Đạo trời ban thưởng điều tốt lành cho người thiện lương

2021-02-04 11:00
- Làm việc thiện là phù hợp với đạo trời, cho nên đạo trời đối với những người lương thiện đều có sự quan tâm chiếu cố, giúp đỡ người thiện lương, khiến cho quá trình làm việc của họ luôn thuận lợi giống như có Thần trợ giúp.

Vòng xoay nhân quả, thiện ác có báo là thiên lý tồn tại khách quan, nó không thuận theo ý muốn chủ quan của con người mà hoán chuyển. Cổ ngữ nói: “Thiên đạo vô thân, thường dữ thiện nhân”, ý nói đạo trời không phân biệt người thân thích, đối xử công bằng với chúng sinh, nhưng làm việc thiện là phù hợp với đạo trời, cho nên đạo trời đối với những người lương thiện đều có sự quan tâm chiếu cố, giúp đỡ người thiện lương, khiến cho quá trình làm việc của họ luôn thuận lợi giống như có Thần trợ giúp.

Người xưa tin tưởng vào luật nhân quả, coi trọng đạo nghĩa mà xem thường lợi ích. Khi người khác cần giúp đỡ thì họ sẵn sàng giúp đỡ họ, dùng lòng từ bi mà đối đãi với tất cả, kết quả được đền bù, phúc đức quảng đại. Người lương thiện được trời phù hộ, cũng bởi vì họ ra sức tích đức mà được. Dưới đây là một vài câu chuyện được ghi chép trong cuốn “Thái thượng cảm ứng thiên” thời Bắc Tống.

Cha phát cháo miễn phí, con đỗ trạng nguyên
Chúc Nhiễm, là người huyện Duyên Bình, Quận Sa, là người cần kiệm mà lại hay làm việc tốt viêc thiện. Trong nhiều năm, ông đều nấu cơm, nấu cháo cứu tế dân chúng nghèo đói khắp phương, khiến cho hàng vạn người thoát được cảnh chết đói.

Vợ chồng Chúc Nhiễm sinh được một người con trai vừa thông minh vừa hiếu học. Sau này, con trai ông đã vào kinh thành dự thi. Vào mùa xuân trước khi sắp công bố kết quả thi, nhiều người dân ở trong thôn mơ thấy có sứ giả trong cung cầm bản cáo thị trạng nguyên, dựng thẳng bên ngoài cửa nhà Chúc gia, trên đó viết bốn chữ to: “Thi chúc chi báo” (Tức là báo đáp việc phát cháo cứu tế).

Đến ngày công bố kết quả, con trai Chúc Nhiễm quả nhiên đỗ Trạng nguyên. Người dân ai nấy đều hân hoan vui mừng, tin rằng đó là báo đáp của việc Chúc Nhiễm hành thiện.

Đạo trời ban thưởng điều tốt lành cho người thiện lương

Thu mua lúa, giúp người nghèo vượt qua cửa ải khó khăn
Hoàng Kiêm Tế, là người Thành Đô thuộc tỉnh Tứ Xuyên, có đức tính coi trọng lễ nghĩa, chỉ cần đó là việc có ích cho người khác thì nhất định sẽ gắng sức làm, mọi người xung quanh đều gọi ông là người lương thiện.

Có một đêm nọ, Chi phủ của phủ Thành đô là Trương Vịnh mơ thấy Tử phủ Chân Quân nói chuyện với ông ta, ngay sau đó, bỗng nhiên có người báo cho biết: “Tây môn Hoàng Kiêm Tế đã đến!”, Hoàng Kiêm Tế mặc một bộ đạo phục tiến vào, Tử Phủ Chân Quân đi xuống bậc thềm tiếp kiến Hoàng Kiêm Tế, hơn nữa còn ngồi hàng ghế ngang hàng với Trương Vịnh.

Hôm sau Trương Vịnh đến viếng thăm Hoàng Kiêm Tế, nhìn thấy diện mạo của Hoàng Kiêm Tế quả nhiên là giống như trong giấc mơ của ông. Trương Vịnh hỏi: “Ngài từ trước đến nay làm những việc thiện gì mà đến nỗi Tử Phủ Chân Quân tiếp đãi ngài long trọng như vậy?” 

Hoàng Kiêm Tế trả lời: “Tôi cũng không làm việc thiện gì, chỉ là vào đúng mùa thu hoạch lúa thì bỏ ra 300 xâu tiền để thu mua, đến sang năm khi lúa chưa chín, cuộc sống của dân chúng đói khổ thì bán ra với giá gốc. Điều này đối với tôi mà nói là không hề tổn thất gì, mà lại có thể trợ giúp đối với tình thế hiểm nghèo của dân chúng, giúp họ vượt qua được cửa ải khó khăn, chỉ như thế mà thôi!”

Trương Vịnh xúc động nói: “Thế này Ngài nên phải được ngồi ở bên trên tôi”, nói rồi ông ra lệnh cho quan lại hai bên dìu Hoàng Kiêm Tế ngồi ở bên trên và tự mình bái lễ Hoàng Kiêm Tế, để tạ ơn ông đã chăm sóc dân chúng.

Hoàng Kiêm Tế cả đời phúc thọ an khang, con cháu ai ai cũng có đức hạnh tốt mà được chức vị cao.

Trả lại ngọc cho người, cuộc đời thay đổi
Một câu chuyện khác về Bùi Độ trong lịch sử triều đại nhà Đường. Bùi Độ thuở nhỏ sống cảnh nghèo khổ cơ cực. Một hôm, trên đường gặp vị Thiền sư Nhất Hạnh. Đại sư nhìn tướng mạo Bùi Độ, thấy ánh mắt láo liên, đường gân chạy vào chỗ miệng, ấy là tướng ăn xin đầu phố, đói khổ mà chết. Vì vậy bèn khuyên Bùi Độ nên nỗ lực tu khổ hạnh.

Mấy ngày sau, Bùi Độ nhặt được một chiếc đai ngọc của nữ nhân trên núi Hương Sơn và tìm trả cho người ta. Nhờ thế mà cứu được tính mệnh cha mẹ cô gái ấy.

Hôm sau Bùi Độ lại gặp Thiền sư Nhất Hạnh. Đại sư coi mặt Bùi Độ ánh mắt trong sáng, thần thái đã khác hẳn. Ngạc nhiên quá, Đại sư bèn hỏi chuyện, và sau khi nghe kể, ông cười lớn và nói: “Tấm thân bẩy thước chẳng bằng khuôn mặt bẩy tấc, khuôn mặt bẩy tấc chẳng bằng cái mũi ba tấc, cái mũi ba tấc chẳng bằng một khối tâm”.

Thiền sư bèn khuyến khích Bùi Độ hành Thiện. Quả nhiên Bùi Độ sau này làm trọng thần của bốn đời vua Đường Hiến Tông, Đường Mục Tông, Đường Kính Tông, và Đường Văn Tông, là “danh tướng toàn tài”. Trong sử sách nhìn nhận ông là “đức độ thuỷ chung suốt bốn đời vua”. Bùi Độ có năm người con, đều có danh tiếng rạng rỡ, bản lãnh hơn người.

Cổ nhân nói: “Tích thiện hữu thiện báo, tích ác hữu ác báo. Tích thiện chi gia tất có dư khánh, làm ác chi gia tất có dư hại”, nhà nào tích thiện nhà đó được may mắn, nhà nào hành ác sẽ gặp tai ương. Người lương thiện có tấm lòng từ bi luôn suy nghĩ vì người khác, phẩm chất cao thượng của họ khiến cho người người đều khâm phục. Vì vậy, cổ nhân tin rằng hết thảy phúc đức sẽ đến với họ, hết thảy tai họa sẽ rời xa họ và ông trời sẽ luôn phù hộ họ.

Cảnh do tâm tạo, cảnh tùy tâm chuyển, muốn đắc may mắn hay chiêu mời tai họa tất cả đều là do nhân tâm của một người như thế nào, vì vậy từ xưa đến nay người ta đều khuyên con người hướng thiện, cũng không phải là không có nguyên nhân.

Theo Trithucvn.org

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất


5 bài tập đơn giản trong 5 phút giúp bạn gái có được đôi chân bút chì thon gọn như IU