Mẹ 9X và hành trình nuôi dạy con đơn thân nhưng hạnh phúc
Tin liên quan
Chị Vân Anh (28 tuổi, sống tại Hà Nội) tâm sự, Sóc là một em bé không sống với bố. Chị vẫn đang dạy con một mình. Trên hành trình nuôi con, anh chị vẫn luôn cố gắng để làm tròn trách nhiệm của bố mẹ.
“Tất nhiên, hai mẹ con khó tránh khỏi những mất mát về mặt tâm lý, tinh thần. Vì vậy, mình mới tìm đến những mẹ đơn thân để được thấu cảm và lắng nghe. Mình nghĩ, với con hãy thấu cảm như vậy, đừng chỉ đồng cảm với cảm xúc. Đôi khi, mình cho rằng, bản thân lớn lên không có bố cũng như một phước lành. Vì mình sẽ thấu hiểu từng cảm giác của Sóc hiện tại”, chị Vân Anh chia sẻ.
Theo đó, chị Vân Anh đã dạy một vài điều sâu sắc ngay từ khi con còn nhỏ. Chị cũng nhấn mạnh, dù có ở môi trường này hay không chị vẫn sẽ dạy con. Và thật ngẫu nhiên, điều đó lại giúp mẹ con chị hiểu nhau rất nhiều:
Dạy con gia đình không nằm ở số lượng
Thông qua những bài hát, những câu chuyện về gia đình, con được tiếp xúc trong những năm đầu đời, gia đình xuất hiện với sự hoàn chỉnh về số lượng. Đó là nơi có bố, mẹ và con cái. Mẹ Sóc cho biết, ngày sang nhà bạn chơi, Sóc đã gọi bố bạn là bố. Con còn gọi rất nhiều ông bố khác như vậy. Bởi Sóc thấy rằng gia đình đương nhiên phải có bố có mẹ.
Môi trường của nhà chị lại không như thế. Do đó chị Vân Anh muốn dạy con rằng: "Gia đình không nằm ở số lượng". Gia đình là sống chung dưới một mái nhà, trải qua những kỷ niệm vui buồn với nhau. Chúng ta giúp đỡ, chia sẻ, và chơi đùa với nhau mỗi ngày.
Gia đình là khi con có mong muốn của con, mẹ có mong muốn của mẹ. Chúng ta sẽ cùng nhau tìm ra tiếng nói chung cho những mong muốn đó. Gia đình là chúng ta sẽ tôn trọng, có không gian riêng cho nhau. Mẹ không can thiệp quá sâu vào những lựa chọn của con, con cũng cần biết mẹ có những lựa chọn cho riêng mình.
Dạy con cả sự chia ly để hiểu sự thực cuộc sống
Mẹ Sóc luôn cố gắng dạy con về sự gắn kết với thế giới đẹp đẽ. Con gắn kết bằng những tình cảm dành cho mọi người, vật nuôi, và mọi thứ quanh con. Những cảm xúc tích cực luôn được thúc đẩy để con thấy hào hứng. Nhưng rất phũ phàng, Sóc cũng được dạy về sự chia tay. Dù con có yêu thích đến thế nào, đến lúc phải rời đi, con cũng cần làm điều đó.
Sóc rất bám mẹ, đây là điều hầu hết các bé chỉ ở với bố hoặc mẹ đều có. Vì con thấy mẹ là nơi duy nhất để bám víu. Con sợ rằng mẹ sẽ rời đi - một bản năng an toàn của loài người. Nhưng mẹ cần làm những việc khác ngoài ở cạnh con, nên thời khắc tạm biệt, chị vẫn luôn làm dứt khoát.
Khi đến lớp, dù con khóc, chị cũng sẽ giao con cho cô, không bước vào phạm vi lớp học. Chị Vân Anh tôn trọng không gian riêng giữa cô và trò, cũng là tôn trọng thời khắc tạm biệt giữa hai mẹ con. Thời khắc đó, con sẽ thực sự sống trong cảm xúc khi tạm biệt và con sẽ tự trải nghiệm nó.
Mẹ Sóc tâm sự rằng, Sóc từng hỏi mẹ: "Tối bố về hả mẹ? - Không, bố sẽ không về đâu, bố không phải là gia đình của mình". Chị chưa từng tránh né vấn đề giữa bố và mẹ với Sóc. Chị cũng nói thẳng: "Bố có cuộc sống riêng, mẹ con mình có cuộc sống riêng. Chúng ta là gia đình nên chúng ta sẽ sống với nhau".
Cuộc sống riêng này còn là công việc và sở thích của mỗi người. Ngày xưa, Sóc nghĩ rằng mẹ vào Youtube để giải trí và thường tranh xem hoạt hình với mẹ. Nhưng bây giờ, Sóc biết Youtube là một phần công việc của mẹ. Con luôn hợp tác ngồi quay, không phải vì Sóc là một em bé điềm tĩnh, mà vì con hiểu mẹ đang làm việc, mẹ không chơi và mẹ cũng sẽ mệt. Muốn để con hiểu công việc của mẹ, hãy đưa con đi cùng, luôn chia sẻ với con về thành công, trở ngại, thay đổi trong công việc. Con sẽ dần hiểu được điều đó.
“Mình cũng không ngại ngần nói với con về việc mẹ thích gì: Mẹ thích đi ăn nướng, con trả tiền (tiền lì xì) cho mẹ đi ăn nhé. Mẹ thích ăn cái này, con chia sẻ với mẹ đi. Con thích ra đó chơi nhưng mẹ mệt rồi, mẹ thích ngồi đây nghỉ..... Với mình, đó mới là chia sẻ, chia sẻ không phải là ra sức hỏi con về những thứ của con vì mẹ quan tâm”, chị Vân Anh chia sẻ thêm.
Dạy con luôn có trách nhiệm với những gì mình chọn
Nhớ lại ngày hai mẹ con đi Đà Nẵng, Sóc ăn vạ ở sân bay. Vì con thích đi lên, nhưng cửa ra tàu bay lại phải đi xuống. Chị Vân Anh đã xách hành lý đi xuống cùng một đứa con đang khóc. Mọi người nhìn, mọi người chỉ trỏ. Chị đã nói bằng tiếng Việt rất rõ ràng với Sóc rằng: "Hiện tại chỉ có 2 mẹ con mình, mẹ đã có trách nhiệm giúp đỡ và chăm sóc con. Con cũng cần có trách nhiệm, làm theo sự chỉ dẫn hiện tại của mẹ để lên chuyến bay. Không có ai giúp đỡ mẹ con mình cả." Nghe xong Sóc nín, con tự lau nước mắt và cùng mẹ bay về Hà Nội.
Việc thẳng thắn về cuộc sống và sự vất vả của hai mẹ con, khiến Sóc hiểu chuyện hơn. Con hiểu từng đêm con ốm, chỉ có một mình mẹ thức trắng. Con biết ơn về điều đó. Sóc đã luôn nói cảm ơn mỗi đêm con bị sốt. Do đó, bà mẹ trẻ tin rằng, khái niệm "trách nhiệm" con đã hiểu rồi.
Chị Vân Anh cho rằng, mọi người thường nói cảm xúc nằm ở trái tim. Nhưng đó là một câu nói mang tính biểu trưng. Với khoa học, cảm xúc nằm ở não bộ. Mọi buồn vui, tức giận, suy nghĩ, hành vi đều nằm ở não bộ. Chúng ta có cảm giác, là do cơ thể sản sinh ra những hormone như adrenaline, hay oxytocin - những bản năng của cơ thể.
“Mỗi đợt ốm, mình thường khuyên Sóc cần ăn nhiều, hoạt động nhiều để cơ thể nhanh khỏe. Mình cho con uống hạ sốt vì hạ sốt sẽ giúp con bớt khó chịu. Cơ thể khỏe mạnh mới có thể chống lại virus. Cảm xúc - cảm giác cũng như khi con ốm vậy. Nó sẽ đến rồi đi. Con có thể ôm mẹ hoặc làm gì đó để con thấy tốt hơn. Cảm xúc sẽ trôi qua và con có thể đối diện, cũng như vượt qua nó.
Đây là những gì mình dạy con khi con đối diện với những cơn khủng hoảng: gọi tên nó, phân tích nó, đối diện và xem mình có thể làm gì với nó. Việc ngăn chặn cơn ăn vạ là vô nghĩa - vì mẹ chỉ đang thỏa mãn sự khó chịu của mẹ thôi”, bà mẹ 9X nhấn mạnh.
Dạy con về tình yêu của mẹ
Điều này nghe tưởng chừng vô lý. Vì mẹ nào cũng yêu con và con nào cũng yêu mẹ. Chị Vân Anh dẫn giải ra rằng, trong tiếng Hy Lạp có một tình yêu gọi là Agape - tình yêu của động lực hành động. Mẹ hy sinh rất nhiều cho con, nhưng lại luôn âm thầm làm điều đó. Chị muốn Sóc hiểu rằng mọi hành động, mọi hy sinh của mẹ đều xuất phát từ tình yêu. Vậy nên con cần được nhắc nhở về điều đó.
Ai trong chúng ta, cũng có những lúc nổi cáu, quát mắng con cái. Nhưng làm thế nào để con luôn hiểu rằng, mẹ nổi cáu vì hành vi của con, chứ không phải vì bản thân con?
Thật khó để một đứa trẻ phân định điều đó. Chúng sẽ thấy rằng thời khắc đó, mình có cảm giác bị tổn thương và chối bỏ. Điều này, chị đọc được trong cuốn Parent Effectiveness Training của Gordon.
"Mình nhận ra rằng, thật khó để tránh hoàn toàn việc khiến con có cảm giác bị tổn thương. Vậy nên, mẹ phải luôn để con thấy rằng tình yêu của mẹ lớn lao đến thế nào.
Mình coi Sóc là một người đồng hành, hơn là một đứa con. Chúng mình có vai trò và trách nhiệm ngang nhau trong cuộc sống. Mình không gồng lên để hy sinh tất cả cho con. Mình cũng không cố gắng biến bản thân thành siêu nhân để dạy con mọi thứ. Sóc đang rất hạnh phúc với gia đình khỏe mạnh của mình, và mình cũng thế”, bà mẹ đơn thân bộc bạch.
Văn Anh
Ảnh: NVCC
Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!
Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất