Người phụ nữ 17 năm làm nghề gác chắn tàu và lần cứu người thoát chết trong gang tấc

2017-08-27 19:00
- 17 năm làm nhân gác chắn tàu tại trạm chắn tàu Linh Đàm (Hà Nội), cô Nguyễn Thị Năm không nhớ nổi mình đã từng cứu được bao nhiêu người. Chỉ biết rằng, công việc dù có vất vả, khó khăn thì cô vẫn cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ cấp trên giao.

Tìm đến trạm gác chắn tàu Linh Đàm (Hà Nội) vào một chiều nắng nóng gay gắt, PV Emdep.vn không khỏi cảm phục trước công việc của những nhân viên tại đây.

Dù cho tiết trời oi bức, nhưng cứ mỗi khi tiếng chuông báo hiệu sắp có tàu chạy qua vang lên là họ lại cầm còi, mũ và cờ kéo tấm barie chắn ngang con đường, làm hiệu lệnh cho các phương tiện tham gia giao thông dừng lại.

Phút giây cứu người thoát chết trong gang tấc của nữ nhân viên gác chắn tàu

Cô Năm đang làm công việc của mình.

Trò chuyện với PV Emdep về công việc gác chắn tàu, cô Nguyễn Thị Năm (SN 1967, Hà Nội) là người có thâm niên 17 năm trong nghề đã dốc bầu tâm sự.

Cô Năm kể rằng, 17 năm làm nghề gác chắn tàu cô đã gặp phải không ít những tình huống, câu chuyện thót tim. Và mỗi một lần trải qua những cảm giác đó, cô càng nhận ra công việc mà mình đang làm vất vả nhưng ý nghĩa đến nhường nào.

Cô Năm chia sẻ: “Năm 2000 chạm chắn tàu Linh Đàm bắt đầu mở và đi vào hoạt động. Đó cũng là lúc tôi vào làm và gắn bó với trạm chắn tàu này cho đến thời điểm hiện tại. Ngày mới bắt đầu làm tôi còn nhiều bỡ ngỡ lắm. Nhất là những lúc người dân không nghe theo hiệu lệnh của người chắn gác tàu mà nước mắt chực trào. Không những vậy, lúc trực đêm bị người đi đường đặc biệt thanh niên trêu chọc cũng thấy rất sợ và chán nản”.

Phút giây cứu người thoát chết trong gang tấc của nữ nhân viên gác chắn tàu

Người phụ nữ này có 17 năm theo nghề gác chắn tàu.

Theo lời của người phụ nữ này, công việc của cô và những nhân viên gác chắn tàu là đảm bảo an toàn cho đường sắt, đồng thời bảo đảm an toàn cho người tham gia giao thông. Tuy nhiên, vẫn có một bộ phận người đi đường ý thức kém, lách qua barie để sang đường là chuyện xảy ra thường xuyên.

Mỗi khi sắp có tàu chạy qua, chúng tôi phải làm việc của mình là kéo thanh barie để ngăn không cho phương tiện đi qua. Thế nhưng, vẫn có những người cố lách qua. Khi chúng tôi nhắc nhở thì còn bị họ văng tục, chửi bậy. Khi ấy, tôi chỉ còn biết “ngậm bồ hòn làm ngọt”, cô Năm bộc bạch.

Với cô Năm việc cô và những đồng nghiệp đối mặt là chuyện vặt xảy ra như “cơm bữa”. Tuy nhiên, với cô đó chưa là gì, thậm chí có người đồng nghiệp của cô vì nhắc nhở người dân không chạy sang đường mà còn bị hành hung.

Gắn bó với nghề chắn gác tàu, người phụ nữ này cũng nhớ lại một tình huống cứu người thoát chết trong gang tấc của mình.

Cô Năm kể: “Đó là vào ngày hè tháng 6/2016, khi ấy tôi đang làm hiệu lệnh cho người đi đường dừng lại, thanh barie cũng đã kéo ngang. Thế nhưng, khi ấy có một cô gái trên người không mảnh vải che thân vội bước qua thanh chắn và như là có ý định tự tử.

Tôi nhìn sang thì thấy đoàn tàu đang lao tới. Lúc đó tôi không nghĩ được gì nhiều. Chỉ biết rằng phải cứu được cô gái ấy thoát khỏi đoàn tàu đang lao tới. Tôi vội vã chạy tới ôm chặt cô gái ấy và ra sức lôi cô ta ra khỏi đường ray. Rất may mắn tôi đã làm được, cứu sống được cô gái ấy.

Sau đó, tôi đã cho cô gái này vào trong phòng trực, mua quần áo cho mặc và tìm hiểu xem nguyên nhân vì sao cô ất lại làm việc dại dột như vậy. Nhưng, sau khi tiếp xúc tôi mới biết cô gái này thần kinh không bình thường. Mọi người cứ trêu tôi là chẳng màng cả bản thân để cứu một cô gái điên. Nhưng với tôi, cứu được người đã là quý”.

gác chắn tàu

Khi có tiếng chuông báo hiệu tàu sắp chạy qua là cô lại nhanh tay đội mũ, cầm cờ để làm việc.

Cô Năm cho biết, làm nghề gác chắn tàu cô cũng đã phải đánh đổi nhiều thứ như không được bên chồng con thường xuyên. Cũng may chồng cô cũng làm trong ngành đường sắt nên vợ chồng hiểu và thông cảm được cho nhau.

Còn nhớ có năm giao thừa, tôi phải trực ngoài chạm gác không được đón Tết cùng chồng con. Bình thường việc sắm lễ, cúng giao thừa là tôi làm thì năm đó tôi phải viết văn khấn ra giấy để cho chồng cúng. Nghĩ lại thấy thương chồng con và tủi thân vô cùng”, cô Năm kể tiếp.

17 năm làm nghề, dù đồng lương ít ỏi chỉ 3,5 triệu đồng/tháng, thời gian làm việc gò bó mỗi ca trực kéo dài 12 tiếng và luân phiên nhau, có tháng làm đến cả 34-36 công, nhưng cô Năm chưa khi nào ca thán. Bởi với cô nhiệm vụ của cô cũng như nhân viên đường sắt khác vẫn là đảm bảo an toàn cho những chuyến tàu được lưu thông thông suốt.

Thanh Hoa

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất

Được sao Việt lẫn sao Hàn lăng xê nhiệt tình, đây đúng chuẩn là tông màu hot nhất mùa xuân năm nay