Người thầy dành nửa thế kỷ gột rửa tâm hồn những đứa trẻ chạy trốn cơn “mưa đòn” từ “người bố hung thần”

Thu Hà 2017-12-08 11:15
- Phía sau cuộc chạy trốn những trận bạo hành từ “người bố hung thần” là con đường rất dài để những đứa trẻ phục hồi tâm lý, sức khỏe và tìm lại ước mơ của mình.

Gian nan đưa “cậu bé người rừng” về thủ đô

Mặc dù bước sang tuổi 81 nhưng đều đặn ngày nào nhà giáo Trần Duyên Hải, Giám đốc Trung tâm dạy nghề nhân đạo và tạo việc làm cho trẻ em tàn tật Việt Nam cũng đi xe máy từ nhà ở Q. Long Biên sang ngõ Linh Quang (số 25, ngách 48, ngõ Linh Quang, Đống Đa, Hà Nội).

Người thầy dành nửa thế kỷ gột rửa tâm hồn những đứa trẻ chạy trốn cơn “mưa đòn” từ “người bố hung thần”

Thầy Trần Duyên Hải, người đã dành nửa thế kỷ đi tìm và nuôi nấng những đứa trẻ bị bạo hành. 

Trung tâm là nơi ăn ở của những đứa trẻ kém may mắn mà thầy nhận về nuôi nấng, giúp các em học hành và giới thiệu việc làm. Mỗi đứa trẻ là một mảnh đời khác nhau, nhưng các em đều có điểm chung là bị gia đình ngược đãi, bạo hành. Thầy Hải vừa kết thúc chuyến công tác Tây Nguyên về. “Thành quả” sau chuyến đi là thầy “đem” được mấy đứa trẻ “đen như cột nhà cháy” về Trung tâm nuôi nấng.

Dành hơn nửa thế kỷ trèo đèo lội suối, đi tìm những đứa trẻ bị gia đình bạo hành về chăm sóc, giáo dục các em, nhà giáo Trần Duyên Hải chưa lúc nào thôi nặng lòng về những đứa trẻ này.

Một trong những ca “kinh điển” nhất được thầy Duyên Hải đưa về Trung tâm là “cậu bé người rừng” Sùng A Lự. Năm xưa, cả thị trấn Mông Ân (Cao Bằng) quê em đều quen với hình ảnh cậu bé Lự người nhỏ như con chuột nhắt phải oằn lưng gánh bó củi to hơn người xuống núi, đổi lấy hai gói mỳ tôm nuôi bố Páo và thằng em mới lên 3. Mẹ em, một người phụ nữ cắt tóc ngắn như đàn ông bị mấy người bên Mèo Vạc cho ăn phở, tắm rửa rồi bắt đi từ đó.

Người thầy dành nửa thế kỷ gột rửa tâm hồn những đứa trẻ chạy trốn cơn “mưa đòn” từ “người bố hung thần”

Hình ảnh của Lự năm lên 9 tuổi, khác xa so với hồi em mới về Trung tâm. 

Nơi ở của ba bố con là một vách đá hình khum màu đen nháy, trông xa tưởng như cái hang sâu hun hút giữa cánh rừng già. Đứa em ba tuổi luôn ở truồng, vắt vẻo ngồi bên miệng vực. Còn Lự, ngày nào không kiếm được cái ăn là bị bố đánh. Có bữa, Lự bị bố Páo quẳng xuống suối.

Biết câu chuyện thương tâm của hai anh em Lự, thầy Duyên Hải đã khăn gói lên tận đỉnh núi để tìm. “Tôi ám ảnh bức ảnh chụp đứa trẻ lên ba lê la đất cát. Bên cạnh là Lự, vác bó củi đi bán. Cho nên tôi lập tức liên hệ với các cơ quan chức năng tỉnh Cao Bằng đón ba bố con về Trung tâm nuôi dưỡng”, thầy Duyên Hải kể lại.

Trước khi đoàn lên đón, đã có không ít ban ngành vào vận động bố con A Páo đi Hà Nội. “Lúc đầu, ông Páo đồng ý, sau lại thôi vì sợ bị dẫn đi xa. Chủ tịch xã phải vào, hứa với ông Páo rằng đi Hà Nội là có cơm ăn, áo ấm, bọn trẻ được đi học thì họ mới đồng ý. Trèo đèo lội suối suốt gần hai tiếng đồng hồ chúng tôi mới đưa được ba bố con ra xe thì đứa bé 3 tuổi lại giãy nảy không chịu lên ô tô của đoàn vì sợ”, thầy Hải cho biết.

Dỗ dành mãi, đứa trẻ mới chịu theo thầy về Hà Nội. Từ đây, các thầy cô tại Trung tâm bắt đầu cuộc hành trình gian nan hồi phục tâm lý cho Lự và giúp bố Páo làm quen với cuộc sống mới. Trên người em Lự chi chít vết sẹo lớn nhỏ, đó là dấu tích của những trận đòn và những ngày đi rừng kiếm ăn.

