Những NGHỀ ÍT VỐN - THU LỜI CAO nhưng CÀNG ĐÔNG KHÁCH CÀNG NHANH HỎNG TAY
Tin liên quan
Vần xong 6kg thịt bò khô là ngón tay đau nhừ
Làm thịt bò khô handmade ngon có tiếng từ năm ngoái nên mùa đông năm nay, chị Ngọc Song Giang (Xuân Đỉnh, Từ Liêm, Hà Nội) bán rất chạy mặt hàng này.
Theo cảm nhận của chị, trời càng mưa rét, thịt bò khô càng bán được nhiều. Nhâm nhi vị cay cay, thơm dậy mùi của thịt bò khô có thể “cứu rỗi” tâm hồn của bất cứ ai trong thời tiết giá rét.
Thịt bò khô handmade luôn là món ăn đắt hàng trong dịp Tết. Ảnh: NVCC
Tối đa mỗi ngày, chị Ngọc “vần” được 5kg thịt bò khô thành phẩm để phục vụ khách. Khách đặt hàng tối hôm trước, hôm sau chị dậy đi chợ từ sáng sớm để chọn mua được nguyên tảng thịt bò tươi. Vì thịt bò khô co nhiều nên phải chọn tảng thịt có thớ dài, ít gân ngang gân dọc để lên thành phẩm cho đẹp mắt.
Chị Ngọc đi chợ từ sáng sớm để chọn được tảng thịt bò ngon nhất. Ảnh: NVCC
“Khó nhất là công đoạn gia giảm gia vị để dù thịt bò cay nhiều hay ít cay, cay vừa thì vẫn đạt vị thịt bò khô chuẩn. Công đoạn lâu nhất là ướp thịt và sấy bằng lò nướng nhỏ tại nhà. Công đoạn vất vả nhất, cần nhiều sức lực nhất chính là xé sợi thịt bò”, chị Ngọc cho hay.
Để đảm bảo vệ sinh, chị thường đi hai lớp bao tay ni lông của Hàn Quốc khi làm công đoạn xé thịt bò. Xé xong 5kg thịt bò khô thành phẩm cũng là lúc hai bàn tay chị Ngọc đau nhừ tử.
“Mọi người nói có thể cho thịt vào máy đánh bông ruốc để đỡ đau tay nhưng thử nghiệm thì thấy không cẩn thận sẽ bị nát vụn miếng thịt. Thành thử dùng tay vẫn là chủ yếu. Chỉ miếng thịt bò nào quá già, không xé nổi mới đập dập, dùng kéo cắt rồi lại xé bằng tay”, chị Ngọc chia sẻ.
Dù thịt bò khô bên ngoài thường có giá 800.000 đồng/kg nhưng chị Ngọc vẫn bán với mức giá rất mềm chỉ 650.000 đồng kg. Bởi lý do đơn giản, chị làm một công đôi việc, vừa để phục vụ sở thích ăn vặt của cả nhà, vừa để bán cho khách quen.
“Dự kiến Tết này sẽ “ngập lụt” trong thịt bò khô vì khách đặt hàng làm món ăn vặt ngày Tết. Vất vả, đau tay nhưng vẫn thích làm vì đúng sở trường ăn uống của cả nhà”, chị Ngọc hào hứng.
Tay nứt toác vì suốt ngày ngâm nước nóng
Càng gần Tết, dịch vụ gội đầu càng đông khách. Theo chị H.Tuyết (28 tuổi, quê ở Hà Giang, nhân viên một Spa nhỏ tại Hà Nội), trung bình mỗi ngày chị gội tới 20 “cái đầu”, chưa kể khách làm mặt.
Những hôm đông khách, chị Tuyết gội đầu cho khách tới tận 23h đêm mới được nghỉ. Nếu như mùa hè, da tay chị mịn màng bao nhiêu thì mùa đông, gội đầu cho khách lại là một công việc tàn phá đôi bàn tay.
Tay nứt toác vì gội đầu cho khách trong mùa đông. Ảnh: NVCC
“Tiếp xúc với nước nóng, dầu gội đầu suốt ngày nên da tay bị nẻ, nứt toác ra. Có hôm chẳng may đang sấy tóc cho khách, sợi tóc cứa vào chỗ thịt bị nứt toác, đau điếng như bị dao cứa”, chị Tuyết tâm sự.
Để chống nẻ da tay, chị Tuyết chỉ có thể bôi kem dưỡng ẩm vào lúc đi ngủ. “Ban ngày bôi rất khó. Vừa bôi kem chưa ngấm đã có khách vào gội đầu. Nhiều lúc chỉ mong vắng khách cho tay đỡ đau. Nhưng vắng khách thì lại không có thu nhập”, chị nói.
Việc da tay bị nứt nẻ do công việc khiến chị khá…tủi thân. “Mỗi khi đi chơi với người yêu, anh ấy cầm tay là thấy ngại lắm nhưng không biết phải làm sao. Đến mùa hè da tay mới mịn màng trở lại được”, chị Tuyết thổ lộ.
Tết dương lịch này, chị Tuyết vẫn ở lại Hà Nội làm việc. Một phần vì quê nhà xa tận Hà Giang. Phần vì những ngày Tết luôn là thời điểm đông khách gội đầu, làm mặt. Chị Tuyết cố gắng làm việc đến 28 Tết âm lịch mới lên xe về quê để có tiền lo một cái Tết trọn vẹn cho gia đình.
Thịt gà thuê phải “trốn khách”
Cứ đến Tết là mọi người lại đổ xô mang gà ra nhờ chị Nguyễn Thị Thúy (chủ một cửa hàng chuyên bán thịt gà vịt tại Q. Hà Đông, Hà Nội) thịt thuê. Giá thịt gà thuê từ 20 – 30.000 đồng/ con. Tết dương lịch chị có thể vừa bán hàng, vừa thịt gà thuê từ sáng sớm. Nhưng đến Tết âm lịch thì chỉ thịt gà thuê thôi cũng “chóng mặt”.
“Năm nào cũng vậy, Tết dương lịch và ngày 28 – 30 Tết âm lịch, người trong làng ùn ùn mang gà ra. Toàn gà cựa, con nào con nấy chắc nịch. Có những gia đình thịt một lúc 5 con gà, cất tủ lạnh “ăn dần mấy ngày Tết”, chị Thúy kể.
Thịt gà thuê luôn là dịch vụ "hái ra tiền" dịp Tết. Ảnh minh họa.
Bởi gà toàn hàng tuyển, mang từ quê ra nên ai cũng muốn nhờ chị Thúy thịt giúp, luộc gà lên thắp hương cho đẹp. Hơn nữa, cũng vì trời mưa rét, ai cũng ngại mó tay vào “mân” con gà.
Chị Thúy bảo những ngày Tết, vợ chồng chị thường huy động thêm người làm mà vẫn vội không kịp ăn. “Đi bắt hàng từ 3 giờ sáng, 5 giờ sáng dọn hàng, 6 giờ khách bắt đầu thuê thịt gà. Làm không ngơi tay đến 11 giờ trưa, vãn khách mới được ăn sáng. 15 giờ chiều mới ăn trưa và làm đến tận tối mịt”, chị Thúy cho hay.
Đến cuối ngày, chị Thúy phải từ chối thịt gà thuê dù khách sẵn sàng trả cao gấp đôi. Có hôm thấy khách mang gà ra, chị đã đổ luôn xoong nước nóng, vờ hết nước để được về nhà tắm giặt, làm cơm tất niên.
Theo chị Thúy bật mí, những ngày này, thịt gà thuê kiếm tiền khủng nhưng mệt bở hơi tai. Tay đau nhức, nứt nẻ vì vặt lông gà và tiếp xúc với nước nóng già quá nhiều. Không ít lần, chị Thúy bị lông gà cứng chọc vào chỗ da thịt nứt nẻ đến chảy máu. Chị chỉ dám băng tạm cái urgo rồi lại làm tiếp vì khách giục có gà thắp hương cỗ tất niên.
Thu Hà
Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!
Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất