Mua bánh lai rai mùa Trung thu, bà nội trợ nhớ XEM KỸ NGÀY SẢN XUẤT - HẠN SỬ DỤNG nếu không muốn gặp sự cố “đau tim”

Thu Hà 2018-09-18 06:45
- Mua bánh trung thu dập trước ngày sản xuất, bánh bị mốc xanh mốc đỏ dù vẫn còn hạn sử dụng. Đó là những sự cố về bánh trung thu khiến bà nội trợ phải “đau tim”.

Bánh trung thu đến từ…tương lai

Mùa trung thu này, gia đình chị Đặng Hà (Q. Hà Đông, Hà Nội) đã nhất quyết “nói không” với bánh trung thu mua ngoài tiệm tạp hóa sau một sự cố “dở khóc dở cười”.

Ngày 10/9 mới đây, chị Hà mua bánh nướng ở một tiệm tạp hóa để thắp hương mùng 1 tháng 8 âm lịch. Sau khi thắp hương xong, chị Hà định cắt bánh cho con ăn thì tá hóa khi nhìn ngày sản xuất, thời hạn sử dụng của chiếc bánh.

Trên vỏ bánh dập ngày sản xuất là 13/9/2018, trong khi ngày chị mua bánh là 10/9/2018.

Trên nhãn mác của chiếc bánh có ghi đia chỉ sản xuất nhưng chị Hà nhiều lần gọi điện đến số máy của xưởng nhiều lần đều không được và tìm trên mạng cũng không ra địa chỉ xưởng sản xuất.  

Mua bánh lai rai mùa trung thu, bà nội trợ nhớ XEM KỸ HẠN SỬ DỤNG nếu không muốn gặp sự cố “đau tim”

Nhưng ngày sản xuất thực sự thì...có trời mới biết! Ảnh: NVCC

“Tưởng mình nhớ sai ngày, tôi đã cẩn thận mở lịch ra xem lại và sốc khi thấy ngày sản xuất in trên vỏ bánh trung thu dập trước tận 3 ngày. Thấy thật tội lỗi khi thắp hương các cụ chiếc bánh đó.

Tôi hỏi một người bạn, họ giải thích có thể do họ dập ngày sản xuất dôi ra vì tính ngày bánh xuống dầu. Nhưng nếu như vậy cũng không chấp nhận được. Không hiểu họ sản xuất từ bao giờ mà dập ngày sản xuất bừa bãi như vậy? Ngày sản xuất thực sự có lẽ chỉ có...trời mới biết! Nếu như không cẩn thận xem lại ngày sản xuất thì cả nhà đã ăn phải bánh lởm đó”, chị Hà bức xúc.

Sau vụ việc này, chị Hà đành vứt chiếc bánh đi và dặn lòng sẽ không bao giờ mua bánh trung thu gia công ngoài tiệm tạp hóa nữa.

Xấu hổ chỉ vì chiếc bánh trung thu

Chia sẻ sự cố khi mua bánh trung thu trên một diễn đàn, chị Hà Phương, Hà Nội cho biết chị mua bánh trung thu sản xuất ngày 26/8, hạn sử dụng ngày 14/10/2018 mà khi bóc ra đã thấy bánh bị mốc xanh.

Nhiều chị em cho rằng bánh tươi, không có chất bảo quản nên bị như vậy là chuyện bình thường. Tuy nhiên, theo chị Phương, điều đáng nói là những chiếc bánh này vẫn còn trong hạn sử dụng mà đã bị mốc là lời cảnh báo chị em cần phải có thói quen kiểm tra bánh thật kỹ. 

Chị Thanh Thủy, một nhân viên văn phòng tại Hà Nội vẫn chưa hết kinh hãi khi nhớ lại sự cố bánh trung thu bị mốc xanh mốc đỏ dù hạn sử dụng còn dài.

“Công ty mình gọi điện cho bên công ty tặng bánh báo bánh hỏng hết rồi. Bởi cũng là đối tác thân thiết nên báo họ để họ kiểm tra các hộp bánh, tránh đi tặng các công ty mà bánh bị mốc. Họ quay lại lấy bánh và mấy hôm sau đến biếu lại loại khác”, chị Thủy kể.

Những cố này cũng khiến chị em nhân viên văn phòng “thót tim”. Bởi chưa nói đến chất lượng, ngộ nhỡ chị em mua biếu bánh trung thu cho đối tác mà “vớ phải” bánh mốc, dập ngày sản xuất cẩu thả thì xấu hổ chỉ có nước…độn thổ!  

Những “bí kíp vàng” khi mua và sử dụng bánh trung thu!

Bánh Trung thu là món ăn không thể thiếu trong mỗi gia đình mỗi khi dịp trung thu về. Tuy nhiên, để có một mùa trung thu an toàn, Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Trọng Hưng, Viện Dinh dưỡng Quốc gia khuyến cáo chị em cần hết sức lưu ý khi mua và sử dụng bánh trung thu.

Mua bánh lai rai mùa trung thu, bà nội trợ nhớ XEM KỸ HẠN SỬ DỤNG nếu không muốn gặp sự cố “đau tim”

Tốt nhất, chị em nên xem kỹ ngày sản xuất, hạn sử dụng và chỉ mua bánh trung thu biết rõ nguồn gốc, xuất xứ. 

Xem kỹ ngày sản xuất, hạn sử dụng

Đầu tiên, chị em nên tạo lập thói quen xem kỹ ngày sản xuất, hạn sử dụng của bánh. Sản phẩm phải có ngày sản xuất và hạn sử dụng, tốt nhất nên sử dụng sản phẩm mới xuất xưởng càng sớm càng tốt. Đây là một thói quen rất quan trọng, tuy nhiên thực tế nhiều chị em vẫn “lơ là” khi mua sản phẩm.

Nhãn mác

Về nhãn mác, sản phẩm phải có nguồn gốc rõ ràng gồm có tên của nhà sản xuất, địa chỉ nơi sản xuất, có hướng dẫn sử dụng và bảo quản.

“Người tiêu dùng lựa chọn sản phẩm không bị dập nát biến dạng, bao bì không rách nát, không có màu sắc khác thường, không có mùi khác lạ. Không lựa chọn, mua sản phẩm trôi nổi, không rõ nguồn gốc”, bác sĩ Hưng khuyến cáo.

Ăn đúng cách

Theo bác sĩ Hưng, thành phần chính của bánh trung thu là bột, đường, bơ, mỡ lợn... Vỏ của các loại bánh trung thu cũng đa dạng, đều được tẩm ướp rất nhiều mỡ và đường.

Do đó, bánh trung thu không chỉ có độ béo và ngọt rất cao mà còn chứa nhiều năng lượng. Vì vậy, việc sử dụng bánh trung thu nhiều có thể ảnh hưởng tới sức khỏe của bạn và gia đình, đặc biệt với những người thừa cân-béo phì, đái tháo đường, tim mạch, cũng như các bệnh mạn tính khác.

“Nên đọc thành phần dinh dưỡng để biết các thông tin về năng lượng, chất béo, chất bột đường,... có trong bánh để biết có phù hợp với sức khỏe, thể trạng của mình hay không. Nên ăn miếng nhỏ, ăn ít; đặc biệt cần tham khảo ý kiến của bác sĩ đối với các người bệnh đái tháo đường, tim mạch, thừa cân-béo phì và đang mắc các bệnh mạn tính khác”, Bác sĩ Nguyễn Trọng Hưng tư vấn.

Thu Hà

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất


Các anh đã biết về 'quy tắc con số 4' chưa?