Từ vụ phụ huynh trường quốc tế tố con bị đánh: Bản lĩnh bảo vệ con, nhưng đừng quên kẻ đánh con cũng là trẻ con

An An 2022-05-30 09:51
- Bạo lực học đường có rất nhiều nguyên nhân. Đôi khi chính học sinh gây ra bạo lực học đường cũng là nạn nhân và cần được đối xử cảm hóa thay vì vùi dập.

Mới đây, vụ việc một phụ huynh trường quốc tế nổi tiếng tại TP.HCM lên tiếng tố cáo nhà trường thờ ơ, vô trách nhiệm trong việc giải quyết các vấn đề của học sinh diễn ra trong chính khuôn viên trường được dư luận rất quan tâm. Theo đó, người mẹ này đã tìm tới tận nơi để giải quyết, "ba mặt một lời" với các giáo viên ngoại quốc và cả các phụ huynh khác. Chị yêu cầu được gặp người đã đánh con mình để nói chuyện nhưng phía giám hiệu nhà trường từ chối. 

Sự việc vẫn đang diễn biến phức tạp với nhiều thông tin mới từ vị phụ huynh cũng như nhà trường. Bộ Giáo dục Đào tạo đã nắm bắt được thông tin và gửi công văn tới Uỷ ban nhân dân TPHCM về việc chỉ đạo xử lý vụ việc bạo lực trong học sinh Trường quốc tế này. Trong khi chờ đợi mọi việc được sáng tỏ, những bình luận về việc làm, thái độ của vị phụ huynh trong việc xử lý việc con mình gặp trường hợp bị đánh hội đồng, bạo lực học đường cũng được đem lên bàn "mổ xẻ".

Từ vụ phụ huynh trường quốc tế tố con bị đánh: Bản lĩnh bảo vệ con, nhưng xin cha mẹ đừng mù quáng!
Vị phụ huynh đến tận trường để "ba mặt một lời" sau khi sự việc con chị bị đánh diễn ra

Vị phụ huynh được ủng hộ đông đảo trên MXH bởi 3 lý do: Thứ nhất, chị dám khẳng khái đứng lên tố cáo một sự việc "nhạy cảm" như vậy trong môi trường học đường; thứ hai, chị là một bà mẹ đơn thân mạnh mẽ bảo vệ con bằng mọi giá; thứ ba, chị là một bà mẹ có hiểu biết, am hiểu luật pháp và có thể đối đáp bản lĩnh với nhà trường bằng tiếng Anh.

Nhìn vào cả 3 lý do ấy, người ta nghĩ rằng: "Ờ, có lẽ chị làm đúng rồi đó. Con tôi như vậy có lẽ tôi cũng hành xử thế. Dù gì lẽ phải cũng thuộc về kẻ bị đánh".

Thế nhưng, lùi lại một chút để nhìn toàn diện vấn đề, không phải ai cũng đồng tình với cách ứng xử của người mẹ trong câu chuyện. Bởi mục đích cuối cùng và cao nhất của hành động đấu tranh này là bảo vệ công lý cho con gái chị cũng như bảo vệ những đứa trẻ khác khỏi bạo lực học đường dường như không thể đạt được theo cách đang làm.

Trước tiên, khi chị đưa mọi việc lên mạng xã hội, sự việc có thể được hàng triệu người theo dõi. Chị nhận được hàng triệu sự đồng tình. Đồng nghĩa với nó, nghĩa là chị và con chị sẽ nhận về nhiều ý kiến, đánh giá từ những người không hề quen biết. Chị là một người phụ nữ trưởng thành rắn rỏi, cứng cáp thì không sao. Nhưng con chị vẫn là một đứa trẻ vị thành niên, liệu rằng bé có thể "nuốt trôi" hết những lời bình luận khen chê của người đời và có thể không bị ảnh hưởng tâm lý, hành động chỉ trỏ mỗi khi đến nơi đông người? Chị đã chuẩn bị tâm lý "chiến đấu tới cùng" với đứa trẻ đã đánh con chị, với gia đình có hành động thách thức con chị nhưng không biết chị đã chuẩn bị tâm lý "hậu chiến" với những tổn thương mà người trong cuộc, trong đó có cả bé nhà chị có thể mang theo?

Từ vụ phụ huynh trường quốc tế tố con bị đánh: Bản lĩnh bảo vệ con, nhưng xin cha mẹ đừng mù quáng!
Chị đã chuẩn bị "tâm lý chiến" nhưng đã hình dung ra cách xử lý tâm lý "hậu chiến" mà người trong cuộc, trong đó có con chị có thể gặp phải?

Bạo lực học đường có rất nhiều nguyên nhân. Những đứa trẻ bị bạo lực rất cần được bảo vệ nhưng những đứa trẻ đi bạo lực với bạn cũng cần bảo vệ và chăm sóc tâm lý. Lẽ đơn giản, chúng vẫn là những đứa trẻ chưa trưởng thành, và đôi khi lại cũng là nạn nhân của người lớn, của bạo lực gia đình, của MXH, của những thay đổi tâm sinh lý không được quan tâm và thấu hiểu đúng mức/ Chuyện học sinh va chạm nhau ở trường thường xảy ra, nhất là với lứa tuổi teen. Các em có thể nóng nảy, liều lĩnh, thiếu kiềm chế. Tuy nhiên, cha mẹ thì không nên như vậy. Vị phụ huynh trong câu chuyện một mực đòi nhà trường cho gặp người đã gây ra chuyện với con chị. Nhưng ai đảm bảo được rằng trong lúc nóng giận không kiềm chế được bản thân chị sẽ không hành động "động tay động chân" với đứa trẻ đó? Việc nhà trường phải ngăn chặn cuộc gặp trực tiếp này chính là để ngăn ngừa chuyện phụ huynh có con bị đánh lao vào tấn công đứa trẻ phía bên kia, điều mà đã xảy ra ở không ít trường học. Hành động này của nhà trường là hợp lý, nếu không hợp lý thì chỉ là do cách ứng xử thiếu khéo léo, mềm mại mà thôi.

Cuối cùng, khi cho con vào học một trường quốc tế, không biết các phụ huynh mong con học hỏi được gì, còn tôi, tôi hi vọng con mình học được cách tư duy và xử lý vấn đề của người phương Tây. Người Việt mình thích bêu mọi chuyện ra trước bàn dân thiên hạ, ngay cả khi nhân vật chính trong câu chuyện là một đứa trẻ. Với người phương Tây, mọi đứa trẻ đều cần được bảo vệ. Mục tiêu tối thượng là bảo vệ an toàn cho em học sinh gặp nạn, mục tiêu tiếp theo là cảm hóa được học sinh sai phạm, giúp em chủ động nhận thức được lỗi và hòa giải thành công với bạn.

Con mình bị ngã xây xước trầy da, người làm mẹ đã cảm thấy thương xót, huống chi là bị người khác "tác động vật lý". Song, dù ở hoàn cảnh nào cũng nên tìm cách bảo vệ để con tránh những tổn thương khác cả về tinh thần và tâm lý. Và ở phía bên kia nữa, đứa trẻ đã đánh con mình cũng cần được cảm hóa, được thấu hiểu, được tháo gỡ những vấn đề tâm lý dẫn tới những hành động sai lầm, nhất là cần được bảo vệ khỏi sự tấn công của MXH. Con mình hay con người, người bị bạn đánh hay người đi đánh bạn, không phải đều là những đứa trẻ con sao?

*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của người viết.

An An 

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất


Viết cho em, cô gái của mùa đông