Gia đình con một ở Hà thành: Đưa rước tận nơi, ăn đồ nhập khẩu

Lương Chi 2017-03-23 06:50
- Không chỉ đổ tiền chăm con ăn uống, nhiều gia đình con một sẵn sàng mua cho con những đồ công nghệ đắt tiền, đồ ăn nhập ngoại để tẩm bổ.

Phụ huynh dốc tiền bạc bao bọc con quá mức 

Vợ chồng anh P. (Bắc Ninh) có một cậu con trai năm nay học lớp 9. Quyết định không sinh thêm con cũng đồng nghĩa vợ chồng anh dồn tất cả tiền bạc, sự chăm sóc cho con. Con đã lớn nhưng mỗi sáng vợ chồng anh vẫn tự tay chuẩn bị cho con sách vở, quần áo hay lấy kem đánh răng...

"Vì công việc bận rộn, vợ chồng tôi không thể đưa con đi học nên đã thuê một người lái xe ôm với mức 5 triệu đồng/tháng. Người này chỉ có nhiệm vụ đưa đón con, thậm chí để ý là giám sát ở cổng trường khi con đi học", anh P. cho biết.

Theo lời anh P., không chỉ thuê người đưa con trai đi học mà đồ dùng hàng ngày như sữa tắm, dầu gội, kem đánh răng, hoa quả cho con, vợ chồng anh đều phải mua hàng nhập khẩu. Được biết, mỗi tháng gia đình anh chi 15 triệu đồng cho chuyện ăn uống của cậu con trai mình.

"Khổ không mua đồ nhập ngoại không được vì con bảo ăn đồ nội không ngon, vị không lạ. Bởi thế, dù tốn kém, vợ chồng tôi cũng phải mua cho con ăn hàng ngày".

Gia đình con một ở Hà thành: Đưa rước tận nơi, ăn đồ nhập khẩu

Những đứa trẻ trong gia đình một con sẽ nhận được nhiều tình yêu thương và chiều chuộng hơn.

Ảnh minh họa

Gia đình chị H. (Hà Nội) chỉ có T. là cô con gái duy nhất. Sau khi sinh con đầu lòng, chị H. bị tắc ống dẫn trứng nên không thể sinh thêm con thứ 2. Do đó, nghiễm nhiên T. là con một. Cũng chính vì vậy, từ nhỏ T. đã được bố mẹ cưng chiều đặc biệt.

Dù mới chỉ học THPT nhưng T. thường xuyên được bố mẹ mua các đồ công nghệ đắt tiền và thời thượng nhất như iPhone, Macbook Air, máy ảnh chuyên nghiệp... Tủ đồ của cô gái trẻ này còn có hàng trăm bộ và tất nhiên quần áo hầu hết là hàng hiệu.

"Con tôi đã học cấp 3 nhưng chẳng bao giờ tự đi xe máy hay xe đạp. Tôi và chồng sở hữu 2 xe ô tô nên thay nhau đưa đón con. Hôm nào vợ chồng đi làm về muộn thì gọi số taxi quen để đưa con về nhà. Ngày 8/3 vừa rồi, quà tặng con gái, chồng tôi cũng mua cho con iPhone 7 mức giá khoảng 20 triệu đồng khiến con thích mê", chị H. tâm sự.

Nỗi lo con hư, tai nạn bất trắc

Dù bao bọc con quá mức, thế nhưng những ông bố bà mẹ có con một luôn lo lắng thường trực con gặp tai nạn, hư hỏng hay bị dụ dỗ lôi kéo. Như trường hợp của chị H. từng chứng kiến câu chuyện của một người hàng xóm có con một qua đời sau tai nạn ngay gần nhà.

"Từ khi con trai qua đời, vợ chồng nhà hàng xóm sống thui thủi một mình. Chưa kể nỗi đau, nhớ con cứ giằng xé mãi qua nhiều năm chưa nguôi. Cho nên, giải pháp tôi chọn là bao bọc con kỹ càng từ trong nhà đến ra ngõ hay khi đi đường để con luôn an toàn", chị H. khẳng định.

Luôn tự nói bản thân kém may mắn hơn nhiều người, ông X. (Hà Nội) chỉ có một cô con gái. Thuở nhỏ, ông bà dành hết tình yêu thương, tiền bạc cho con. Thế nhưng, trong một phút đua đòi cô gái theo bạn bè lêu lổng. Năm nay đã hơn 30 tuổi nhưng con gái ông vẫn đi cùng bạn bè thâu đêm suốt sáng.

"Vợ chồng tôi vò võ một mình. Có những khi Tết nhất, con chẳng về vì còn đi du lịch với bạn bè. Con gái tôi hư hỏng từ khi còn học cấp 2. Tôi nghiêm khắc nhưng bà nhà tôi thì buông tay khỏi con nên nó bị bạn bè xấu lôi kéo lúc nào không hay", ông X. buồn bã tâm sự.

Kỷ luật thép và đưa con lên vùng xa 

Anh Nguyễn Văn Nguyên (Hà Nội) là con trai duy nhất của một gia đình gia giáo. Anh được hưởng một môi trường chăm sóc tốt từ bé và đã từng giành học bổng đi du học Pháp. Mặc dù có cơ hội được ở lại Pháp làm việc nhưng anh vẫn trở về Việt Nam để ở gần bố mẹ.

Gia đình con một ở Hà thành: Đưa rước tận nơi, ăn đồ nhập khẩu

Rèn luyện nhân cách từ bé sẽ giúp đứa trẻ là con một trong gia đình có tính tự lập hơn, thiên hướng về gia đình nhiều hơn. Ảnh minh họa.

Chàng trai này cho biết, để có được ngày hôm nay chính là nhờ sự uốn nắn nghiêm khắc của bố mẹ. Mặc dù là con một nhưng bố Nguyên luôn đưa kỷ luật thép trong việc dạy dỗ con.

"Từ khi còn cấp 2, bố tôi đi công tác vùng sâu vùng xa đã đưa tôi đi cùng để con cảm nhận và trải nghiệm cuộc sống ở những nơi khó khăn. Có khi tôi phải ăn cơm với nước mắm, rồi đi bộ nhiều km cùng với bố để biết thế nào là vất vả. Chính những lúc đó, tôi đã trưởng thành hơn rất nhiều", anh Nguyên nói.

TS Khuất Thu Hồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển xã hội cho rằng: "Thực sự hiện nay hầu hết các gia đình đều không muốn sinh nhiều con, việc nuôi một đứa trẻ rất khó khăn, các cặp vợ chồng đều nhận thấy bây giờ nuôi con cần tập trung vào chất lượng làm sao cho con mình có điều kiện về mặt sức khỏe, học hành, nếu sinh đẻ nhiều con không thể đảm bảo được những điều đó. Hiện tại đại đa số gia đình không muốn sinh nhiều con, ở TP HCM mức sinh là khá thấp".

TS tâm lý Lê Thị Phương Hoa (Trưởng Bộ môn tâm lý học - ĐH Sư phạm Thái Nguyên) cho biết: "Thông thường, những đứa trẻ trong gia đình chỉ có một con sẽ có tâm lý khác đối với những đứa trẻ trong gia đình có đông anh chị em.

Đối với hầu hết các bậc phụ huynh, khi chỉ có một đứa con cũng giống như mình chỉ có một khối tài sản và dồn toàn bộ sự quan tâm. Chính điều này khiến con có lối sống ích kỷ và thiếu kĩ năng, đặc biệt là những kỹ năng chăm sóc, tự lo cho bản thân mình.

Muốn chiều chuộng, yêu thương con nhưng vẫn cho trẻ những kỹ năng sống cần hướng dẫn và làm mọi việc cùng con để con hình thành nhân cách, thói quen tốt từ bé".

Lương Chi

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất


Sài Gòn đi đâu mùa Giáng Sinh?