Những tình huống 'đỏ mặt' vì khách của những người 'canh gác' bể bơi mùa hè

2017-05-10 09:22
- Người cứu hộ bể bơi ngoài luôn phải chú ý quan sát để phát hiện kịp thời những trường hợp cần giúp đỡ, công việc của họ còn gặp phải nhiều tình huống bi hài và 'đỏ mặt' khác.

Khi đi bơi tại các bể bơi, bạn có bao giờ để ý rằng luôn có những thanh niên trẻ tuổi đứng trên bờ hoặc ngồi trên chòi cao để quan sát? Đây là những người làm công việc cứu hộ bể bơi, sẽ là vị "cứu tinh" khi xảy ra trường hợp đuối nước tại bể. Công việc cứu hộ bể bơi thường không quá phức tạp nhưng lại đòi hỏi một tinh thần thép, sự quan sát tỉ mỉ và quan tâm đến khách đi bơi. 

Những người canh gác thầm lặng

Gọi đội ngũ cứu hộ bể bơi là những người canh gác thầm lặng tại đây cũng không sai. Bởi công việc của họ là quan sát toàn bộ bể bơi và đảm bảo an toàn cho khách. Nhiều người cho rằng công việc cứu hộ bể bơi rất nhàn nhã. Tuy nhiên nếu khách xảy ra chuyện thì họ chính là những người chịu trách nhiệm đầu tiên.

Anh Phan Lộc - nhân viên cứu hộ tại một bể bơi trong nhà thuộc phường Nghĩa Tân, Cầu Giấy cho biết: "Công việc của chúng tôi là đảm bảo an toàn cho khách, đảm bảo an toàn cho toàn bộ khu vực bể bơi. Khi đứng trên bờ, chúng tôi phải di chuyển và liên tục quan sát phát hiện kịp thời những nguy hiểm mà khách có thể gặp phải. Nếu khách có hành vi trái với quy định ở bể bơi thì chúng tôi sẽ phải lập tức nhắc nhở. Tất nhiên, nếu có tình huống khách đuối nước hoặc khách không biết bơi mà đi nhầm vào khu vực nước sâu thì sẽ phải xuống cứu và sơ cứu cho khách".

Trên đây mới chỉ là một phần công việc mà anh Lộc phải đảm nhận khi thực hiện nhiệm vụ của một nhân viên cứu hộ. Khi bể bơi đóng cửa, anh cùng các nhân viên khác sẽ phải vệ sinh hồ bơi, thoát nước và lau dọn bể.

Chuyện trong nghề của những người canh gác bể bơi mùa hè

Người làm công việc cứu hộ bể bơi luôn phải quan sát và sẵn sàng ném phao cứu sinh, lao xuống nước cứu khách khi có trường hợp cần giúp đỡ

"Công việc cứu hộ bể bơi chỉ thường diễn ra vào mùa hè, từ cuối tháng 4 đến hết tháng 11, khi thời tiết nắng nóng, khách vẫn còn đến bể bơi để tắm. Nhưng riêng các bể bơi 4 mùa thì tất nhiên công việc sẽ diễn ra quanh năm.

Cứu hộ bể bơi không cần đòi hỏi nhiều kỹ năng như huấn luyện viên dạy bơi, lại là bán thời gian nên lương không quá cao, thường được tính theo giờ làm, từ khoảng 13.000 - 15.000 đồng/tiếng. Nếu tính cả tháng đi làm thì thu nhập dao động từ 3 - 5 triệu" - anh Lộc cho hay.

Nói về những điều kiện để làm một cứu hộ bể bơi chuyên nghiệp, anh Đức Thắng (làm việc tại bể bơi thuộc Làng quốc tế Thăng Long, Cầu Giấy) cho biết: "Người làm cứu hộ phải có sức khỏe tốt và kỹ năng xử lý tình huống tốt. Khi chúng tôi được tuyển vào thì phải có chứng chỉ cứu hộ bể bơi, biết làm các công tác cấp cứu cho người đuối nước. Công việc này thường đòi hỏi là nhân viên nam, rất ít nhân viên nữ vì thực hiện công tác cứu hộ đuối nước cần phải có sức khỏe cơ bắp mới được".

Chuyện trong nghề của những người canh gác bể bơi mùa hè

Những tình huống "đỏ mặt" vì khách

Anh Lộc cho hay đã làm công việc cứu hộ bể bơi bán thời gian vào những dịp nắng nóng được 2 năm nay, và anh cũng đã chứng kiến không ít vụ việc "nóng mặt" vì khách.

"Khách đến bơi có rất nhiều lứa tuổi, có cả những cô bé cậu bé còn đang tuổi đi học cùng rủ nhau ra tập bơi. Từng có trường hợp một cặp học sinh đưa nhau đi tập bơi, cậu nam sinh dạy cho cô nữ sinh này tập. Mặc dù tôi đã khuyên trước rằng chỉ nên tập ở khu cạn nước, nhưng cậu nam sinh lại cứ bơi ra chỗ sâu để "lấy le" với bạn, cuối cùng cả hai cô cậu đều đuối nước.

