Loét miệng ở trẻ nhỏ: Nguyên nhân, dấu hiệu và cách khắc phục
Tin liên quan
Trẻ nhỏ bị loét miệng có bao nhiêu loại?
Loét miệng là những tổn thương hay vết đứt hình thành bên trong miệng (bao gồm nhiều vị trí như lưỡi, nướu, môi hoặc bên trong gò má). Nguyên nhân gây ra tình trạng này cũng khá đa dạng như chấn thương khi đánh răng, điều trị nha khoa hoặc thiếu vitamin, nhiễm virus.
Loét miệng ở trẻ nhỏ tùy theo hình dạng và thời gian hồi phục có thể chia thành 3 loại điển hình như sau:
- Loét miệng nhỏ: Kích thước vết loét nhỏ, thường có hình tròn hoặc bầu dục, có thể tự lành sau 1 - 2 tuần, sẹo lưu lại cũng rất nhỏ hoặc thậm chí không có sẹo.
- Loét miệng lớn: So với loại thứ nhất thì loại này có vết loét kích thước lớn và sâu hơn, không có hình dạng cụ thể, phải mất nhiều tuần mới lành lặn và để lại sẹo rõ rệt.
- Loét aphthous dạng Herpes: Nhiều tổn thương và tái phát nhiều lần, các vết loét có đường kính từ 1 - 3mm, có thể liên kết với nhau tạo thành những vết loét lớn hơn.
Nguyên nhân gây loét miệng ở trẻ em
Nguyên nhân phổ biến nhất chính là chấn thương ở miệng, nhưng cũng có trường hợp là do di truyền mặc dù hiếm gặp. Ngoài ra, một số yếu tố sau đây cũng làm tăng nguy cơ loét miệng ở trẻ:
- Thiếu hụt vitamin
- Dị ứng thực phẩm hoặc tiếp xúc với các chất kích thích gây ra tình trạng loét
- Bàn chải đánh răng không phù hợp, thao tác của trẻ không đúng cách gây tổn thương
- Do nhiễm virus
- Trẻ quá căng thẳng, lo lắng làm hệ miễn dịch suy giảm
- Thay đổi nội tiết tố, đặc biệt là trẻ em đang trong giai đoạn dậy thì
Dấu hiệu loét miệng ở trẻ giúp bố mẹ sớm nhận biết và điều trị
Để điều trị loét miệng cho trẻ một cách an toàn và hiệu quả, đầu tiên người lớn cần nhận biết những dấu hiệu điển hình của tình trạng này, bởi vì có thể trẻ chưa biết cách biểu đạt sự khó chịu của cơ thể chính xác được.
- Thông thường, loét miệng ở trẻ nhỏ sẽ xuất hiện triệu chứng đầu tiên điển hình nhất chính là vết loét tròn, tâm vết loét có màu trắng hoặc vàng, xung quanh là quầng đỏ.
- Trẻ cảm thấy nóng rát ở khu vực loét và xung quanh.
- Khi trẻ đánh răng hoặc nhai thức ăn, cảm giác nóng rát này kèm theo đau đớn sẽ rõ rệt hơn, có trường hợp còn chảy máu hoặc sốt nếu bị nhiễm virus.
- Trẻ trở nên biếng ăn, cáu gắt, thường xuyên đưa tay chạm vào vết loét.
Điều trị và phòng ngừa loét miệng ở trẻ như thế nào?
Thông thường, loét miệng có thể tự lành sau vài ngày hoặc vài tuần, các cơn đau do vết loét cũng sẽ giảm dần sau 3 - 4 ngày phát tác. Chỉ khi trẻ quá đau, bác sĩ có thể kê đơn thuốc phù hợp để giảm khó chịu nhưng bạn không nên tự ý mua thuốc điều trị cho trẻ.
Trong thời gian bị loét miệng, bạn nên tránh cho trẻ ăn đồ cay nóng và trái cây vị chua vì sẽ khiến sẽ đau đớn nhiều hơn. Khuyến khích trẻ uống thêm nhiều nước để tránh môi miệng bị khô.
Nếu vết loét tái phát cùng một vị trí, có thể do các cạnh sắc nhọn của răng gây tổn thương, bạn nên đưa trẻ đến nha khoa để kiểm tra, xử lý. Nếu vết loét mất quá nhiều thời gian vẫn không lành, tốt nhất hãy cho trẻ đến bệnh viện để điều trị.
Lúc bình thường, bạn nên tập cho trẻ có thói quen sinh hoạt khoa học như rửa tay trước khi ăn, đảm bảo chế độ ăn uống đầy đủ dinh dưỡng, uống đủ nước mỗi ngày và không đưa tay vào miệng.
Ngoài ra, môi trường sống của trẻ cần giữ sạch sẽ, thoáng mát. Hằng ngày nên mở cửa để ánh nắng chiếu vào phòng, giảm ẩm mốc và hạn chế virus, vi khuẩn sinh sôi. Người lớn bị lở loét cũng cần cách ly không tiếp xúc trực tiếp với trẻ.
Hy vọng bài viết sẽ giúp bạn biết cách nhận biết và điều trị loét miệng ở trẻ nhỏ kịp thời, hiệu quả, giúp trẻ sinh trưởng và phát triển khỏe mạnh, toàn diện.
Thiên Khuê (Theo Parent)
Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!
Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất