Con cứ đi học là ốm lay lắt: Bật mí mẹo hay giúp bé khỏe re, mẹ không phải lo lắng

2022-07-14 15:15
- Trẻ nhỏ đến tuổi đi học hay bị ốm do thay đổi môi trường, thói quen sinh hoạt, tiếp xúc với nhiều mầm bệnh hơn… Dưới đây là mẹo hay giúp bé khỏe, ít ốm khi đi học?

Không ít bà mẹ than thở rằng: " Con ở nhà thì không sao, nhưng hễ cho đi học là y như rằng sẽ ốm lay lắt. Một tuần thì ốm đến 4 ngày. Đi học phí tiền. Nhưng không cho đi học thì không được". 

Sức đề kháng của trẻ con còn kém, không như người lớn. Việc thay đổi thói quen sinh hoạt, môi trường sống và tiếp xúc với nhiều mầm bệnh hơn so với việc ở nhà là nguyên nhân khiến bé hay bị ốm mỗi lần đến lớp. Tình trạng này kéo dài khiến mẹ rất mệt mỏi. 

Dưới đây là 10 cách giúp bé tăng sức đề kháng, khỏe mạnh. Mẹ yên tâm cho con đi học mà không sợ bé ốm! 

1. Bổ sung đầy đủ dinh dưỡng cho con 

Lứa tuổi mầm non là giai đoạn tăng trưởng thể chất rất mạnh mẽ, trẻ cần rất nhiều dưỡng chất để phát triển khỏe mạnh. Vì thế mà dinh dưỡng cho con ở lứa tuổi này vô cùng quan trọng. 

4 nhóm dinh dưỡng thiết yếu đảm bảo sức khỏe của bé, đó là: Chất béo, chất đạm, tinh bột và khoáng chất. Trong đó, trẻ cần 10 đến 15% lượng đạm trong khẩu phần ăn mỗi ngày để đảm bảo đủ năng lượng cung cấp cho các hoạt động hằng ngày. Chất đạm thường có nhiều trong các thực phẩm như thịt, cá, trứng, sữa đậu nành,... Mẹ cũng cần chú ý cung cấp vitamin B2, B6, B12, magiê, photpho và thực phẩm giàu kẽm (ví dụ cải lá xanh, hạt đậu, cây họ đậu, các loại ngũ cốc và hải sản) giúp trẻ hấp thu dễ dàng và tận dụng được thức ăn có đạm. 

Các thực phẩm giàu bột đường là cơm, bún, mì, nui, khoai tây khoai lang, đậu… Các chất béo thiết yếu như omega 3 (DHA) có từ cá basa, cá ngừ, cá thu, cá hồi, cá trích và các loại sữa bột có hàm lượng DHA cao; omega 6 từ dầu, các loại hạt… rất cần thiết cho cấu tạo thần kinh và hoạt động não bộ. Tuy nhiên, mẹ cũng cần lưu ý rằng chỉ cung cấp một lượng chất béo vừa đủ để con không bị thừa cân, béo phì. 

Những vitamin đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển của trẻ là vitamin A, vitamin C, vitamin D, vitamin nhóm B… Những khoáng chất quan trọng với sức khỏe của trẻ là sắt (có trong thịt, cá, gan, huyết), canxi (có trong sữa, các chế phẩm của sữa và một số loại thịt, rau có màu xanh đậm), iod, axit folic (có trong rau lá xanh đậm), kẽm (có trong hàu, sò, thịt, cá, các loại hạt)… 

Khi con đến tuổi đi học, hầu hết đều đã biết ăn dặm cơm, cháo như người lớn. Mẹ nên thường xuyên thay đổi thực đơn của con, để trẻ ăn ngon miệng hơn. 

2. Đừng quên bữa sáng của con 

Nhiều cha mẹ chỉ chú trọng vào bữa trưa và bữa tối của trẻ mà quên mất bữa sáng. Nhưng chính bữa sáng mới có vai trò quan trọng trong việc phát triển não cũng như duy trì mức năng lượng ổn định trong suốt cả ngày của trẻ. 

Việc coi thường bữa sáng, cho con ăn đồ ăn nhanh, cho con ăn vội vàng, hoặc để bụng đói đi học... sẽ có hại cho sức khỏe của trẻ. Con sẽ không có đủ năng lượng để học tập, vui chơi. 

3. Cho trẻ ngủ đủ giấc 

Giấc ngủ có vai trò quan trọng cho sự phát triển toàn diện của trẻ. Khi ngủ đủ giấc, con sẽ có 1 tinh thần khỏe khoắn, tỉnh táo để vui chơi cả ngày. Trẻ từ 1 – 3 tuổi cần ngủ khoảng 13 – 14 giờ/ngày, trẻ từ 3 – 6 tuổi cần khoảng 11 – 12 giờ/ngày. Do đó, ngoài thời gian ngủ ở trường, cha mẹ cần đảm bảo ở nhà con ngủ khoảng 11 giờ với trẻ 1 – 3 tuổi, 9 giờ với trẻ 3 – 6 tuổi. 

Ngoài ra, cha mẹ cần cho con đi ngủ sớm, không để con thức quá khuya. 

4. Dạy con rửa tay đúng cách 

Rửa tay là việc làm cần thiết giúp cơ thể trẻ hạn chế sự xâm nhập của vi khuẩn. Cha mẹ hãy hướng dẫn con rửa tay khi ho, khi đi vệ sinh, trước và sau khi ăn... 

* Cách rửa tay sạch và đúng chuẩn: 

- Làm ướt tay với nước (tốt nhất là nên sử dụng nước ấm để tăng hiệu quả diệt trừ vi khuẩn, virus). 

- Cho xà phòng vào lòng bàn tay và chà xát để tạo bọt, nếu dùng nước rửa tay thì cần cho 1 lượng khoảng 3-5ml để có thể tạo được đủ lượng bọt cần thiết. 

- Xoa bọt đều khắp từ lòng bàn tay ra các kẽ tay, từng ngón tay và tuyệt đối không nên bỏ qua kẽ móng tay của trẻ. 

- Tiếp tục chà xát tay trong vòng 20 giây đến 60 giây để đảm bảo tiêu diệt sạch các vi khuẩn. 

- Rửa lại tay thật sạch với nước. Bố mẹ nên hướng dẫn cho trẻ biết rằng rửa sạch xà phòng là khi trẻ thấy da không còn cảm giác trơn nhớt, mà là cảm giác da sạch bong. 

- Lau thấm lại bằng khăn, giấy sạch hoặc để tay khô tự nhiên. 

5. Cho trẻ vận động, tập thể dục thường xuyên 

Các bài tập thể dục không những giúp tăng cường sức khỏe, sự linh hoạt, dẻo dai mà còn tăng cường lưu thông máu cũng như tăng cường hệ thống miễn dịch, cải thiện khả năng chống lại bệnh tật. 

Tùy vào từng độ tuổi của bé mà mẹ lựa chọn các bài tập thích hợp cho con. Cha mẹ nên khuyến khích các trò chơi giúp trẻ di chuyển, gia tăng vận động thô. Đó có thể là chơi đá cầu, nhảy dây, những động tác tập thể dục đơn giản... 

6. Dạy trẻ giữ gìn vệ sinh cá nhân 

Mẹ nên hướng dẫn bé không chạm tay vào mặt, mũi thường xuyên, che miệng khi ho, hắt hơi, không dùng chung vật dụng cá nhân như cốc, khăn mặt… của người khác để tránh lây bệnh. Ngoài ra mẹ cũng cần tắm gội cho con hàng ngày, nhắc nhở bé rửa tay đúng lúc và giữ thói quen vệ sinh cá nhân. 

7. Cho trẻ chơi ở những nơi thoáng mát, sạch sẽ 

Môi trường có nhiều bụi bẩn, ẩm mốc là điều kiện lý tưởng để vi khuẩn phát triển, gây bệnh. Vì vậy để con ít ốm đau, cha mẹ cần giữ gìn vệ sinh môi trường xung quanh bé. Khi chọn trường cho con, phụ huynh nên chọn những địa điểm trông giữ, dạy học cao ráo, sạch sẽ, được vệ sinh thường xuyên. 

Ngoài ra, cha mẹ cũng nên cho con ra ngoài, đến những nơi công cộng để con quen dần với việc tiếp xúc người lạ, môi trường lạ. Việc bó khung con quanh quẩn trong nhà sẽ khiến bé rất dễ ốm khi chuyển sang môi trường sống khác. 

8. Chú ý đến tâm trạng của trẻ 

Khi cho trẻ đi học, đồng nghĩa với việc con phải rời xa vòng tay bố mẹ, người chăm sóc... nhất là trong khoảng thời gian đầu chưa quen, bạn bè, thầy cô… còn lạ lẫm, mới mẻ. Vì vậy bé thường khóc rất nhiều trong tuần đầu đến trường. Những lúc đó cha mẹ cần chia sẻ, động viên, vỗ về trẻ, giải tỏa cho con những căng thẳng, sợ hãi khi con đến trường. Hãy tạo cho con cảm giác trường học gần gũi, vui vẻ như ở nhà. Đừng vội vàng cho trẻ vào lớp rồi bố mẹ bỏ về luôn. Như vậy con sẽ có cảm giác bị bỏ rơi và tâm trạng tồi tệ hơn rất nhiều. 

9. Không lạm dụng kháng sinh 

Nhiều cha mẹ cứ thấy con ốm, sốt là tự ý đi mua thuốc, trong đó có thuốc kháng sinh để trẻ mau khỏe lại. Tuy nhiên, việc tùy tiện lạm dụng kháng sinh như vậy sẽ vô tình tiêu diệt cả những vi khuẩn có lợi, ảnh hưởng đến hệ miễn dịch của trẻ, dẫn tới hiện tượng "nhờn" thuốc, làm cơ thể bé không thể tự chống lại sự xâm nhập của những loại vi khuẩn trong môi trường xung quanh. Vì vậy, khi con ốm, tốt nhất hãy chú ý theo dõi và cho trẻ đến khám bác sĩ để yên tâm hơn. 

10. Tiêm phòng đầy đủ vắc xin 

Để tăng cường sức khỏe, và giảm nguy cơ mắc bệnh cho con, cha mẹ cần tiêm phòng đầy đủ và đúng lịch vắc xin. Với những mũi tiêm chủng dịch vụ, tùy vào hoàn cảnh và quan điểm của gia đình nhưng cũng nên cho bé tiêm đủ, đặc biệt là mũi vắc xin phòng bệnh cúm vào tháng 9, tháng 10 hàng năm.  

Theo Phụ nữ Việt Nam

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất


Vừa sang Mỹ, Chi Pu xuất hiện hoành tráng trên poster, 'vượt mặt' Bằng Kiều, Mạnh Quỳnh