Hà Nội sẽ điều xe mỗi tỉnh về 1 bến?
Tin liên quan
Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Vũ Văn Viện cho biết, theo chỉ đạo mới nhất của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, việc điều chuyển xe khách phải đảm bảo công bằng, cạnh tranh lành mạnh, nên chắc chắn TP sẽ điều xe mỗi tỉnh về một bến (thay vì xe một tỉnh vừa vào bến Nước Ngầm, vừa vào bến Giáp Bát như hiện nay).
Chủ trương này xuất phát từ chính đề xuất của các DN vận tải để tháo gỡ khó khăn cho DN và cũng được Chủ tịch TP chỉ đạo trước đây.
Điều xe mỗi tỉnh về một bến để các nhà xe cạnh tranh lành mạnh bằng chất lượng dịch vụ
Việc điều chuyển có thể sẽ ảnh hưởng bước đầu đến một số DN, nhưng về nguyên tắc mỗi tỉnh về một bến sẽ tốt hơn. Phương án này không chỉ tạo điều kiện cho các DN cạnh tranh với nhau bằng chất lượng dịch vụ mà còn tạo thói quen cho hành khách.
“Hiện nay cứ nói đi Vinh (Nghệ An) là người dân nghĩ ngay đến bến xe Nước Ngầm, khác với tình trạng xe mỗi tỉnh ở 2 bến dẫn đến việc khách không biết đi xe giờ nào ở bến nào”, ông Viện dẫn chứng.
Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cũng cho hay, việc điều chuyển xe mỗi tỉnh về một bến dự kiến sẽ thực hiện trong quý 2. Trong tháng 4 này sẽ rà soát xong phương án để trình TP và Bộ GTVT phê duyệt trước khi triển khai.
“Cái khó nhất hiện nay là sắp xếp tỉnh nào về bến nào, bởi các DN đang hoạt động ổn định tại Giáp Bát, thuận tiện hơn nên không muốn về Nước Ngầm, ngược lại ở bến Nước Ngầm lại không muốn về Giáp Bát”, ông Viện nói.
Cho rằng, giải pháp điều xe mỗi tỉnh về mỗi bến là hợp lý, ông Nguyễn Văn Huyện - Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ VN cho rằng, dựa vào công suất thực tế của hai bến xe Giáp Bát và Nước Ngầm có thể xem xét bố trí tuyến Nghệ An, Thái Bình về bến Nước Ngầm, còn tuyến Thanh Hóa, Nam Định về bến Giáp Bát…
Trước đó, trong phương án được Sở GTVT Hà Nội xây dựng, toàn bộ các tuyến đi Nam Định, Thái Bình, Ninh Bình tại bến Nước Ngầm về Giáp Bát với tổng cộng 388 chuyến/ngày của 67 DN vận tải; 234 tuyến/ngày của 40 DN vận tải chạy tuyến Thanh Hóa tại bến Giáp Bát về Nước Ngầm.
Xung quanh việc một số nhà xe tuyến Thái Bình đề xuất muốn được chuyển từ bến Nước Ngầm về bến Yên Nghĩa, ông Viện nói rõ, việc điều chuyển phải đúng quy hoạch, đúng hướng tuyến. Việc nhà xe xin về bến Yên Nghĩa là trái với hướng tuyến, Sở không làm khác được.
Khó xử lý xe dù
Trước tình trạng xe dù, xe hợp đồng trá hình hoạt động bát nháo thời gian qua, Sở GTVT sẽ cùng với các lực lượng chức năng của TP xử lý nghiêm. Sở sẽ chỉ đạo thanh tra giao thông xử lý tập trung ở khu vực Mỹ Đình.
Xe Limousine hoán cải từ 16 chỗ xuống 9 chỗ ngồi để lách luật, luồn lách khắp ngõ ngách đón khách
Tuy nhiên, ông cũng nêu thực tế, có tình trạng xe hợp đồng lách luật, nhất là xe Limousine hoán cải từ 16 chỗ xuống còn 9 chỗ khiến việc xử lý gặp khó khăn.
“Xe từ 16 chỗ trở lên nhà xe phải báo cáo về Sở, còn 9 chỗ trở xuống thì không. Do vậy các nhà xe đã lách luật hoán cải xe để tránh bị kiểm soát của cơ quan chức năng”.
Trước mắt TP sẽ yêu cầu các nhà xe không được hoán cải xe, mà việc này phải quy định ngay từ luật Đăng kiểm.
Ngoài ra, xe chở khách phải có phù hiệu để chịu sự quản lý như phương tiện vận tải khách tuyến cố định, nếu xe dưới 9 chỗ thì xem như taxi chứ không thể để tình trạng xe thích chạy ở đâu, bất cứ lúc nào cũng được.
“Thực tế này cơ quan quản lý đang nghiên cứu để sửa đổi”, ông Viện nói.
Theo ông Nguyễn Văn Huyện, để xử lý dứt điểm xe hợp đồng trá hình thì cần phải sửa đổi nghị định 86. Trong đó cần quy định rõ xe kinh doanh chở khách phải lắp thiết bị giám sát hành trình và hành trình không được trùng lặp trong hợp đồng. Nếu phát hiện trùng lặp xe chạy từ 20-30% trong tháng, có thể xử lý theo quy định của pháp luật.
Theo Vũ Điệp/VNN
Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!
Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất