùng bị nhiễm trùng ngay lập tức - thường là mũi và cổ họng. Tại vị trí đó, nhiễm trùng làm hình thành một màng cứng màu xám bao gồm các tế bào chết, vi khuẩn và các chất khác. Màng này có thể cản trở hô hấp, gây khó thở cho người bệnh

- Đau tim, viêm cơ tim: Độc tố bạch hầu có thể nhiễm vào máu và làm hỏng các mô khác trong cơ thể, gây viêm cơ tim, tổn thương cơ quan này. Tổn thương nặng có thể gây suy tim sung huyết và đột tử.

- Tổn thương thần kinh: Dây thần kinh đến cổ họng là cơ quan thần kinh đầu tiên bị các vi khuẩn bạch hầu tấn công, gây khó nuốt. Dây thần kinh đến cánh tay và chân cũng có thể bị viêm, gây yếu cơ.

Bộ Y tế khuyến cáo

Để chủ động phòng chống bệnh bạch hầu, Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế khuyến cáo người dân cần thực hiện tốt các biện pháp sau:

1. Đưa trẻ đi tiêm chủng tiêm vắc xin phối hợp phòng bệnh bạch hầu: ComBe Five hoặc DPT-VGB-Hib (SII), Td đầy đủ, đúng lịch.

2. Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng; che miệng khi ho hoặc hắt hơi; giữ vệ sinh thân thể, mũi, họng hàng ngày; hạn chế tiếp xúc với người mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh.

3. Đảm bảo nhà ở, nhà trẻ, lớp học thông thoáng, sạch sẽ và có đủ ánh sáng.

4. Khi có dấu hiệu mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh bạch hầu phải được cách ly và đưa đến cơ sở y tế để được khám, điều trị kịp thời.

5. Người dân trong ổ dịch cần chấp hành nghiêm túc việc uống thuốc phòng và tiêm vắc xin phòng bệnh theo chỉ định và yêu cầu của cơ quan y tế.

AM (tổng hợp)

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất

3 động tác yoga giúp giảm đau lưng hiệu quả