Vụ cô giáo dùng dép đánh vào đầu trẻ: Phải gấp rút đào tạo giáo viên mầm non được học tập bài bản và đủ lòng yêu thương trẻ

2017-02-08 10:08
- Đây là ý kiến của PGS.TS. Trần Xuân Nhĩ - nguyên bộ trưởng Bộ Giáo dục và PGS. Văn Như Cương - Hiệu trưởng trường THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội).

Mấy ngày gần đây, đoạn clip quay lại cảnh một giáo viên dùng dép tổ ong tát vào mặt và thúc đầu gối vào bụng trẻ mầm non khiến dư luận chưa khỏi phẫn nộ. Được biết sự việc xảy ra tại trường mầm non Sen Vàng (phường Minh Khai, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội).

Trẻ bị cô giáo dùng dép đánh vào đầu: Cần xã hội hóa giáo dục nhanh chóng

Nơi đoạn clip quay lại cảnh cô giáo dùng dép tổ ong tát vào mặt học sinh.

Đoạn clip một lần nữa khiến các phụ huynh bàng hoàng lo lắng cho số phận của con em mình khi giao đến tay cô giáo ở trường. Nhiều người đã rất bức xúc trước hành vi dã man của các giáo viên mầm non này.

Chương trình giáo dục cho ngành giáo viên mầm non cần chỉnh sửa và xem xét lại

Theo PGS.TS Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, khi đọc báo thấy thông tin về cảnh cô giáo mầm non bạo hành trẻ ở trường mầm non Sen Vàng, vị PGS.TS này rất bức xúc và bàng hoàng: “Tại sao một cô giáo dạy mầm non mà lại có hành vi côn đồ như vậy. Lại có thể cầm dép đánh vào đầu trẻ con như vậy”.

Theo ông Trần Xuân Nhĩ, hiện nay, nhu cầu về giáo viên mầm non ở nước ta rất lớn. Mỗi năm bình quân có 1 triệu trẻ em ra đời. Tuổi đi lớp của trẻ mầm non từ 6 tháng tuổi cho đến 6 tuổi. Vậy bình quân mỗi năm có khoảng gần 6 triệu trẻ em ở tuổi mầm non.

Việc chăm sóc trẻ mầm non không thể có 1 lớp mấy chục học sinh được. Với số lượng trẻ mầm non nhiều như thế, phía cơ quan nhà nước không thể ôm đồm làm hết mọi việc mà phải thực hiện chế độ xã hội hóa giáo dục.

Tuy nhiên, việc nhà nước cần làm là đào tạo đội ngũ giáo viên đúng, chuẩn và có kiến thức nền để phục vụ cho số lượng trẻ mẫu giáo. Để làm được điều này, trong quy hoạch hệ thống sư phạm phải hết sức quan tâm đến giáo dục ở độ tuổi mầm non.

Trẻ bị cô giáo dùng dép đánh vào đầu: Cần xã hội hóa giáo dục nhanh chóng

PGS.TS Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo nêu ra những bất cập.

“Tôi nhận thấy, hiện nay chưa có một cuộc điều tra để biết rõ được nhu cầu của học sinh ở lứa tuổi mầm non. Từ nghiên cứu đó, chúng ta mới có thể đưa ra những chiến lược để có thể đáp ứng đúng nhu cầu đạt chuẩn cho bậc giáo dục này”, PGS nêu quan điểm.

Phân tích thêm, vị chuyên gia này cho hay: “Ở khâu đầu vào, tôi thấy cần bổ sung thêm môn thi kỹ năng thể hiện được lòng yêu mến của cô giáo mầm non với trẻ nhỏ. Phải có những bài học trắc nghiệm để đảm bảo được việc tuyển chọn đúng đối tượng”.

Bên cạnh đó, quá trình đào tạo cũng còn nhiều điều bất cập giữa lý thuyết và thực hành chưa có sự cân xứng. Giáo dục đào tạo đội ngũ giáo viên mầm non ở nước ta còn quá nặng về lý thuyết: “Theo tôi, đối với giáo viên mầm non, chúng ta chỉ chọn một số môn lý thuyết cơ bản. Thời gian còn lại hãy để cho sinh viên được về các cơ sở thực tập và cọ sát với môi trường trẻ nhỏ cũng như được học hỏi kinh nghiệm.

Đây cũng là điều kiện để đánh giá thêm về người giáo viên mầm non tương lai này. Họ có thực sự yêu trẻ, yêu nghề hay không, có kỹ năng chăm sóc trẻ hay không. Việc đào tạo một lần nữa lại được sàng lọc thêm”, Nguyên Thứ trưởng bộ Giáo dục nhận định.

Ông Trần Xuân Nhĩ cũng nêu thực tế về một số chuyên đi khảo sát của ông: “Khi tôi đi thăm một số trường công lập, chúng tôi nhận được phản ánh từ giáo viên trong trường về những cô giáo mới về trường. Theo họ, những cô giáo mới không làm được việc gì. Từ việc dỗ trẻ cho đến việc thay áo cho trẻ các cô cũng không làm được. Đó là kỹ năng tối thiểu nhưng những cô giáo này do ít được thực hành nên không làm được. Vì vậy chương trình giáo dục cho ngành giáo viên mầm non cần chỉnh sửa và xem xét lại".

Cần hỗ trợ học phí cho trẻ mầm non đối với những gia đình khó khăn

Cũng theo PGS.TS. Trần Xuân Nhĩ, đối với giáo dục mầm non, ông cho rằng nên đẩy mạnh quá trình xã hội hóa. 

Thực tế, với những gia đình có điều kiện thường cho trẻ vào học ở những trường dân lập. Những trẻ khác thì phải học ở trường công lập vì hệ thống trường dân lập học phí cao, không phải gia đình nào cũng đáp ứng được mức chi phí đắt đỏ ấy.

Ngoài ra, có một số gia đình phải cho con đi học ở những trung tâm tư thục chi phí thấp. Bởi những trung tâm tư thục nếu thu học phí cao sẽ không thu hút phụ huynh. Chính vì vậy họ phải giảm học phí và kéo theo mức lương trả cho giáo viên cũng không đảm bảo được cuộc sống. Yếu tố này phần nào ảnh hưởng tạo nên những áp lực cho giáo viên mầm non khi làm việc tại các nhà trẻ tư thục.

Trẻ bị cô giáo dùng dép đánh vào đầu: Cần xã hội hóa giáo dục nhanh chóng

Phụ huynh biết tin tưởng ai để có thể chăm sóc cho con mình?

Bởi thế theo ông Nhĩ, các cơ quan ban ngành cần quan tâm đến những thành phần người lao động thu nhập thấp, để đảm bảo được chất lượng của giáo dục mầm non.

“Đẩy mạnh xã hội hóa mầm non ở các thành phố như Hà Nội, Tp.HCM, Đà Nẵng… Cần hỗ trợ học phí cho trẻ mầm non đối với những gia đình khó khăn. Bên cạnh đó, không phân biệt giữa các trường công lập và dân lập. Khi giải quyết được những vấn nạn này mới được coi là vấn đề mấu chốt được tháo gỡ bạo hành ở trường mầm non hiện nay”.

"Phải gấp rút đào tạo giáo viên mầm non được học tập bài bản và đủ lòng yêu thương trẻ"

Đồng quan điểm với ý kiến của nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục - PGS.TS. Trần Xuân Nhĩ, là ý kiến của PGS. Văn Như Cương - Hiệu trưởng trường THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội): "Hiện nay, chúng ta thiếu rất nhiều giáo viên mầm non. Đã có rất nhiều giáo viên bậc tiểu học bị đẩy xuống làm giáo viên mầm non. Như vậy là lệch lạc và vi phạm việc tuyển dụng giáo viên mầm non".

PGS. Văn Như Cương cũng cho hay, những người làm công việc chăm sóc, nuôi dạy trẻ ít nhất phải được đào tạo qua trường lớp. Việc cần xắn tay làm ngay và luôn là phải gấp rút đào tạo ra những giáo viên được học tập bài bản và đủ lòng yêu thương trẻ.

Vụ cô giáo dùng dép đánh vào đầu trẻ: Phải gấp rút đào tạo giáo viên mầm non được học tập bài bản và đủ lòng yêu thương trẻ

PGS. Văn Như Cương - Hiệu trưởng trường THPT Lương Thế Vinh.

Ngoài ra vị hiệu trưởng trường THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội) cũng cho rằng, các nhà chuyên môn cần phải có khâu xét duyệt như thế nào để sàng lọc những giáo viên có chuyên môn nhưng không có tâm vẫn theo học ngành này. Đây là một vấn đề nan giải nhưng các nhà chức trách phải đối diện để giải quyết.

Bản thân tôi có một người chắt ở tuổi đang đi nhà trẻ. Vì thế, bất cứ phụ huynh nào khi nhìn thấy cảnh này, thực sự xót ruột và đau đớn lắm. Bây giờ các phụ huynh cho con đi nhà trẻ ai cũng hoang mang lo lắng. Vì chuyển trường đi cũng không được, mà liệu trường khác có đảm bảo cho con họ sự an toàn hay không?”, PGS. Văn Như Cương chia sẻ nỗi lòng.

Cù Hiền

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất

Dù 'im hơi lặng tiếng' nhưng Cao Thái Sơn có biệt thự khắp nơi gây choáng