Suốt ngày mong trẻ có EQ cao, song bố mẹ không biết 4 hành động vô ý này sẽ khiến trí tuệ cảm xúc của con giảm thảm hại
Tin liên quan
Theo nhiều nghiên cứu, chỉ số cảm xúc (EQ) đóng góp đến 67% sự thành công của một cá nhân khi trưởng thành. Điều đó giải thích tại sao các ông bố bà mẹ ngày nay luôn mong ngóng con cái mình có chỉ số EQ cao. Tuy nhiên, dưới đây là 4 sai lầm cha mẹ hay mắc phải khiến trẻ gặp khó khăn trong việc phát triển trí tuệ cảm xúc.
1. Cha mẹ nóng tính, hay la mắng con
Những câu chỉ trích: " Sao con hư thế", "con không nghe lời mẹ gì cả", "càng lớn càng bướng", "con cái chả được tích sự gì", "ngu thế hả con". .. là những câu cửa miệng của cha mẹ hay mắng mỏ con cái. Tuy nhiên người lớn không biết rằng những lời chì chiết này cùng với việc đánh con sẽ khiến trẻ bị tổn thương tinh thần. Con dễ mắc chứng "tự kỷ ám thị", tin rằng mình là đứa trẻ hư, bướng bỉnh, nhút nhát, học dốt và từ đó hành xử của chúng đúng với những cái "mác" mà cha mẹ gán cho.
Phụ huynh nóng tính, không kìm chế được cảm xúc, thường xuyên quát mắng con cái, không chỉ cản trở trí tuệ cảm xúc của trẻ mà còn ảnh hưởng đến mối quan hệ cha mẹ và con cái. Từ đó, trẻ sẽ không nghe lời, không muốn tiếp thu, gần gũi với cha mẹ khi chúng lớn lên.
Theo một nghiên cứu tại đại học Binghamton (New York, Hoa Kỳ), những đứa trẻ hay bị chỉ trích sẽ có khuynh hướng ít chú ý đến biểu cảm gương mặt. Điều này sẽ khiến trẻ gặp khó khăn khi đọc cảm xúc của người đối diện, một trong những khả năng quan trọng của việc phát triển EQ. Chính vì thế, muốn con phát triển trí tuệ cảm xúc, phụ huynh chỉ nên dừng lại ở việc gọi tên lỗi lầm của trẻ. Sau đó giải thích cho chúng là vì sao sai, sai ở đâu và hướng dẫn con cách khắc phục.
(Ảnh minh họa)
2. Cha mẹ chiều con quá mức, không cho con quyền được thử và sai
Không ít các ông bố bà mẹ chiều chuộng con quá mức nên dung túng cho mọi hành vi có lỗi ở trẻ.
Ví dụ như khi con đánh bạn học, phụ huynh không tìm hiểu nguyên nhân và trách phạt con mình, mà lại đổ lỗi cho nạn nhân, với lý do "không có lửa làm sao có khói". Hay ví dụ khác như là con phá hỏng hàng hóa khi cùng mẹ đi siêu thị. Thay vì dạy bảo con nghiêm khắc và đền bù cho cửa hàng, phụ huynh lại tặc lưỡi muốn cho qua vì "trẻ con có biết gì đâu"...
Những hành vi đó của cha mẹ tưởng chừng xuất phát từ tình yêu thương con cái, nhưng thực chất chúng ta đang làm hại chúng. Nuông chiều khác với những ông bố bà mẹ tâm lý. Nó chỉ dễ khiến những đứa trẻ trở nên ích kỷ, thích ra lệnh cho người khác và phải đạt được tất cả những thứ chúng muốn. Trẻ dễ có tâm lý hiếu thắng, không thích chia sẻ, thậm chí sẵn sàng thô lỗ với bất kỳ ai.
Trong cuộc sống, không ai hoàn hảo cả. Vì vậy cha mẹ hãy để con cái tự nhìn nhận lỗi sai của chúng. Sau đó con sẽ sửa và nhớ rất lâu. Bên cạnh đó, hãy cho trẻ quyền được trải nghiệm, đừng bao bọc con quá kĩ. Đừng làm hộ con hết tất cả mọi việc. Đừng để chúng quá quen với câu nói "có bố mẹ ở đây rồi". Điều này sẽ dễ dẫn đến hình thành những đứa trẻ thiếu kiên nhẫn, lộng quyền và ít biết tôn trọng người khác. Sự nuông chiều của cha mẹ không phải là thương con mà thực chất là đang giết đứa trẻ 1 cách chậm rãi và đau đớn nhất.
(Ảnh minh họa)
3. Cha mẹ không cho con quyền được bày tỏ cảm xúc
Ngày nay, các bậc làm cha mẹ thường bận rộn với việc kiếm tiền. Áp lực cuộc sống đã khiến các phụ huynh ngày càng dành ít thời gian cho con cái, đặc biệt là trong việc lắng nghe suy nghĩ của con.
Cảm xúc cần được giải tỏa kịp thời, nếu không sẽ gây tổn hại nghiêm trọng đến não bộ và cơ thể của trẻ. Khi con tức giận, gào khóc, cha mẹ thường quát lớn: "Im lặng!", "Không được la hét" hoặc dùng những biện pháp mạnh hơn để trừng phạt, chứ không hề tìm hiểu lý do tại sao chúng khóc. Kiểu trấn áp này có thể có hiệu quả trước mắt nhưng nó sẽ gieo những hạt mầm xấu vào tâm trí con trẻ. Con sẽ dễ trở nên chai lì, không muốn chia sẻ với cha mẹ, đồng thời trở nên ít nói và có những hành vi tiêu cực, hại người hại mình. 4. Cha mẹ hay than vãn hoặc hay cãi nhau
Mối quan hệ gia đình hài hòa sẽ giúp trẻ cảm thấy an toàn và lớn lên khỏe mạnh. Việc cha mẹ thường xuyên căng thẳng hay cãi vã sẽ tác động không tốt đến tâm lý của trẻ. Sống trong môi trường mà có bố mẹ thường xuyên mang cảm xúc tiêu cực, đứa bé cũng sẽ dễ trở nên cáu gắt, tự ti, không có chí tiến thủ và bi quan. Điều này sẽ khiến EQ của trẻ khó lòng mà được cải thiện.
(Ảnh minh họa)
Việc cải thiện EQ của trẻ là rất quan trọng. Cha mẹ hãy dạy con học cách thể hiện cảm xúc, nhận biết cảm xúc và đối phó với những cảm xúc xấu. Trước 6 tuổi là thời điểm tốt nhất để trau dồi trí tuệ cảm xúc của trẻ. Cha mẹ phải nắm bắt nó và để con mình trở thành một người có chỉ số EQ cao.
Theo Phụ nữ Việt Nam
Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!
Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất