Nhọc nhằn những phận đời góa phụ giữa chợ heo lớn nhất miền Trung

- Chợ heo Bà Rén (xã Quế Xuân 1, huyện Quế Sơn, Quảng Nam) dường như “nổi tiếng” cả nước, nhưng ít ai biết được rằng, đằng sau đó là những phận đời góa phụ sống lay lắt bằng cái nghề ẵm heo vất vả, nhớp nhúa và không kém phần nguy hiểm.

Gian truân phận góa “ẵm heo”

Những ngày giữa tháng 7, chúng tôi có mặt tại chợ heo Bà Rén lúc 4 giờ sáng. Khi màn sương đêm còn bao trùm, khu chợ đã tấp nập người mua kẻ bán. Tiếng heo kêu éc éc, tiếng người cười nói rôn rả càng làm cho khu chợ nhộn nhịp hẳn lên.

Xen lẫn trong không khí ồn ào, hối hả ấy là hình ảnh liêu xiêu của những nữ phu heo đang tất tả mưu sinh. Khi những chuyến xe chở heo vừa tập kết, từng tốp chị em xông xáo chạy đến cặm cụi khiêng những rọ heo xuống đất. Sau đó, họ cần mẫn ôm nách từng con heo vào người rồi nhanh chóng chuyển sang những rọ to hơn để chờ xuất bến. Ở chợ heo này có hơn 10 góa phụ chọn cái nghề nặng nhọc này làm kế sinh nhai. Trung bình một lần ẵm heo, họ được trả công từ 1000 đến 2000 đồng.

Nhọc nhằn những phận đời góa phụ nơi chợ heo lớn nhất miền Trung

Nghề ẵm heo đã trở thành kế sinh nhai của hàng chục chị em phụ nữ nơi đây. Ảnh: Nguyễn Na

Quần ống thấp ống cao, lật đật ẵm một con heo nặng gần 50 kg, chị Nguyễn Thị Lợi (42 tuổi, trú xã Quế Xuân, Quế Sơn) nghẹn ngào nói: “Cái nghề ni nặng nhọc và nhớp nhúa lắm chú ơi! Nhưng làm riết mấy chục năm ni nên chừ cũng quen rồi, ngày mô cũng bị dính phân heo đầy người không biết sau ni có bị bệnh chi không nữa... Nhưng nói rứa thôi chứ chừ có chết thì cũng ráng mà ẵm thôi chứ không làm thì biết lấy chi mà nuôi con cái…”.

Nhọc nhằn những phận đời góa phụ nơi chợ heo lớn nhất miền Trung

Người bế lợn thuê ở chợ heo Bà Rén đa phần là những góa phụ nghèo ở các vùng nông thôn thuộc Quế Sơn, Đại Lộc, Thăng Bình… Ảnh: Nguyễn Na

Chồng bị tai nạn giao thông qua đời 8 năm cũng là chừng đó thời gian chị Lợi lặn lội với nghề ẵm heo và nuôi ba con nhỏ. Có lẽ, gánh nặng gia đình khiến chị già hơn nhiều so với cái tuổi của mình. Thức khuya, dậy sớm với chị dường như đã thành thói quen. Hằng ngày, chị thức dậy khi gà còn chưa gáy để lo cơm nước cho các con, dọn dẹp nhà cửa rồi mới đi làm. Có những ngày chị phải ẵm heo đến tận 12 giờ trưa mới về, ăn vội miếng cơm lót dạ rồi lại đi làm thuê tiếp. Cuộc sống lầm lũi với muôn vàn khó khăn nhưng chị vẫn cố gắng cho các con mình được đến trường theo đuổi con chữ.

Nhọc nhằn những phận đời góa phụ nơi chợ heo lớn nhất miền Trung

Chợ Bà Rén được thành lập năm 1970, đây được xem là một trong những chợ heo lớn nhất Việt Nam. Ảnh: Nguyễn Na

Với “thâm niên” hơn 20 năm gắn bó với nghiệp phu heo, bà Trần Thị Mận (62 tuổi, quê Đại Lộc) là một trong những người có hoàn cảnh éo le nhất ở chợ Bà Rén. Người chồng phụ bạc bỏ đi biệt tích khi bà vừa sinh đứa con thứ ba. Cay đắng hơn, con gái đầu lòng mắc bệnh tâm thần nên suốt mấy chục năm qua người mẹ bất hạnh này phải bám trụ ở chợ heo để kiếm tiền nuôi cả gia đình.

Nghề này ngó rứa nguy hiểm lắm chứ không dễ ăn đâu nghe, mới ba tháng trước trời mưa trơn trợt, trong lúc ẵm heo tôi không may bị vấp té gãy chân phải nằm viện cả tháng luôn đó. Còn bồng “ông hợi” mà không chắc, làm “ổng” rớt hay chạy mất thì làm còng lưng cả tháng cũng không đủ tiền đền đâu”, bà Mận trải lòng.

Tình người giữa chợ búa…

Giữa cái “chợ heo góa phụ” này, có lẽ người có người có hoàn cảnh éo le nhất là chị Nguyễn Thị Ba (45 tuổi, trú huyện Quế Sơn, Quảng Nam). Khi nghe tôi hỏi về về cuộc đời mình, chị Ba chỉ trả lời một cách ngắn gọn: “Khổ lắm!”. Chồng và đứa con trai duy nhất của chị đều chết ngoài biển trong một trận bão. Và, kể từ cái ngày đau đớn ấy ập đến, cuộc sống của chị chỉ co cụm quanh cái chợ này và lấy nghề ẵm heo làm niềm vui…

Nhọc nhằn những phận đời góa phụ nơi chợ heo lớn nhất miền Trung

Đa số những người phụ nữ làm nghề ẵm heo đều bị đau đại tràng do ngày nào cũng phải ẵm vài chục lượt heo nặng hàng chục ký trước bụng… Ảnh: Nguyễn Na

Ở chợ heo “độc đáo” nhất Việt Nam này, mỗi “thân cò” có một cảnh ngộ khác nhau nhưng họ đều có điểm chung là bị cái nghèo đeo bám và phải lao động để nuôi cả gia đình. Có lẽ, chính vì vậy mà giữa chốn chợ búa tấp nập nhưng chưa bao giờ họ tranh giành công việc mà luôn yêu thương, đùm bọc, giúp đỡ và nhường cho nhau từng đồng tiền lẻ.

Với chị Trần Thị Hảo (46 tuổi, quê Thăng Bình), đã hơn 10 năm gắn bó nghề ẵm heo, bao nhiêu cay đắng ngọt bùi đều nếm trải nhưng chưa bao giờ chị trách than cho số phận mình. Bởi, ở khu chợ này, chị được trải lòng, được chia sẻ với những người đồng cảnh ngộ.

Nhọc nhằn những phận đời góa phụ nơi chợ heo lớn nhất miền Trung

Để kiếm đồng tiền từ việc ẵm heo thuê, những người phụ nữ phải đánh đổi bằng những giọt mồ hôi, nước mắt. Ảnh: Nguyễn Na

Có lẽ điều mà chị Hảo tiếc nuối nhất chính là người chồng bạc mệnh. Cơn bạo bệnh cách đây hơn 10 năm khiến người chồng chết sớm, để lại cho chị hai đứa con thơ cùng người mẹ chồng 80 tuổi. Ngót mấy chục nay qua, để có tiền nuôi gia đình, mỗi buổi sáng chị phải đi ẵm heo thuê. Thương con dâu, người mẹ già yếu cũng xuống chợ mót rơm từ các rọ heo rồi đem bán kiếm tiền phụ giúp gia đình. Tuy thu nhập của hai mẹ con rất bèo bọt nhưng cũng đủ để trang trải cuộc sống và lo cho hai đứa trẻ được đến lớp...

Nhọc nhằn những phận đời góa phụ giữa chợ heo lớn nhất miền Trung

Để kiếm đồng tiền từ việc ẵm heo thuê, những người phụ nữ phải đánh đổi bằng những giọt mồ hôi, nước mắt. Ảnh: Nguyễn Na

Cái nghề “bế thiên bồng nguyên soái” nặng nhọc, vất vả là thế, nhưng cũng chính nhờ nó mà biết bao chị em đã trụ vững, nuôi con cái ăn học thành tài. Cầm trên tay một sấp tiền lẻ, chị Hảo cười tươi rói khoe với tôi: “Bữa ni tôi kiếm được hơn 100 ngàn, nhiều hơn mấy bữa ba bốn chục lận. Rứa là có thêm tiền sắm cho tụi nhỏ ít thịt cá ngon ngon rồi. Vui quá chú ơi!”.

Rời chợ Bà Rén, tạm biệt chị em mà lòng tôi bỗng thấy cảm kích và khâm phục sự chịu khó, chân chất và lối sống đầy nghĩa tình của những người phụ nữ ấy vô cùng. Chính họ đã giúp tôi có thêm nhiều chiêm nghiệm sâu sắc về cuộc sống và biết trân trọng hơn những gì mình đang có...

Thanh Hằng_Nguyễn Na

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất


1001 câu chuyện 'tự cắt mái' của chị em phụ nữ