Bữa đầu tiên ở Hà Nội, Lự cầm thìa như cầm cái xẻng, hùng hục xúc đồ ăn, ngửa cổ lên, phùng mang trợn má nuốt đánh ực. Các thầy cô phải hướng dẫn cho em cách cầm thìa, cách mặc quần áo, đi dép.

Tuy nhiên, thử thách lớn nhất là tính cách của Lự rất bất cần, hung hãn do sống quá lâu trong bạo lực. Lự thường xuyên hậm hực, phá phách như một con thú bị thương, đánh bạn ở cùng hoặc gầm gừ khi có điều không vừa lòng.

“Phải mất rất nhiều thời gian, chúng tôi mới cảm hóa được Lự, dạy cho Lự học tiếng Kinh, học cách nói chuyện thay vì đánh bạn và đi học”, thầy Hải nhớ lại.

Giờ đây, Lự đã 13 tuổi. Em đã kết thúc học phổ thông, đang được học nghề may tại Trung tâm. Câu chuyện của Lự là minh chứng cho thấy phía sau cuộc chạy trốn những trận đòn roi là hành trình hồi phục tâm lý đầy gian nan của đứa trẻ đã phải chịu đựng nỗi đau bạo hành.

Biện pháp mạnh ngay khi phát hiện vết thương trên cơ thể trẻ

Thầy Hải khẳng định không phải chuyến đi tìm trẻ bị bạo hành nào cũng may mắn đưa được em về Trung tâm. Không ít lần, thầy Hải buộc phải ra về tay trắng vì chính sự ngăn cản của gia đình các em.

Tháng 6/ 2012, khi nghe tin về ba mẹ con sống trong hang đá trên đỉnh núi tại huyện Lục Nam, Bắc Giang, thầy Hải đã dẫn đoàn tìm đến tận nơi, mong đưa được họ về Hà Nội để có mái nhà che mưa che nắng. Người đàn bà này đã biến mình và các con thành người tiền sử bằng việc sống trong hang đá suốt 15 năm.

Người thầy dành nửa thế kỷ gột rửa tâm hồn những đứa trẻ chạy trốn cơn “mưa đòn” từ “người bố hung thần”

Những đứa trẻ kém may mắn phải mất một thời gian dài để quên đi ký ức cay đắng. 

Vượt qua những con suối trơn như đổ mỡ và dốc cao dựng đứng, cuối cùng đoàn cũng bắt gặp ba mẹ con đang ngâm mình dưới suối. Tuy nhiên, khi nhắc tới việc đưa ba mẹ con về thành phố, người mẹ này lập tức đổi giọng “Không thành phố, không học hành gì hết. Đừng có mang mấy gói bánh ra đây mà lừa lấy con của bà. Có thích thì tự đẻ con mà nuôi”. Cho dù đã lên đó đến lần thứ ba nhưng thầy vẫn không hoàn thành tâm nguyện.

Theo cảm nhận của thầy Hải, không chỉ ở miền núi, vùng sâu vùng xa mà ngay cả ở thành phố cũng âm ỉ rất nhiều vụ việc bạo hành gia đình. Điều khó khăn nhất là làm sao nạn nhân có thể lên tiếng và các tổ chức có thể giúp đỡ, dẫn dắt cuộc đời các em sang một trang mới.

Người thầy dành nửa thế kỷ gột rửa tâm hồn những đứa trẻ chạy trốn cơn “mưa đòn” từ “người bố hung thần”

Những em lớn tuổi đều được thầy Hải cho học nghề để các em có thể tự lập trong tương lai. 

Rất gian nan để hồi phục lại tâm lý cho các em. Bởi trải qua quá nhiều đau đớn, các em cảm thấy “hận đời”, tính tình trở nên cục cằn, dữ dằn nhưng thực ra sâu thẳm trong tâm hồn các em là nỗi tổn thương rất lớn. Vết thương trên da thịt rồi cũng lành, nhưng vết thương trong tâm hồn muốn lành lại thì cần phải có một môi trường thực sự vui vẻ để chăm sóc, gột rửa hết những ký ức cay đắng”, thầy Duyên Hải bày tỏ.

Theo thầy Duyên Hải, khi phát hiện vết thương bạo hành đầu tiên trên cơ thể của các em cần phải có sự lên tiếng của người phụ nữ trong gia đình và sự giám sát can thiệp của bà con xóm làng, hội phụ nữ, chính quyền địa phương, nhà trường.

“Nếu hành hạ đứa trẻ lần đầu, kẻ ác cần được cách ly khỏi đứa trẻ. Thậm chí phối hợp với công an để cưỡng chế để cách ly. Nếu tái phạm, kẻ ác sẽ phải phạt tù, chịu sự trừng trị thích đáng của pháp luật. Có như vậy mới nhanh chóng kết thúc chuỗi ngày đày ải mà các em phải chịu đựng trong chính mái ấm của mình”, thầy Duyên Hải kiến nghị.

Thu Hà (Ảnh: NVCC)

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất


Có bạn nào cũng đang dùng em kem chống nắng “quốc dân” này không?