Bác sĩ Nhi cảnh báo những sai lầm chết người khi pha nước bù điện giải cho trẻ
Tin liên quan
Bù điện giải cho trẻ trong trường hợp nào?
Trên thị trường hiện nay có bán rất nhiều loại bù nước điện giải phong phú và đa dạng, hàng nội, hàng ngoại đều có. Với mức tiền khác nhau, loại oresol cam nội pha với 250ml nước được bán với giá 1.000đ một gói còn oresol ngoại giá 8.000 -10.000đ/gói. Để thuận tiện cho trẻ trong việc bù nước và điện giải, một số hãng dược còn đóng gói dưới dạng pha sẵn, có hình dạng như hộp sữa tươi 180ml, loại này giá 10.000đ/hộp.
Dù loại bù nước và điện giải ngoại nhập hay của nội địa sản xuất, pha sẵn hay không pha sẵn thì theo khuyến cáo của chuyên gia y tế đều phải đảm bảo những tính chất: Áp suất thẩm thấu gần bằng như trong huyết tương; Nồng độ glucose đạt 20-30g/lít (cao hơn có thể gây tiêu chảy, thấp hơn sẽ làm suy giảm hấp thu); Nồng độ Na+ trong dung dịch đạt 90 – 93 mmol/lít, nồng độ K+ đạt 20 mmol/lít, đủ để bù đắp thiếu hụt Na+ và K+ do tiêu chảy hoặc nôn mửa.
Một điều quan trọng phụ huynh nên biết là chỉ bù nước và điện giải cho trẻ trong trường hợp cơ thể bị mất nước và điện giải do tiêu chảy kéo dài, đi ngoài nhiều lần, trẻ bị ngộ độc có dấu hiệu tiêu chảy và nôn mửa, sốt cao trên 38,5 độ...
PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, Nguyên Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai cho biết: “Dung dịch oresol có cả nước, muối khoáng (điện giải) và có thêm một lượng đường glucose để tiếp thêm năng lượng trong khi đường tiêu hoá bị tổn hại do trẻ không ăn uống được. Nguyên tắc bù nước và điện giải cho trẻ nhỏ là mất nước bao nhiêu thì bù bấy nhiêu. Khi trẻ có dấu hiệu khát nước, môi khô nứt nẻ, lưỡi khô, ít nước bọt, cả ngày trẻ đi tiểu ít thì cần phải bổ sung oresol ngay cho trẻ”.
Trường hợp trẻ tiêu chảy uống thuốc điều trị 2 ngày nhưng không cầm được hoặc sốt cao tới mức co giật, gia đình cần nhanh chóng đưa trẻ tới cơ sở y tế gần nhất để được bác sĩ khám và điều trị kịp thời.
Tình huống nào không nên ép trẻ uống oresol?
PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng
Khi trẻ bị mất nước thì cần phải được bổ sung lượng nước ngay vì nếu để trẻ mất nước nặng dễ gây trụy tim mạch, suy thận, vô niệu, khó chữa trị về sau. Tuy nhiên, khi trẻ bị nôn trớ nhiều, bác sĩ Dũng khuyên phụ huynh không nên ép bằng được trẻ uống lúc này. Vì trẻ có thể bị nôn nhiều hơn, nguy cơ sặc vào phổi rất lớn, gây nguy hiểm cho đường hô hấp.
Bác sĩ Dũng cũng cảnh báo hiện nay có một thực trạng gia đình khi chăm sóc trẻ bị ốm cho uống oresol ở nhà thường pha không đúng tỷ lệ. Bác sĩ đã gặp không ít những trường hợp gia đình vì con không chịu uống mà pha ít nước đi cho con uống đủ. Hành động thương con thiếu suy nghĩ này vô tình lại đẩy trẻ tới nguy hiểm.
“Khi dung dịch oresol bị pha sai tỷ lệ quá đặc, nước ít mà lượng muối trong máu cao dễ dẫn đến rối loạn điện giải, trẻ bị co giật, sốt cao, hôn mê, thậm chí là tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời. Có trường hợp gia đình cho trẻ uống oresol đậm đặc từng ngụm liên tục đã khiến trẻ tử vong vì phù não. Trong trường hợp pha quá loãng, nước nhiều nhưng muối khoáng ít sẽ không bù đủ điện giải cho trẻ”, bác sĩ Dũng cho hay.
Chính vì vậy, khi bù nước và điện giải cho trẻ cần phải pha đúng theo như tỷ lệ đã ghi trên bao bì của nhà sản xuất. Việc pha sai dễ gây ra những nguy hại khó lường cho trẻ như đã kể ở trên.
Cũng theo vị bác sĩ này, ngoài cho trẻ uống nước oresol, gia đình có thể dùng nước cháo loãng, nước hoa quả như cam, nước dừa cho trẻ uống. Tuyệt đối không cho trẻ bù nước bằng nước có ga, nước ngọt. Những loại nước này không những không bù được nước cho trẻ mà còn làm tình trạng tiêu chảy thêm trầm trọng.
Ngọc Minh
Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!
Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất