Cho con ăn nước hầm xương KHÔNG LÀM TRẺ CÒI XƯƠNG, bé suy dinh dưỡng thực chất vì PHƯƠNG PHÁP cho ăn, đừng đổ lỗi cho thực phẩm

2022-04-14 15:15
- Nhiều người vẫn đang có cái nhìn sai về nước hầm xương cho bé.

Từ trước tới nay, ông bà vẫn thần thánh hoá vai trò của nước hầm xương. Lý do là bởi họ cho rằng trong nước này có đủ vị ngọt và tất cả các chất dinh dưỡng, thế nên ngày nào cũng cho trẻ ăn mong bé sẽ thật khoẻ mạnh. Tuy nhiên, gần đây trên mạng có thông tin cho con ăn nước hầm xương lâu ngày sẽ khiến bé bị còi xương làm mọi người sợ hãi, vậy sự thật thế nào.  

Mới đây, bác sĩ Nhi khoa Trần Văn Công đã có chia sẻ cụ thể về vấn đề này. Bác sĩ được biết đến là một người thương yêu trẻ em, vui tính và luôn tận tâm trong công tác khám chữa bệnh. Anh cũng là gương mặt quen thuộc trên các diễn đàn xã hội, là 1 chuyên gia chia sẻ các kiến thức y khoa được quý phụ huynh rất yêu thích. 

Cụ thể anh giải thích: ''Nếu có ai nói rằng ăn cháo với nước hầm xương lâu ngày sẽ dần đến còi xương là hoàn toàn sai. Bởi bệnh còi xương là do thiếu vitamin D . Em bé không được bổ sung đủ vitamin qua thực phẩm chức năng, thực phẩm tự nhiên hay ánh nắng lâu ngày sẽ bị bệnh này. Nó hoàn toàn không liên quan việc dùng nước hầm xương để nấu cháo.  

Nhưng tại sao lại có chuyện ĂN NƯỚC HẦM XƯƠNG BỊ CÒI XƯƠNG? Lý do là vì các ông bà thần thánh hoá nước hầm xương, nghĩ rằng nó đầy đủ các chất nên có xu hướng nấu cho con ăn chỉ bằng loại nước này từ ngày này qua tháng khác. Tuy nhiên, họ không bổ sung cho con một số thực phẩm cần thiết khác như thịt, rau củ quả . Chế độ ăn như vậy về lâu dài sẽ khiến trẻ bị thiếu chất. Thế nên bác sĩ mới khuyến cáo là nước hầm xương tốt, nhưng trong chén cháo ngoài nước hầm xương cần thêm nhiều thứ khác như thịt, rau, tôm... Bản chất vấn đề chính là như vậy". Đừng chỉ cho bé ăn mỗi nước hầm xương, không ăn cái 

Nhiều cha mẹ có thói quen chỉ cho con ăn nước hầm xương hoặc chỉ trộn nước hầm xương với cháo, cơm để cho trẻ ăn. Cha mẹ tin rằng các chất dinh dưỡng trong phần cái sẽ hòa hết vào nước hầm xương nên chỉ cần cho trẻ ăn nước hầm là đủ. Đây là một quan niệm hoàn toàn sai lầm vì các lý do sau đây: 

- Xương dù có được ninh, hầm bao lâu, kỹ thuật ninh như thế nào thì phần nước hầm vẫn chứa rất ít chất dinh dưỡng, chỉ có một lượng nhỏ vitamin, chất đạm, canxi,... Canxi là thành phần quan trọng cho sự phát triển của trẻ, có vai trò trong việc hình thành cấu trúc xương và răng. 

- Tuy nước hầm xương có chứa canxi, nhưng đây là canxi vô cơ, cơ thể trẻ không thể hấp thu được. Do đó, chỉ cho trẻ ăn nước hầm có thể khiến trẻ bị thiếu canxi, dẫn tới còi xương, chậm lớn, suy dinh dưỡng. 

- Chất đạm là một trong 4 nhóm dinh dưỡng thiết yếu cần bổ sung vào chế độ ăn của trẻ. Đạm có nhiều trong thịt, tôm, cá, trứng,.. Dù mẹ có ninh xương lâu đến đâu thì chất đạm vẫn chỉ hòa ra một lượng nhỏ, phần còn lại chủ yếu trong bã thức ăn. Do vậy, mẹ nên cho bé ăn cả phần ''cái'' tôm, thịt, cá... để bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng. 

Nước hầm xương tốt nhưng mẹ nên cho kèm thịt, rau, tôm, cá và các loại thực phẩm khác để con ăn. Ảnh: Internet. 

Nước hầm xương chứa một lượng nhỏ vitamin tan trong nước, còn các loại vitamin tan trong dầu như A, D, E, K sẽ không thể hòa tan vào phần nước hầm. Vì vậy, chỉ cho trẻ ăn nước hầm sẽ khiến trẻ bị thiếu hụt các vitamin quan trọng này.  

- Chất béo trong tủy xương thường hòa vào nước hầm, khiến mẹ chủ quan, không bổ sung thêm chất béo cho con. Nhưng mẹ nên lưu ý chất béo từ tủy xương là chất béo động vật, khó hấp thu và không mang lại nhiều lợi ích cho trẻ. Mẹ nên bổ sung vào chế độ ăn các loại chất béo thực vật như dầu mè, dầu đậu nành, dầu đậu phộng,... để cung cấp thêm năng lượng cho sự phát triển của trẻ.  

- Trẻ chỉ ăn nước hầm hoặc nước hầm trộn với cơm, cháo sẽ bị thiếu chất xơ, khiến trẻ bị táo bón, khó tiêu và nhiều bệnh lý đường ruột khác.   

- Mẹ thường cho trẻ ăn nước hầm trộn với cơm để trẻ dễ nuốt, dễ nhai, nhưng lâu dần điều này sẽ hình thành nên thói quen lười nhai, ngậm thức ăn và có thể dẫn tới chán ăn. Chức năng nhai đóng vai trò rất quan trọng đối với sự tiêu hóa thức ăn. Nhai không chỉ giúp làm nhỏ thức ăn, trộn lẫn thức ăn với nước bọt chứa men tiêu hóa mà còn tác động đến hệ xương hàm của trẻ nhỏ. Do đó, trẻ lười nhai sẽ dẫn đến nhiều hệ quả cho vấn đề tiêu hóa và cả cấu trúc xương. Một số lưu ý khi cho trẻ ăn dặm 

Chế độ dinh dưỡng có vai trò quan trọng trong sự phát triển thể chất và trí tuệ của trẻ. Do đó, các bậc phụ huynh cần xây dựng một chế độ ăn dặm phù hợp để con phát triển toàn diện. 

- Chế độ dinh dưỡng cho trẻ cần phải chứa đủ bốn nhóm dinh dưỡng sau đây: Tinh bột (gạo, mì, ngô, khoai...); Đạm (thịt, cá, tôm, cua..); Chất béo (dầu ăn); Các loại rau giúp cung cấp vitamin, sắt, chất xơ và các chất khoáng khác cần thiết cho cơ thể.   

- Phải cho trẻ ăn đầy đủ cả phần cái và phần nước hầm để cung cấp đủ chất dinh dưỡng cho trẻ.  

- Nên cho trẻ ăn từ thức ăn lỏng tới đặc, từ lượng ít tới nhiều và cũng nên tập cho trẻ ăn quen dần với các thức ăn mới.  

- Thực phẩm dùng cho trẻ phải đảm bảo an toàn, vệ sinh, người chuẩn bị thức ăn cho trẻ phải rửa tay sạch trước khi chế biến thức ăn để tránh gây rối loạn tiêu hóa và các bệnh lý đường ruột khác.  

- Tăng năng lượng của bữa ăn bằng cách bổ sung thêm dầu, mỡ hoặc vừng, lạc (mè, đậu phộng). Chất béo không chỉ giúp làm cho bát bột vừa thơm, béo, mềm, khiến trẻ dễ nuốt, lại cung cấp thêm năng lượng cho sự phát triển của trẻ.  

Hãy lưu ý đến chế độ ăn dặm của con. Ảnh: Internet. 

- Khi cho trẻ ăn nên khuyến khích động viên, không đe dọa vì tạo áp lực tâm lý sẽ khiến trẻ sợ ăn, sợ hãi mỗi khi nhắc tới bữa ăn. Ngoài ra cũng không nên cưng nựng, dỗ dành quá mức vì sẽ hình thành thói quen không tốt ở trẻ, phải được thưởng trẻ mới chịu ăn.  

- Không cho trẻ ăn bánh, kẹo, uống nước ngọt trước bữa ăn vì chất ngọt làm tăng đường huyết, khiến trẻ no bụng, chán ăn.  

- Nên cho trẻ ăn đầy đủ chất xơ. Nếu trẻ không thích ăn rau củ, nên tìm cách chế biến rau củ thành những món ăn hấp dẫn, dễ ăn để bổ sung đủ chất xơ cho trẻ. 

Bên cạnh đó, cha mẹ còn cần bổ sung cho con các vi khoáng chất thiết yếu như kẽm, Lysine, crom, selen, vitamin B1,... để đáp ứng đầy đủ nhu cầu về dưỡng chất ở trẻ. Việc bổ sung các vitamin thiết yếu này còn hỗ trợ tiêu hóa, tăng cường khả năng hấp thu dưỡng chất, giúp cải thiện tình trạng biếng ăn, giúp trẻ ăn ngon miệng.  

Cha mẹ có thể đồng thời áp dụng việc bổ sung chất qua đường ăn uống và các thực phẩm chức năng có nguồn gốc từ tự nhiên để bé dễ hấp thụ. Điều quan trọng nhất là việc cải thiện triệu chứng cho bé thường phải diễn ra trong thời gian dài. Việc kết hợp nhiều loại thực phẩm chức năng cùng lúc hoặc thay đổi liên tục nhiều loại trong thời gian ngắn có thể khiến hệ tiêu hóa của bé không kịp thích nghi và hoàn toàn không tốt.  

Theo Nhịp Sống Việt

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất


Bánh ngô kiểu mới ngon giòn hết nấc, bé ăn mãi vẫn thèm