Tại sao lại có ngày vía Thần Tài ngày mùng 10 tháng Giêng?

Trang Lê 2017-02-06 06:37
- Vào ngày mùng 10 tháng Giêng hàng năm, người Việt thường cúng lễ với hy vọng tiền bạc dồi dào, cuộc sống sung túc. Nhưng ít ai biết về nguồn gốc của ngày vía Thần Tài này.

Hàng năm cứ đến ngày mùng 10 tháng Giêng người Việt thường mua đồ lễ cúng trước bàn thờ Thần Tài để cầu tài lộc cho một năm mới làm ăn thuận lợi.

Theo GS, TS Ngô Đức Thịnh - nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu Văn hóa Việt Nam, Thần Tài là vị thần mang tài lộc cho gia đình. Mỗi khi làm việc gì, gia chủ thường cầu khấn Thần Tài, đặc biệt là những người làm công việc kinh doanh, buôn bán. Đối với những người làm ăn, buôn bán thì ngày mùng 10 tháng Giêng được cho là quan trọng nhất vì nó mở đầu cho một năm mới buôn may bán đắt của họ.

GS, TS Ngô Đức Thịnh cho biết, có rất nhiều sự tích lý giải nguồn gốc ngày vía Thần Tài, trong đó có sự tích kể về ngày mùng 10 tháng Giêng là ngày Thần Tài  bay về trời.

Chuyện kể rằng dưới trần gian không có Thần Tài, chỉ có Thần Tài trên trời, vị thần cai quản tiền bạc, tài lộc. Trong một lần đi chơi uống rượu, Thần Tài say quá nên rơi xuống trần gian, đầu va vào đá nằm mê mệt không biết gì. Sáng ra mọi người thấy một người ăn mặc giống như diễn tuồng thì lấy làm lạ và tưởng bị điên.

Tại sao lại có ngày vía Thần Tài vào ngày 10 tháng Giêng?

Giáo sư, Tiến sĩ Ngô Đức Thịnh.

Lúc này người dân lột hết sạch quần áo mũ nón của Thần Tài đem bán. Thần Tài tỉnh dậy không có quần áo trên người. Hơn nữa, do bị va đầu vào đá nên không nhớ mình là ai. Thần Tài không biết làm việc dưới trần gian nên thường đi lang thang xin ăn khắp nơi.

Thấy người đàn ông không mặc quần áo đi ăn xin lang thang khắp nơi, một chủ cửa hàng buôn bán gà, vịt, heo quay ế ẩm mời Thần Tài vào ăn.

Ngay sau khi Thần Tài vào nhà người chủ cửa hàng kia ăn uống thì khách ăn kéo đến nườm nượp. Người bán hàng thấy vậy nên ngày nào cũng mời Thần Tài vào ăn. Khách hàng của quán này từ đó lúc nào cũng đông đúc, gia chủ ngày càng phát đạt.

Được một thời gian người bán hàng thấy Thần Tài chẳng làm gì mà suốt ngày ăn uống đồ ăn ngon, lại toàn dùng tay ăn bốc, người thì bốc mùi, lang thang không tắm giặt. Nghĩ Thần Tài sẽ làm khách sợ không dám đến ăn và hao phí đồ ăn cho người ăn mày này nên người bán hàng mới đuổi Thần Tài đi.

Có 1 quán đối diện với quán này ngày xưa rất đông khách nay vắng hoe, thấy vậy thì liền mời Thần Tài vào ăn. Kỳ lạ thay mọi người lại ùn ùn kéo đến quán này ăn rất đông. Mọi người thấy vậy nên ai cũng giành mời cho bằng được Thần Tài đến hàng quán của mình ăn để khách đến đông. Vậy nên mới có câu "Thần Tài gõ cửa".

Người dân khu vực đó thấy Thần Tài không có quần áo mặc nên dẫn đi mua quần áo. Mọi người dẫn Thần Tài đến cửa hàng nơi quần áo ông bị bán, sau khi mặc quần áo mũ nón vào thì Thần Tài nhớ lại mọi chuyện và bay về trời”.

Tại sao lại có ngày vía Thần Tài ngày mùng 10 tháng Giêng?

GS, TS Ngô Đức Thịnh cho biết thêm, mọi người coi Thần Tài như là báu vật và lập bàn thờ, tôn thờ từ đó để cầu mong tài lộc cho gia đình mình.

Cũng từ sự tích trên, để tưởng nhớ Thần Tài người dân đã chọn ngày vía của Thần Tài là ngày mùng 10 tháng Giêng âm lịch hàng năm. Vào ngày này tất cả mọi nhà, công ty, cửa hàng… có thờ Thần Tài đều sắm lễ vật để cúng lấy vía Thần Tài, cầu xin một năm mới làm ăn được thịnh vượng về tài lộc”.

GS Thịnh cho biết, theo quan niệm dân gian, ngày vía của Thần Tài mọi người thường mua 1 lọ hoa tươi, 1 con tôm, 1 con cá lóc nướng, 1 con cua, 1 miếng heo quay, 1 bộ giấy tiền vàng mã, 1 đĩa ngũ quả, chum rượu để cúng Thần Tài.

Ngoài ra người Việt thường có tục lệ đi mua vàng trong ngày mùng 10 tháng Giêng, mong được may mắn tài lộc trong năm mới.

 Trang Lê

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất


3 sao Việt bị kẻ xấu tung clip riêng tư khiến dư luận phẫn nộ