Nhìn công nghệ làm miến bẩn thế này, bà nội trợ nào cũng phải nắm vững cách chọn miến sạch ăn Tết
Tin liên quan
Cận cảnh công nghệ sản xuất miến “bẩn” tại Hà Nội
PV Em Đẹp tới làng nghề làm miến Yên Sở, Dương Liễu (Huyện Hoài Đức, Hà Nội) trong những ngày giáp Tết. Để phục vụ nhu cầu sử dụng miến trong dịp Tết của người dân, khắp đường làng ngõ xóm, bất cứ bãi đất trống nào cũng được tận dụng để phơi bột và miến thành phẩm.
Cảnh phơi miến ngay mặt đường đầy bụi bẩn tại Yên Sở.
Đập vào mắt chúng tôi là những bao tài bột dong – nguyên liệu để làm miến vứt chỏng chơ bên vệ đường.
Bột dong, nguyên liệu làm miến vứt chỏng chơ bên vệ đường toàn đất.
Cảnh phơi bột dong trên triền cỏ. Từng tấc đất, từng tấc miến.
Bột dong đen sì, vương vãi trên mặt cỏ.
Nhiều bãi đất bẩn, lấm lem cát cũng được tận dụng làm nơi phơi bột, phơi miến.
Một ngôi nhà đang xây dựng dở dang cũng trở thành nơi phơi mì. Bên trên phơi mì, bên dưới toàn cát. Mì "ngấm no" cát là điều khó tránh khỏi khi mỗi cơn gió thổi qua.
Dọc con đê dài hơn 1 cây số là là cảnh phơi miến dong ngay trên mặt đê xe tải nối đuôi nhau chạy rầm rập suốt ngày, bụi bẩn mịt mù.
Như thế, miến ướt sẽ được “hít no” bụi, rồi sau khi miến đủ nắng sẽ được các hộ gia đình thu gom, đóng gói và phân phối đi nhiều tỉnh thành lân cận.
Xe tải, xe máy nối đuôi nhau chạy rầm rập suốt ngày, xả đầy khói bụi vào miến phơi hai bên đường.
Ngoài phơi miến không đảm bảo vệ sinh, các hộ sản xuất miến còn xả thải nước thải không qua xử lý ra môi trường gây ô nhiễm. Những cột khói đen ngòm bốc lên từ các hộ sản xuất miến cứ thế xả thẳng vào bầu không khí của làng nghề.
Khói đen ngòm bốc lên từ những cơ sở sản xuất miến.
Nếu một lần chứng kiến công nghệ làm miến siêu bẩn như vậy, chắc chắn bà nội trợ nào cũng cảm thấy “nổi da gà”.
Khói đen nhuốm cả bầu không khí làng nghề.
Bởi vào mỗi dịp Tết, hầu như gia đình nào cũng sử dụng miến để chế biến đồ ăn Tết truyền thống. Trong nhiều món ăn Tết truyền thống, miến vẫn là nguyên liệu không thể vắng mặt như nem, bát canh miến…Không chỉ vậy, miến còn trở thành một đặc sản người ta biếu nhau để ăn Tết. Giá miến dao động từ 70.000 đồng đến 200.000 đồng/kg.
Xe ba gác tự chế đi thu gom miến khô về đóng gói thành phẩm và phân phối đi các tỉnh lân cận.
Nếu chẳng may mua phải miến bẩn đó, cộng thêm việc ngâm rửa sơ sài thì chắc chắn cả gia đình sẽ “được” ăn miến ngấm toàn cát, sạn.
Bí quyết chọn miến sạch
Làm sao để phân biệt được miến bẩn và miến sạch? Đó là trăn trở của rất nhiều bà nội trợ hiện nay khi câu chuyện công nghệ sản xuất miến lại “nóng” mỗi dịp Tết.
Không ai dám đảm bảo miến được sản xuất ở môi trường thế này sẽ không có "vị sạn" khi ăn.
Theo chị Nguyễn Thanh Uyên, giáo viên dạy nấu ăn Trường Trung cấp dạy nghề Hoa Sữa (Hà Nội), để mua được miến sạch, điều đầu tiên bà nội trợ nên chọn miến có bao bì, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng.
Không nên mua các loại miến giá rẻ, không có bao bì hay nguồn gốc xuất xứ.
Về mặt hình thức, theo chị Thanh Uyên, miến sạch sẽ có độ trong, sợi miến khô, dai, không dính bết vào nhau. Khi nấu lên vẫn có độ dai, không bị nát.
Miến sạch thường có màu trắng đục tự nhiên. Thậm chí một số loại miến của vùng cao như miến Cao Bằng, Bắc Kạn… sẽ có màu xám đen.
Còn miến kém chất lượng dễ bị gãy vụn khi dùng tay bẻ sợi miến. Loại miến này khi nấu lên sẽ bị nhũn, nát sợi miến. Những loại miến có màu sắc bắt mắt như trắng tinh, vàng óng ả…thường là miến đã được tẩy trắng, nhuộm bằng chất tạo màu.
Bài và ảnh: Thu Hà
Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!
Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất