Người câm điếc bẩm sinh gần 20 năm tình nguyện gác tàu không lương

Hà Nam 2015-09-14 08:37
- ​Nhiều người ác miệng bảo anh khùng, không ngừng đi lo việc thiên hạ. Thế nhưng, mặc ai nói tới nói lui gì cũng kệ, gần 20 năm qua, bất kể nắng mưa, anh vẫn tình nguyện làm “barie sống” để canh tàu cho người đi đường
Số phận bất hạnh của “hiệp sĩ đường sắt”
Nhiều năm nay, ai đi ngang con hẻm nhỏ nằm cắt ngang đường sắt (thuộc phường Hòa Hiệp Nam) đều không khỏi ngạc nhiên trước một người đàn ông bị câm điếc và khuyết tật chân bẩm sinh, mặc bộ áo quần bảo vệ cũ kỹ, tay cầm cờ, miệng thổi còi đứng chắn ở đường ray xe lửa. Anh là Lê Ngọc Quý, 50 tuổi, trú tại tổ 124, phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng.
Tìm về gặp anh Quý vào một ngày đầu thu, ấn tượng đầu tiên của tôi về “hiệp sĩ đường sắt” này là một người đàn ông đen thui, ốm nhách và khuôn mặt toát lên một vẻ gì đó rất “lạ”… Thấy đoàn tàu gần đến, nhanh thoăn thoắt, một tay anh phất cờ, một tay thả thanh chắn đường còn miệng thổi còi tuýt tuýt  báo hiệu cho dòng người phía sau lưng mình dừng lại. Trông anh vừa hùng dũng lại vừa... buồn cười khi bơi trong bộ áo quần bảo vệ rộng thùng thình.
Người câm điếc bẩm sinh gần 20 năm tình nguyện gác tàu không lương

Vượt lên nghịch cảnh số phận, gần 20 năm qua, người đàn ông câm điếc này đã tình nguyện làm "barie sống" để canh tàu cho người đi đường (Ảnh: Khương Mỹ)

Sinh ra trong một gia đình nghèo có 3 anh em, lại mắc phải căn bệnh câm điếc bẩm sinh và đôi chân cũng tật nguyền từ nhỏ. Lớn lên cùng với những khiếm khuyết cơ thể, lại không được đến trường như bạn bè cùng trang lứa, càng khiến anh Quý khó khăn hơn trong việc hòa nhập với cuộc sống cộng đồng.

Lúc còn trẻ, anh Quý từng làm công nhân bốc vác ở một nhà máy xay xát. Nhưng trong một lần khiêng vác quá nặng, cột sống không may bị chấn thương, từ đó anh phải nghỉ làm. Những ngày quẩn quanh ở nhà dường như khiến người đàn ông bất hạnh này cảm thấy chán chường hơn. Và rồi, anh quyết định ra đường sắt ở gần nhà mình để tình nguyện làm “barie sống”.
Người câm điếc bẩm sinh gần 20 năm tình nguyện gác tàu không lương

Bất kể nắng mưa, anh Lê Ngọc Quý vẫn đứng gác tàu bằng tất cả tấm lòng của mình (Ảnh: Khương Mỹ)

Thế là, ngày nào cũng vậy, bất kể nắng mưa, khuya hay sớm, cứ đến giờ tàu qua đường ngang này là anh Quý lại có mặt. Nhiều lúc đang ăn cơm, nhớ đến giờ tàu qua anh cũng bỏ bát đũa, cầm còi, cờ rồi chạy thật nhanh ra làm “nhiệm vụ”. Khi mới bắt đầu công việc này, nhiều người ác miệng bảo anh bị khùng, không ngừng lại “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng”. Thế nhưng, mặc ai nói tới nói lui gì anh đều bỏ ngoài tai, gần 20 năm qua, bất kể nắng mưa, anh vẫn tình nguyện làm “barie sống” để canh tàu cho người đi đường.
Bà Đỗ Thị Ngọt (72 tuổi), nhà sát đường tàu nơi anh Quý hay đứng gác, cho biết: “Tui cũng không nhớ rõ thằng Quý gác tàu ở đây bao nhiêu năm nữa, chỉ biết là hắn làm việc ni lâu lắm rồi. Hồi trước, ai nấy đều ngạc nhiên khi thấy hắn xuất hiện tại đường ray ni trong bộ áo quần rách rưới. Mỗi khi có tàu lửa chạy qua là hắn lại ú ớ chạy ra đứng giữa đường chặn xe của mọi người.... Ban đầu, nhiều người tỏ ra khó chịu vì cứ nghĩ hắn bị điên, còn bọn trẻ con thì hùa nhau ném đá, chọc ghẹo. Đến khi thấy đoàn tàu vun vút lao tới thì mọi người mới vỡ lẽ, hóa ra hắn đang làm việc thiện…”.
Nghe bà Ngọt nói, bà Trần Thị Tập (65 tuổi, trú tổ 124) ngồi bên cũng tiếp lời: “Hình như thằng Quý gác ở đây cũng gần 20 năm rồi đó. Quý làm việc không lương mà nhiệt tình lắm chú ơi!"
"Nhân viên không lương" của ngành đường sắt
Gần 20 năm làm nhân viên không lương của ngành đường sắt, nhưng dường như anh Quý đã đặt trọn trách nhiệm và tình yêu của mình vào công việc này. Có những hôm trời mưa sụt sùi lạnh teo, anh vẫn che miếng nilon ra ngồi co ro một góc bên đường để canh tàu. Sợ anh có chuyện chẳng lành, hết người thân, hàng xóm rồi cả người đi đường khuyên anh vào nhà, nhưng anh nhất quyết không chịu, bởi anh sợ trời mưa to, nhiều người trùm áo mưa, mắt mũi bị mưa tạt không nghe được tiếng còi tàu từ xa vọng tới.
“Anh Quý làm công việc này gia đình cũng lo lắng lắm. Mọi người ai cũng can ngăn nhưng anh nhất quyết không chịu nghe. Có nhiều hôm gần 2 giờ sáng vẫn chưa thấy anh về nhà, tôi ra gọi mãi mà anh không chịu về. Anh ra hiệu là vẫn còn 1 chuyến tàu cuối cùng nữa thì mới xong công việc…”, chị Lê Thị Anh (em ruột anh Quý), chia sẻ.
Người câm điếc bẩm sinh gần 20 năm tình nguyện gác tàu không lương

 Từ khi có anh Quý đứng gác thì đoạn đường này rất hiếm khi xảy ra tai nạn (Ảnh: Khương Mỹ)

Dáng người còm nhom, gầy guộc nhưng trong mắt nhiều người, anh Quý như một hiệp sĩ đúng nghĩa, bởi nhờ anh mà đoạn đường nổi tiếng là nguy hiểm này tránh bớt được những tai nạn đáng tiếc. Cảm kích trước hành động nghĩa hiệp của anh Quý nên một số người có dịp qua đây đã dừng lại dúi vào túi anh vài ngàn để uống nước. Nhưng chẳng dám tiêu, anh Quý dành dụm từng đồng rồi nhờ em gái xuống chợ làm cho mình 2 cây cờ mới. Không chỉ thế, những ngày giáp Tết, anh còn tự tay viết tấm biển chúc mừng năm mới với những họa tiết “lạ lùng”, rồi mang ra “trạm gác tàu” của mình để trang trí. Nói là trạm gác tàu cho oai, chứ thật ra chỉ là nơi anh hay đứng gác, sát bên tấm biển “Chú ý tàu hỏa” nằm cạnh đường ray.
Đặc biệt, điều khiến chúng tôi ngạc nhiên nhất là trí nhớ tuyệt vời của anh Quý về lịch trình các chuyến tàu chạy qua đây mỗi ngày...  Mỗi khi có tàu đến gần, anh lại chạy ra đứng giữa ngã ba đường tuýt còi, phất cờ báo hiệu mọi người dừng lại như một nhân viên đường sắt thực thụ.
Bà Nguyễn Thị Lê (80 tuổi, mẹ anh Quý) than thở: “Tội lắm cô chú ơi! Từ nhỏ hắn đã ốm yếu bệnh tật. Nhà tôi vừa nghèo vừa đông con, không có tiền chữa chạy cho hắn. Suốt mấy chục năm ni, bữa mô cũng thế, hắn dậy từ 5 giờ sáng, mặc đồng phục, gom “đồ nghề” rồi đi ra đường ray ngồi gác tàu tới khuya lơ mới chịu về. Những ngày đầu, không biết hắn đi đâu, gia đình lo lắm. Vài ngày sau thì mọi người mới biết là hắn đi gác tàu…”.
Người câm điếc bẩm sinh gần 20 năm tình nguyện gác tàu không lương

Dù cơ thể chịu nhiều khiếm khuyết nhưng trong mắt nhiều người thì anh Quý như một hiệp sĩ đúng nghĩa (Ảnh: Khương Mỹ)

Năm 2013, nhận thấy mật độ xe cộ lưu thông qua khu vực này ngày càng đông, ban an toàn giao thông thành phố Đà Nẵng đã quyết định thành lập một trạm gác tàu ngay tại nơi anh Quý thường đứng gác. Và người được nhận vào làm công việc chính thức ở đây là anh Lê Ngọc Quang (45 tuổi, em trai anh Quý).
Những tưởng từ khi có em trai chia sẻ công việc thì anh Quý sẽ yên tâm ở nhà nghỉ ngơi. Nhưng không, sau 19 giờ tối mỗi ngày, khi những người gác tàu đã hết ca trực, anh Quý lại lặng lẽ tiếp tục công việc gác tàu của mình một cách thầm lặng... 
Bài, ảnh: Hà Nam
(Theo Congluan)

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất

5 cung hoàng đạo luôn giữ lời hứa, không bao giờ tiết lộ bí mật của bạn bè cho người thứ ba