Xót xa vợ nằng nặc đòi ly hôn vì nỗi sợ “gánh nợ” tiền tỷ khi chồng làm ăn sa cơ lỡ vận
Tin liên quan
Trăn trở bên tình bên nghĩa
Phát hiện chồng nợ nần tới hàng tỷ đồng cũng là thời điểm chị Thi Hằng (30 tuổi, Hà Nội) mang bầu đứa con thứ hai. Hóa ra bao lâu nay, anh giấu chị hùn vốn làm ăn với một người bạn nhưng do tính toán sai lầm, mọi việc không diễn ra như mong đợi. Chán ngán việc nợ nần, chồng chị sinh tật rượu chè triền miên.
Nhìn cảnh chồng nợ nần, mình đang bụng mang dạ chửa, chị Hằng đã nghĩ tới việc ly hôn. Đây không phải là lần đầu tiên chồng chị vỡ nợ.
Trước đó, chị đã không dưới hai lần “bơm vốn” cho chồng làm ăn. Nhưng lần nào cũng hỏng vì anh không biết tính toán.
Chồng vỡ nợ, không ít chị em nghĩ đến chuyện ly hôn vì sợ khoản nợ "khủng". Ảnh minh họa.
Lần này tiếp tục vỡ nợ, giọt nước tràn ly, chị Hằng đã nghĩ đến chuyện ly hôn. Chị cũng đã âm thầm chuẩn bị tài chính để mấy mẹ con có thể sống dư dả sau này.
“Biết làm như vậy sẽ không đúng về mặt đạo lý nhưng không thể chịu nổi ông chồng vô dụng lại thêm tật rượu chè, không quan tâm đến vợ con. Nếu cứ mãi kéo dài cuộc sống như vậy thì chỉ khổ con”, chị Hằng tâm sự.
Thời buổi “cơn lốc” vỡ nợ tràn lan, không ít chị em có tâm tư như vậy. Một mặt, họ muốn ly hôn để tránh việc gánh nợ. Tuy nhiên, mặt khác họ lại trăn trở có nên ly hôn rũ bỏ trách nhiệm hay là đưa vai gánh nợ cùng chồng trong lúc khó khăn? Hơn nữa, nhiều chị em cũng thắc mắc liệu họ có phải gánh nợ cùng chồng hay không?
Bày tỏ quan điểm về mối trăn trở này, anh Nguyễn Minh Khanh, chủ một doanh nghiệp tại Hà Nội cho rằng: “Tùy tính chất vỡ nợ mà người vợ đưa ra quyết định. Nếu chồng vỡ nợ vì làm ăn thì không nên ly hôn. Nhưng nếu vỡ nợ vì mải mê cờ bạc, cá độ thì ly hôn là chính đáng, không sợ bị người đời chê cười”.
Chồng vỡ nợ, vợ ứng xử thế nào “chuẩn nhất”?
Trao đổi với PV Em Đẹp, luật sư Nguyễn Minh Long, Đoàn Luật sư TP.Hà Nội, người từng hỗ trợ pháp lý cho rất nhiều gia đình trong các vụ việc vỡ nợ cho biết, theo Luật Hôn nhân và gia đình, các tài sản chung (bao gồm cả các khoản nợ) phát sinh trong thời kỳ hôn nhân, thì khi xảy ra tranh chấp, vai trò của vợ và chồng đối với tài sản trên là như nhau.
Thay vì ly hôn vội vàng, hãy ngồi lại với nhau bàn bạc để tìm ra giải pháp hiệu quả nhất. Ảnh minh họa.
“Việc chồng vay mượn mà không dùng vào mục đích chung của vợ chồng, trong sinh hoạt cũng như đời sống hàng ngày, mà người vợ không hề hay biết, theo pháp luật quy định xác định tài sản chung được chia đôi và phần nợ của chồng sẽ được giải quyết ở phần tài sản đã được chia của người chồng. Khi ly hôn người vợ không có trách nhiệm phải cùng trả các khoản nợ riêng này”, Luật sư Long nói.
Tuy nhiên, khi tiếp xúc với các trường hợp vỡ nợ, luật sư Long nhận thấy hầu hết họ đều khó giữ được bình tĩnh bởi tình cảnh bị đòi nợ, kinh tế kiệt quệ và không tránh nhưng suy nghĩ cực đoan.
Vì thế, vị luật sư cũng thẳng thắn bày tỏ: “Về mặt đạo đức xã hội và thuần phong mỹ tục thì người vợ không nên ly hôn để rũ bỏ trách nhiệm, trong lúc khó khăn thì nên chung lưng đấu cật để vượt qua.
Người vợ với vai trò của mình nên động viên, vực lại tinh thần cho chồng. Hơn lúc nào hết, người chồng rất cần sự chia sẻ, sự thành thật, chân thành để cùng nhau đưa ra hướng giải quyết.
Thực tế xã hội hiện nay,một số trường hợp khi rơi vào tình trạng “không còn cách nào để xoay sở” thì rất nhiều người chồng làm đơn ly hôn để tránh cho vợ và con của mình liên lụy đến việc “nợ nần” của mình. Cũng có trường hợp, vợ sợ liên lụy tới con cái và bản thân mà làm đơn ly dị, đây là điều không ai mong muốn”.
Thu Hà
Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!
Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất