Người lao động tự quản lý sổ BHXH: Có lo mất mát giấy tờ?

2017-01-07 13:36
- Theo Luật bảo hiểm xã hội sửa đổi năm 2014 có hiệu lực từ 1/1/2016, người lao động có quyền tự quản lý sổ bảo hiểm xã hội của mình.

Quy định này góp phần đảm bảo quyền lợi chính đáng của người lao động, bởi sẽ giúp họ nắm rõ được quá trình đóng bảo hiểm xã hội của mình cũng như được đơn vị bảo hiểm xác nhận về việc đóng bảo hiểm xã hội và có quyền khiếu kiện doanh nghiệp nếu trốn đóng, nợ đóng bảo hiểm xã hội.

Hiện, cơ quan bảo hiểm xã hội đang phối hợp với đơn vị bàn giao trực tiếp sổ bảo hiểm xã hội cho người lao động, phấn đấu đến cuối năm 2017 hoặc chậm nhất là đầu năm 2018 sẽ hoàn thành công tác này.

Người lao động tự quản lý sổ BHXH: Có lo mất mát giấy tờ?

Việc trả sổ bảo hiểm xã hội là cần thiết, bởi điều này sẽ góp phần công khai, minh bạch được thông tin, quá trình đóng bảo hiểm xã hội.

Theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi năm 2014, người lao động có quyền giữ sổ bảo hiểm xã hội thay vì chủ sử dụng lao động như hiện nay, hàng năm, người lao động sẽ được cơ quan bảo hiểm xã hội xác nhận về việc đóng bảo hiểm xã hội, được yêu cầu người sử dụng lao động hoặc cơ quan bảo hiểm xã hội cung cấp thông tin về đóng Bảo hiểm xã hội.

Luật cũng quy định trách nhiệm của người sử dụng lao động định kỳ 6 tháng phải niêm yết công khai thông tin về việc đóng bảo hiểm cho người lao động và cung cấp thông tin đóng bảo hiểm xã hội do cơ quan bảo hiểm xã hội cung cấp hàng năm. Quy định này được người lao động đánh giá cao, vì sổ bảo hiểm xã hội như là quyền sổ tiết kiệm, người lao động có quyền được biết mình đã được đóng bảo hiểm đến đâu và mức hưởng như thế nào.

Chị Hồ Huyền Trang, nhân viên Công ty TNHH Cammys Việt Nam cho biết: “Khi được cầm quyển sổ bảo hiểm xã hội mình cảm thấy như đang trực tiếp bảo vệ quyền lợi của chính mình và mình sẽ bảo quản sổ này cẩn thận”.

Mặc dù, có hiệu lực thi hành từ 1/1/2016 nhưng việc triển khai cấp trả sổ cho người lao động vẫn chưa được thực hiện rộng rãi. Theo ý kiến nhiều doanh nghiệp, một trong những nguyên nhân là do quy trình trả sổ bảo hiểm xã hội chưa được rõ ràng nên doanh nghiệp cũng như người lao động chưa thể phối hợp để thực hiện.

Chị Đào Thị Thu Huyền, Chánh văn phòng Công ty TNHH Canon Việt Nam cho biết, khi người lao động nghỉ việc có nhiều trường hợp nghỉ không đúng hạn hay nghỉ mà chưa kịp bàn giao sổ cho công ty gây khó khăn cho việc chốt sổ.

Chị Đào Thị Thu Huyền nói: “Doanh nghiệp chúng tôi với số lượng người là khoảng 22 nghìn lao động, khi trả sổ, nhiều người không thể giữ được sổ của mình và khi phải giải quyết các thủ tục liên quan đến ốm đau, thai sản hay nghỉ việc gặp nhiều khó khăn. Bởi tất cả những việc đó đều quy về đầu mối ban đầu là doanh nghiệp.

Nên chúng tôi đang tiếp tục kiến nghị cơ quan bảo hiểm xã hội để người lao động ủy quyền cho người sử dụng lao động giữ sổ của mình để tiện lợi, nhanh chóng và đảm bảo không mất sổ, để thực hiện các thủ tục giải quyết các vấn đề về bảo hiểm xã hội cho người lao động”.

Theo báo cáo của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, đến nay tổng số sổ bảo hiểm xã hội đã cấp là trên 12 triệu sổ, gồm 7 triệu sổ bìa cứng và 5 triệu sổ tờ rơi. Tuy nhiên, hiện việc quản lý cả 2 loại sổ này đều cho thấy những bất cập.

Với sổ bìa cứng ghi bằng tay dễ làm, cấp sổ kịp tiến độ nhưng còn sai sót trong quá trình ghi, khó bảo quản, không quản lý được cơ sở dữ liệu bằng công nghệ thông tin. Còn sổ tờ rơi đáp ứng được dữ liệu quản lý bằng công nghệ thông tin, hàng năm thông báo kịp thời chính xác quá trình tham gia bảo hiểm xã hội cho người lao động nhưng có nhược điểm là manh mún, khó quản lý, dễ thất lạc nên số lượng xin in lại sổ khi giải quyết chế độ còn chiếm tỷ lệ cao.

Ông Trần Đình Liệu, Phó tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết, trước mắt những sổ đã hoàn thành thủ tục pháp lý, thông tin đầy đủ sẽ trả cho người lao động. Những sổ chưa đầy đủ thông tin cần bổ sung nhân thân, về thời gian đóng bảo hiểm xã hội sẽ điều chỉnh và bàn giao.

Đối với các doanh nghiệp phá sản, nợ đọng, Bảo hiểm xã hội Việt Nam sẽ thực hiện chốt sổ đến thời điểm mà doanh nghiệp đóng cho người lao động. Hiện, Bảo hiểm xã hội đang tập trung hoàn thiện hệ thống công nghệ thông tin hiện đại và hoàn thành việc cấp mã định danh cho toàn bộ người lao động.

Người lao động tự quản lý sổ BHXH: Có lo mất mát giấy tờ?

Sổ bảo hiểm xã hội.

Ông Trần Đình Liệu nói: “Năm 2017, chúng tôi quyết liệt trả sổ cho người lao động, những sổ mới, chúng tôi trực tiếp trả sổ bảo hiểm xã hội cho người lao động. Với những sổ doanh nghiệp đang giữ, chúng tôi sẽ rà soát để trả cho người lao động, bởi sổ này mỗi người được cấp 1 mã duy nhất.

Hiện nay cơ quan bảo hiểm của chúng tôi đã cấp xong mã an sinh xã hội, mã bảo hiểm xã hội cho người lao động, người lao động chỉ cần nhớ số mã, chúng ta đã biết sổ của mình đang đóng ở đâu, và thẻ BHYT có giá trị thế nào.

Thông qua việc cung cấp mã định danh cho người lao động giải quyết được việc đóng thẻ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế. Còn những vấn đề liên quan đến chính sách, chúng tôi sẽ tổng hợp để kiến nghị với các bộ trong thời gian tới”.

Việc trả sổ bảo hiểm xã hội là điều mới nhưng cần thiết, bởi điều này sẽ góp phần công khai, minh bạch được thông tin, quá trình đóng bảo hiểm xã hội. Đặc biệt, sẽ hạn chế được tình trạng doanh nghiệp chậm đóng bảo hiểm hoặc đã thu tiền của người lao động nhưng lại không đóng bảo hiểm cho họ.

Vì vậy, cơ quan bảo hiểm cần sớm hoàn thiện hướng dẫn cụ thể cho quy định này, để người lao động sớm được giữ sổ bảo hiểm xã hội để đảm bảo quyền lợi về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp và bảo hiểm y tế.

Theo VOV

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất

Công dụng bất ngờ của mỹ phẩm chăm sóc da hết hạn, bạn đừng vội vứt đi