Vì quan sát từ trước nên ngay khi thấy hai người ngụp bì bõm thì tôi lập tức gọi thêm người lao ra kéo khách vào bờ. Điều đáng nói là cậu nam sinh sau khi hoàn hồn thì lại lên giọng trách mắng đội cứu hộ rằng không cảnh báo trước cho người bơi. Lúc ấy, chúng tôi chỉ biết chán nản lắc đầu".

Chuyện trong nghề của những người canh gác bể bơi mùa hè

Vị trí ngồi trên cao sẽ giúp người cứu hộ quan sát được tốt nhất

Anh Lộc cũng cho hay, nhiều lần kíp trực của anh gặp những tình huống dở khóc dở cười như các cặp đôi đến bể bơi để... âu yếm nhau ngay dưới nước.

"Nhiều khi thấy các anh chị âu yếm nhau tình cảm dưới nước tôi thấy ngại lắm nhưng vẫn phải đến làm...bóng đèn để nhắc nhở người ta. Tất nhiên, các cặp đôi sẽ tỏ vẻ khó chịu hoặc bẽn lẽn tản đi nơi khác. Nhưng nhiều khi mình nhắc nhở rồi mà họ vẫn tiếp tục tìm chỗ khác để âu yếm nhau, làm ảnh hưởng đến các khách khác. Khi đấy tôi buộc phải tìm gặp quản lý để báo cáo vì rất khó xử lý những trường hợp như vậy".

Vì việc giúp đỡ các nhu cầu phát sinh của khách cũng nằm trong nhiệm vụ cứu hộ bể bơi nên nhiều khi anh Lộc cũng phải trở thành người trông trẻ bất đắc dĩ. Đôi khi các bậc cha mẹ đưa con đi bơi nhưng vì lý do cá nhân nên phải gửi con cho cứu hộ trông vài phút.

"Trông trẻ em quả thật là công việc nặng nhọc, chỉ cần lơ đãng ra một chút là các cháu liền chạy đi nghịch nước, tôi phải vừa trông trẻ vừa quan sát khu vực bể bơi mình chịu trách nhiệm. Sợ nhất là thấy các cháu nhảy ùm xuống khu vực nước sâu, từng có một cháu sẩy chân rơi xuống, tôi đã phải lập tức kéo cháu lên ngay vì lo sợ cháu sẽ đuối nước mà không ai biết".

Chuyện trong nghề của những người canh gác bể bơi mùa hè

Chị Kim Loan - một trong số rất ít những nhân viên cứu hộ bể bơi là nữ cũng chia sẻ những kỉ niệm của mình trong nghề.

"Từng có một anh chàng cao to đến bơi ở bể rồi cười tôi, bảo rằng tôi làm sao mà đi làm cứu hộ bể bơi được. Ấy thế mà anh ta xuống nước được 5 phút thì bì bõm vì bị chuột rút. Tôi liền lao xuống kéo anh này lên bờ, sau khi tỉnh lại thì anh này chỉ nói câu cảm ơn rồi đi về luôn". 

Kể về câu chuyện từng khiến chị dở khóc dở cười, chị Loan chia sẻ: "Lần đấy là giờ ăn trưa nên kíp cứu hộ chỉ còn mỗi mình tôi trực, trong bể cũng chỉ có 2 - 3 người đang bơi thôi. Bỗng nhiên một khách nam gọi tôi lại rồi ầm ừ mãi mới nói được một câu. Bảo là vì mải ngụp lội nên chiếc quần bị tuột ra rồi trôi đến khu vực sâu 2m lúc nào không hay, thế nên nhờ tôi lấy giúp. Ban đầu tôi tưởng người này biến thái hoặc đùa mình. Nhưng tôi nhận ra anh này không biết bơi thật, thế nên tôi lấy sào dài kéo chiếc quần ấy vào và nhắc nhở khách cẩn thận hơn".

Chị Loan cũng cho biết, chị có làm giáo viên dạy bơi cho một số người, nhưng vì chị vẫn thích công việc cứu hộ hơn: "Làm giáo viên dạy bơi thu nhập khá thật đấy, gấp mấy lần làm cứu hộ nhưng vì tôi không có tính kiên nhẫn nên rất ngại dạy người khác. Hơn nữa, thị hiếu nhiều người thích tìm những thầy có thể bơi được nhiều kiểu, bơi được những kiểu đẹp như bơi ngửa, bơi bướm, còn tôi thì chỉ biết bơi kiểu phổ thông nhất nên quyết định chỉ làm cứu hộ bể bơi thôi. Hơn nữa, đây chỉ là nghề làm theo mùa nên phần lớn cứu hộ bể bơi là các bạn sinh viên đi làm thêm".

Chị cho biết, hiện công việc chính của chị là giảng viên dạy tiếng Anh tại một trung tâm ngoại ngữ tại Hà Nội, chị làm công việc cứu hộ vì yêu thích mà thôi.

Lương Chi

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất


6 tư thế yoga biến chân to như chân voi thành thon dài như đôi đũa