Tết "KHÉO CO" của những phụ nữ công sở lương tháng dưới 10 triệu đồng

Trang Lê 2016-12-27 07:01
- Với lương tháng chỉ dưới 10 triệu đồng nhưng các chị em công sở này đã có kế hoạch chi tiêu Tết khéo léo để luôn đảm bảo có 1 cái Tết đầm ấm và đầy đủ nhất cho gia đình.

"Tết năm nay mình về bà nội ăn Tết và tiêu Tết khoảng 16 triệu"

Đó là chia sẻ của chị Hà Thị Thu Giang (35 tuổi), hiện chị đang sống cùng chồng và con tại Nhổn (Nam Từ Liêm, Hà Nội).

Chị Giang hiện đang làm công việc biên tập viên cho một tờ tạp chí ở Hà Nội với mức thu nhập 10 triệu đồng/tháng. Với mức thu nhập này chị cũng luôn phải tính toán làm sao để gia đình có một cái Tết vừa đầm ấm vừa đầy đủ.

Gia đình chị Giang có 3 người, hai vợ chồng và một con trai 8 tuổi. Thế nên Tết đến với chị cũng khá gọn gàng và không quá cầu kỳ.

Kế hoạch chi tiêu Tết của phụ nữ công sở từ 14 đến 16 triệu đồng

Chị Hà Thị Thu Giang.

Năm nay, người phụ nữ này dự định chi tiêu cho Tết Nguyên Đán 2016 khoảng 16 triệu đồng. Cả gia đình chị sẽ về nhà bố mẹ chồng ăn Tết. Cụ thể, các khoản chị định chi tiêu như sau:

- Tiền góp Tết với ông bà nội: 5 triệu đồng

Do cả gia đình ăn Tết ở nhà ông bà nội, nên vợ chồng chị sẽ ở nhà bà nội đến mùng 3, mùng 4 sẽ xuống nhà bà ngoại ở Bắc Giang.

-Tiền biếu ông bà ngoại: 4 triệu

Thường năm nào chị Giang cũng biếu ông bà ngoại 4 triệu tiền tiêu Tết.

- Tiền mừng tuổi: 1 triệu

Đặc thù ở quê các cháu đông nên chi Giang thường đổi loại tiền 20 nghìn đồng để mừng tuổi cho các cháu họ xa. Các cháu gần chị Giang sẽ mừng 50 nghìn đồng một cháu. 

- Tiền mua bánh kẹo cho bố mẹ hai bên và gia đình: 1 triệu đồng.

- Tiền mua cây cối trang trí nhà: 1 triệu

Ngoài ra, chị Giang còn dự định mua sắm cây cối, hoa để trang trí trong nhà dịp Tết, số tiền cho việc này khoảng 1 triệu đồng.

Tiền mua sắm: 3 triệu

Tết này chị cũng dự định mua sắm cho con trai như quần áo, giày, mũ…hết 1 triệu đồng. Tiền mua cho chồng và bản thân chị Giang dự định hết 2 triệu đồng.

- Tiền mua thực phẩm: 1 triệu

“Tính mình hay quên nên định mua gì phải note ra một quyển sổ nhỏ, thứ gì mua được luôn thì mình mua. Ví dụ như các đồ mua ở xa thì phải đặt từ bây giờ. Thường mình sẽ mua gà đồi, thịt lợn ở quê, giò… trước. Những thứ này để được lâu trong tủ lạnh, đến lúc nấu chỉ việc bỏ ra giã đông”.

Theo người phụ nữ này: “Mọi người thường sợ Tết vì nhiều khoản phải chi nhưng năm nào mình cũng có kế hoạch chi tiêu rất rõ ràng và cũng có sự chuẩn bị từ trước nên mình thấy thoải mái và cũng không suy nghĩ quá nhiều về tiền bạc. Theo mình khoảng 15 đến 17 triệu là gia đình đã có một cái Tết đầm ấm rồi”.

"Mình dự chi cái Tết khoảng 14 triệu đồng"

Không giống chị Giang, bạn Vũ Ngọc Mai (27 tuổi) hiện đang làm nhân viên truyền thông cho một công ty ở Hà Nội cho biết, lương của Mai chỉ khoảng 8 triệu/ tháng nhưng Tết này, Mai cũng dự tính tiền chi tiêu Tết khoảng 14 triệu.

Theo người phụ nữ này, Tết đến xuân về nên vợ chồng cô chỉ muốn lo cho bố mẹ thật nhiều và được quây quần với hai gia đình bên nội, bên ngoại. Thế nên việc góp Tết và mừng tuổi cho bố mẹ được vợ chồng Mai quan tâm nhất.

Vì nhà ngoại và nhà nội của bạn Mai ở gần nhau nên việc đi lại vô cùng thuận tiện, đỡ được chi phí thuê xe cộ để đi chúc Tết.

Mai dự định số tiền mừng tuổi khoảng 4 triệu, trong đó mừng bố mẹ hai bên là hai triệu (mỗi người 500 nghìn đồng), còn lại 2 triệu để mừng tuổi cho các bác và các cháu.

Kế hoạch chi tiêu Tết của phụ nữ công sở từ 14 đến 16 triệu đồng

Vũ Ngọc Mai.

“Vì nhà mình ở quê nên tiền mừng tuổi cho các cháu không nhiều, chỉ từ 20 đến 50 nghìn đồng, tuy nhiên nhà mình có rất nhiều con cháu đến chúc Tết nên tiền mừng tuổi phải để nhiều hơn so với dự tính ban đầu”.

Ngoài tiền mừng tuổi, bạn Mai dự định  mua sắm Tết 5 triệu. Ngoài ra, tiền quà cho bố mẹ hai bên Mai dự tính hết 2 triệu. Tết đến, bà mẹ trẻ này cũng chỉ dành khoảng 3 triệu để mua sắm đồ mới cho con và cho 2 vợ chồng.

"Mới tính sơ sơ, chi tiêu Tết dự kiến của nhà mình đã hết 15 triệu"

Với dự định tiêu Tết 15 triệu, chị Đào Thị Trải ở Linh Đàm (Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết, chị làm nhân viên văn phòng nên lương thưởng khoảng 9 triệu đồng. Tuy thế cả năm mới có 1 cái Tết nên chị cũng "mạnh tay" chi tiêu.

Hiện chị đang bắt đầu lên kế hoạch chi tiêu Tết với các khoản cụ thể sau:

- Tiền biếu bố mẹ 2 bên nội ngoại: 4 triệu

- Tiền cho em chồng: 500 ngàn đồng

- Tiền cho cháu ruột: 1 triệu.

Chị Trải chia sẻ: “Mình đi làm cả năm, năm nay mình lại là dâu mới nên dù có nhiều hay ít, vợ chồng cũng dự định biếu bố mẹ ít tiền, còn tiền mua đồ cho bản thân thì mình cũng hạn chế, phương châm của mình là tiết kiệm”.

- Tiền mừng tuổi cho bố mẹ chồng và các cháu bên chồng: 2 triệu 

- Tiền mua bánh kẹo hoa quả: 1 triệu đồng.

“Mình ở riêng nhưng ăn Tết cùng bố mẹ, vì bố mẹ chồng còn trẻ nên thương con và không muốn con cái lo nhiều quá nên mẹ chồng mình lo mua đồ Tết từ bây giờ rồi. Còn mình lúc ấy chỉ phụ mua thêm hoặc thích thì mua thêm thôi. Mình sẽ vẫn mua những đồ bánh kẹo ngon hoặc đồ ở quê nhà Bắc Giang mang lên Hà Nội biếu bố mẹ và cô dì chú bác".

- Tiền mua hoa tươi cắm Tết: 500 ngàn đồng

Kế hoạch chi tiêu Tết của phụ nữ công sở từ 14 đến 16 triệu đồng

Đào Thị Trải ở Linh Đàm

-Tiền về quê ngoại và mừng tuổi cho các cháu: 2,5 triệu

Sau mùng 1 Tết ở nhà nội, đến mùng 2 vợ chồng Trải sẽ về quê ngoại ở Bắc Giang để chúc Tết bố mẹ. Do có xe riêng nên Trải dự tính tiền đi lại và mừng tuổi cho các cháu ở quê là 2,5 triệu đồng.

- Tiền mua đồ cho hai vợ chồng khoảng 3,5 triệu 

“Trên đây, mình mới chỉ tính sơ sơ thôi mà tổng chi tiêu Tết dự kiến của nhà mình đã hết 15 triệu đồng. Mình nghĩ chắc chắn sẽ còn khoản phát sinh nhưng mình sẽ cố gắng  tiết kiệm để không phát sinh thêm và giới hạn chi tiêu trong số tiền trên bởi sang năm mình còn đón thêm thành viên thứ 3 nữa”, Trải nói.

Trang Lê

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất


Điểm danh 6 món chè thanh mát mùa hè mẹ đảm không thể bỏ qua