Gián đoạn giấc ngủ: Những nguyên nhân khiến bé thường xuyên bị thức giấc

Thiên Khuê 2023-07-10 11:39
- Gián đoạn giấc ngủ ở trẻ em khiến nhiều mẹ mệt nhọc và lo lắng. Emdep sẽ giúp bạn tìm ra nguyên nhân và cách khắc phục nhé.

Thông thường trong những năm đầu đời, trẻ hay thức giấc là hiện tượng khá phổ biến và có thể khiến các bậc cha mẹ thêm phần mệt nhọc lẫn lo lắng. Vấn đề trẻ ngủ không ngon giấc có gì đáng lo ngại?

Để có biện pháp cải thiện giấc ngủ cho bé, đầu tiên bạn cần xác định nguyên nhân khiến bé thường xuyên giật mình, thậm chí kèm theo khóc quấy. Nếu không tìm ra lý do gây ra vấn đề này, bé có thể ngày càng bị căng thẳng và thiếu ngủ.

Gián đoạn giấc ngủ: Những nguyên nhân khiến bé thường xuyên bị thức giấc

Những nguyên nhân gây gián đoạn giấc ngủ ở trẻ

Mọc răng có thể là nguyên nhân khiến bé thức giấc mỗi giờ

Gián đoạn giấc ngủ có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó có thời kỳ mọc răng. Cảm giác đau, khó chịu và hay bị chảy nước dãi nhiều là yếu tố ảnh hưởng đến giấc ngủ của bé.

Ngoài hiện tượng trẻ đột nhiên thức giấc với thời gian không đồng đều thì bạn còn có thể phát hiện những dấu hiệu trẻ mọc răng như dễ khóc quấy, nướu sưng hoặc đỏ, những chiếc răng nhỏ có thể nhìn thấy ngay dưới đường viền nướu.

Bệnh tật cũng là nguyên nhân ảnh hưởng giấc ngủ

Một số bệnh dạng cấp tính thường gặp ở trẻ em cũng có thể khiến con bạn thức giấc vào ban đêm nhiều hơn. Điển hình như sốt, ho, sổ mũi, đau họng, nhiễm trùng tai… Bạn nên đưa trẻ đến bệnh viện để điều trị, sớm khôi phục chất lượng giấc ngủ.

Gián đoạn giấc ngủ: Những nguyên nhân khiến bé thường xuyên bị thức giấc

Em bé của bạn có thể đến giai đoạn cần ngủ trưa

Nếu trẻ đang bước vào quá trình chuyển đổi giấc ngủ ngắn (ngủ trưa) thì việc ảnh hưởng giấc ngủ ban đêm cũng là hiện tượng bình thường. Sự chuyển đổi này được tính theo độ tuổi như sau:

- Trẻ 4 đến 6 tháng: Chuyển từ 4 sang 3 giấc ngủ ngắn

- Trẻ 6 đến 9 tháng: Chuyển từ 3 sang 2 giấc ngủ ngắn

- Trẻ 12 đến 18 tháng: Chuyển từ 2 sang 1 giấc ngủ ngắn (thường là khoảng 15 tháng)

- Trẻ sau 2,5 đến 6 tuổi: Chuyển từ 1 sang hoàn toàn không cần ngủ trưa

Vì vậy, nếu em bé của bạn thức giấc mỗi giờ vào ban đêm thì có thể là do những giấc ngủ trưa gây ảnh hưởng. Để cải thiện tình trạng này, bạn có thể cân nhắc lại để giảm bớt một trong những giấc ngủ ngắn của bé.

Gián đoạn giấc ngủ: Những nguyên nhân khiến bé thường xuyên bị thức giấc

Mẹ nên làm gì để giúp bé có giấc ngủ tốt hơn về đêm?

Mặc dù nguyên nhân khiến trẻ bị gián đoạn giấc ngủ có thể không liên quan đến bệnh tật nhưng cũng cần có biện pháp khắc phục để giảm bớt số lần trẻ bị giật mình lúc nửa đêm, đảm bảo sự phát triển khỏe mạnh và tối ưu cho em bé của bạn.

Kịp thời giải quyết các vấn đề gây khó chịu cho bé

Nếu bé đang đau do mọc răng hoặc bệnh tật, mẹ cần đến gặp bác sĩ chuyên khoa để được hướng dẫn cách xoa dịu cơn đau này. Chú ý bạn không nên tùy tiện mua thuốc cho trẻ uống vì có thể không đúng bệnh, hoặc gây phản ứng tiêu cực đối với sức khỏe của bé.

Đảm bảo không gian phòng ngủ lý tưởng cho bé

Chỗ ngủ ban đêm của bé nên sạch sẽ, yên tĩnh, mát mẻ và không để đèn quá sáng, thậm chí các chuyên gia sức khỏe còn khuyến cáo nên tắt hết đèn khi cho em bé ngủ. 

Ngoài ra, giai đoạn trẻ hiếu kỳ cũng nên hạn chế đặt quá nhiều đồ vật trong phòng ngủ để trẻ không bị tình trạng tập trung vào các thứ xung quanh mà trở nên khó ngủ.

Gián đoạn giấc ngủ: Những nguyên nhân khiến bé thường xuyên bị thức giấc

Hỗ trợ cho trẻ dần dần quen với việc ngủ phòng riêng

Đối với những trẻ lớn hơn và bạn muốn cho trẻ ngủ riêng thì nên bắt đầu từ từ, không cần quá vội vàng. Trẻ khóc quấy và dễ giật mình nửa đêm có thể do chưa quen khi một mình, thiếu cảm giác an toàn.

Vì vậy, mẹ có thể tạm thời sang phòng riêng của trẻ để ngủ vài hôm đầu tiên. Sau đó trấn an vỗ về và khích lệ trẻ tự giác ngủ một mình. Khi trẻ đã quen dần với không gian riêng tư của mình, bạn có thể rút ngắn bớt thời gian ở lại phòng của trẻ.

Chú ý lịch ngủ trưa của trẻ

Các giấc ngủ ngắn trong ngày cũng cần tuân thủ thời gian để giúp trẻ có đồng hồ sinh học phù hợp. Bạn không nên vì lý do gì đó mà cho trẻ ngủ trưa không có quy luật, hoặc để trẻ ngủ quá nhiều vào ban ngày.

Ngoài ra, tạo điều kiện để trẻ vui chơi, vận động phù hợp với độ tuổi có thể giúp tăng cường sức đề kháng và cải thiện các vấn đề về tinh thần. Tuy nhiên, hạn chế cho trẻ hoạt động nhiều trước giờ ngủ buổi tối.

Hy vọng bài viết sẽ giúp mẹ có thêm cơ sở phán đoán nguyên nhân gây gián đoạn giấc ngủ của trẻ, từ đó có biện pháp cải thiện hợp lý.

Thiên Khuê (Theo Bright)

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất

3 tư thế trước khi ngủ giúp thon cánh tay, thon chân, thon toàn thân