Tháng 7 Âm lịch: Người bán hàng hơn cả dự kiến, kẻ "ngáp ngán ngáp dài" không thấy khách

Thu Hà 2018-08-18 08:00
- Theo quan niệm dân gian, tháng cô hồn là tháng xui xẻo vì thế người ta tránh làm việc lớn, hạn chế mua sắm một số đồ rước vận xui vào nhà. Từ quan niệm này, không ít chuyện “dở khóc dở cười” đã xảy ra.

Mới đầu tháng ngâu đã “bán đủ chỉ tiêu”

Tháng 7 âm lịch, nhiều người quan niệm đây là tháng "cô hồn", mua bán không may mắn nên kéo theo sự sụt giảm doanh số của hầu hết các ngành nghề kinh doanh.

Tuy nhiên, nếu biết cách tận dụng cơ hội thì đây chính là thời điểm mua hàng "ngon - bổ - rẻ" cho các thượng đế. Bởi để kích thích nhu cầu của khách hàng, các chương trình khuyến mãi đã được các đơn vị kinh doanh tung ra trên thị trường.

Theo đánh giá của chị Nguyễn Thu Hà, một nhân viên sales ô tô tại Giải Phóng, tháng bảy âm lịch chính là thời điểm khách hàng có cơ hội “rinh” xế hộp giá tốt. Vì thế, việc bán hàng tháng bảy âm lịch còn năng suất hơn các tháng trước. Mới đầu tháng ngâu mà chị Hà đã chốt được 4 chiếc xe, đủ chỉ tiêu công ty giao.

THÁNG CÔ HỒN: Éo le dân sales ô tô “trúng đậm”, người bán đồ cúng lại né mở hàng

 Với nhiều người, đây là thời điểm mua được ô tô với giá tốt vì hãng tung khuyến mại "khủng". Ảnh: NVCC

“Từ đầu năm tới giờ, hãng hầu như không giảm giá, khuyến mại cũng rất ít. Chỉ duy nhất tháng bảy âm lịch có chương trình ưu đãi giảm giá. Khách hàng mua xe không sợ tụt giá thất thường như năm ngoái. Nhiều người cũng không kiêng vì tranh thủ giá tốt. Tháng ngâu này hầu như khách hàng ký hợp đồng, sang tháng 8 mới chính thức nhận xe”, chị Thu Hà cho biết.

Nhiều người mặc định sales ô tô được hưởng % hoa hồng “khủng”. Thế nhưng thực tế không phải ai cũng được như vậy. Chị Hà “bật mí” lương cứng thấp nhất của chị là 8 triệu đồng/ tháng, trung bình dao động 8 – 10 triệu đồng, bán vượt chỉ tiêu sẽ được thưởng.

Khi bắt đầu chuyển sang công việc này, chị Hà cảm thấy hơi lo lắng, sợ không bán được xe, nhất là những thời điểm được coi là “xấu” như tháng cô hồn. Vì thế, chị đã đi học tất cả những thứ cần thiết cho công việc, như học lái xe ô tô, kiến thức sản phẩm, kỹ năng telesales, giao tiếp với khách hàng.

“Làm nghề này, thích nhất là mình học thêm được nhiều điều, năng động hơn, tự tin hơn, có thêm rất nhiều mối quan hệ. Mỗi khi bán được xe cảm giác rất sướng. Nếu không bán được thì áp lực đến tận lúc ký. Mỗi tháng mình bỏ ra khoảng 3 triệu đồng chạy quảng cáo nên phải thực sự nỗ lực để đảm bảo doanh số”, chị Hà vui vẻ chia sẻ.

Người “ngáp vặt”, người né mở hàng

Nhiều người có quan niệm đây là khoảng thời gian có nhiều ma quỷ vất vưởng, trú ngụ và để lại âm khí khiến cơ thể dễ ốm yếu hoặc gặp những điều không may mắn. Vì thế, đa số mẹ bầu đều kiêng kỵ mua sắm đồ sơ sinh cho con vào tháng bảy âm lịch. Vì thế, đây cũng là thời điểm các cửa hàng bán đồ mẹ và bé tích cực tung chiêu “khuyến mại khủng” để thu hút khách hàng.

Chị Anh Thư, quản lý một shop đồ dành cho bé tại Q. Hà Đông cho biết: “Đến hẹn lại lên, tháng 7 tới là lúc doanh thu bán hàng giảm, đặc biệt là quần áo trẻ em, đồ sơ sinh. Chỉ có các mặt hàng không thể thay thế như sữa, bỉm và đồ cho các bé ngoài một tuổi đạt doanh số. Có lẽ một phần do quan niệm của bố mẹ không muốn mua sắm đồ sơ sinh cho bé vào tháng này”.

Để kích thích doanh số bán hàng, chị Thư đã giảm giá đồng loạt 30% các mặt hàng dép xăng đan cho bé chỉ còn 70 – 100.000 đồng, tặng quà khi khách mua hàng.

Cũng xuất phát từ tâm lý kiêng kỵ “tháng cô hồn” nên có không ít người trì hoãn việc khai trương mở cửa hàng. Chia sẻ với PV, anh S.T (Hà Nội) cho biết anh có dự định mở một siêu thị chuyên các sản phẩm đồ thờ cúng. Dù tháng bảy là thời điểm bán chạy các mặt hàng thờ cúng nhưng anh T. vẫn đợi sang tháng 8 mới khai trương vì lý do tránh tháng “cô hồn”.

Thu Hà

 

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất


Sau tất cả mình lại chia lối đi