Đọc cuốn sách về lối sống tối giản của người Nhật, người phụ nữ thay đổi căn phòng bừa bộn của gia đình thành nơi ở gọn gàng

2020-07-01 07:10
- Căn phòng của gia đình chị Phượng Ân đã thay đổi và trông gọn gàng hơn rất nhiều.

Thay đổi từ một cuốn sách

Trước khi căn phòng được thiết kế theo phong cách tối giản, Huỳnh Hồ Phượng Ân (sống ở Tp.HCM) cho biết vẫn dọn dẹp cẩn thận nhưng bừa bộn vì quá nhiều đồ đạc. Một số đồ đạc không dùng đến nhưng vẫn tích trữ mà không bỏ đi vì tiếc hoặc thường có thói quen để các đồ đạc trong tầm mắt khi cần sẽ lấy cho nhanh.

Nhìn chung nếu không áp dụng cách sống tối giản, chị Phượng Ân còn có suy nghĩ hay đập nhà xây lại vì có thể phòng mới đỡ bừa bộn hơn. Vậy nhưng, đó là điều không thể. Bà mẹ 2 con này cũng như nhiều người vẫn thường có thói quen tích trữ đồ nên càng làm cho căn phòng thêm lỉnh kỉnh các thứ.

"Đó là thói quen chung của người Việt, nhất là những người có tuổi thơ khốn khó, vất vả, ba mẹ tôi cũng vậy. Tôi suốt ngày mang đồ cũ, đồ ít dùng của ba, của mẹ đi cho, đi bán ve chai...", chị Phượng Ân kể.

Không chỉ có ba mẹ mà bản thân chị Phượng Ân cũng cho rằng bản thân cũng thường tích trữ nhiều đồ. Có nhiều món đồ để gần 10 năm không dùng đến, mỗi lần dọn vẫn không chịu vứt đi vì tiếc hoặc suy nghĩ biết đâu còn có lúc sử dụng.

Nhưng mọi thứ đã thay đổi khi cô đọc được quyển sách "lối sống tối giản của người Nhật". Theo Phượng Ân, cuốn sách này được một người bạn cho mượn.

"Cuốn sách này quá nổi tiếng rồi, lối sống tối giản là cách sống cắt giảm vật dụng xung quanh đến mức tối thiểu, ít đồ đạc và bản thân để tâm nhiều hơn tới hạnh phúc... đó là chủ đề của cuốn sách này", Phượng Ân bật mí. 

Theo Phượng Ân, cách sống tối giản không hẳn là sống tiết kiệm. Những người sống tối giản rất tiết kiệm với những thứ không cần thiết trong cuộc sống hay không đem lại hạnh phúc cho họ, nhưng lại rất hào phóng với những thứ thực sự mang lại giá trị cho cuộc sống. "Họ có thể cân nhắc rất lâu khi mua một cái quần, cái áo, nhưng sẵn sàng chi cả vài chục triệu cho một trải nghiệm chỉ trong vài phút, một chuyến du lịch, một khóa học... Tôi đang suy nghĩ và hành động như vậy", chị Phượng Ân bày tỏ.

Căn phòng khi chưa sửa chữa.

Điều khiến cho Phượng Ân thích thú là giọng văn của tác giả Sasaki Fumio, đơn giản mà có chút gì đó hài hước nên rất dễ đọc và cảm nhận.

"Tôi có ý định sửa lại phòng vào đợt dịch Covid-19 vừa rồi. Vì ở nhà nhiều, nên thật sự cảm thấy không gian sống vô cùng quan trọng và muốn thay đổi nó. Tôi tham khảo ý kiến của một người bạn là kiến trúc sư, lên dự toán chi phí và trao đổi cùng ông xã, anh ấy đồng ý là bắt tay vào làm", Phượng Ân chia sẻ.

Thay đổi phòng theo hướng tối giản

Nói về căn phòng, Phượng Ân cho hay, diện tích chỉ 2m8x7m. "Ý tưởng của tôi là làm giường tầng, bố mẹ tầng dưới, con tầng trên. Giường cũ vẫn còn tốt, là màu trắng, dễ đồng bộ với thiết kế mới nên  giữ lại để tiết kiệm chi phí", chị Phượng Ân chia sẻ.

Còn tủ sắt và tủ gỗ trắng nhỏ cho người khác, sắm hệ tủ mới gồm 1 tủ lớn 3 cánh mở, 1 tủ lùa 2 cánh và 1 cầu thang kèm hộc tủ kéo để lưu trữ quần áo của cả nhà, cùng các vật dụng khác như chăn/gối...Trần thạch cao vẫn còn dùng tốt nên được giữ lại (phía trên là sân thượng trống, có tác dụng giảm nóng), chỉ dán tường màu trắng để làm phòng rộng ra và thay bộ rèm cửa cho đồng bộ.

Không gian sống đã thay đổi.

"Thật ra tôi còn muốn lát sàn nhựa giả gỗ nữa, nhưng kinh phí có hạn nên tạm thời như vậy là tôi hài lòng rồi. Đồ gỗ thì tôi chọn tone trắng phối vân gỗ để nhìn căn phòng vừa sáng sủa, vừa ấm áp. Tôi tự mua sơn đen về sơn lại cánh cửa sắt (cửa cũ màu xám), sau đó thợ gỗ ốp mấy miếng gỗ lên cửa cho mình, nhìn vẫn đồng bộ mà không cần thay cả cửa mới", chị Phượng Ân kể.

Kệ để đồ được gia đình  tận dụng lại kệ gỗ 4 tầng cũ, sắm thêm các giỏ đan lục bình, dùng để chứa các vật dụng nhỏ thường dùng như thuốc men, vật dụng mang đi du lịch, các thiết bị điện nhỏ (đèn pin, đèn sạc, dây sạc, loa...), ưu tiên các vật dụng thiên nhiên. 

"Phòng nhỏ hẹp nên tôi chọn màu trắng để nhìn phòng sáng và rộng ra. Tôi chỉ chọn trắng thuần chứ không chọn hoa văn vì muốn mọi thứ càng đơn giản càng tốt", chị Phượng Ân trải lòng.

Với phòng có chiều cao trần rất hạn chế, Phượng Ân cho rằng giường tầng là giải pháp tối ưu. "Sau khi trao đổi chi tiết, thợ gỗ gia công tại xưởng hết tầm 1 tuần và lắp đặt hết 3 ngày. Trong thời gian đó, tôi đồng thời gọi thợ đến dán tường, may rèm cửa và dời vị trí máy lạnh", Phượng Ân bày tỏ.

Phần trang trí còn lại do Phượng Ân tự làm. Kinh phí dự toán ban đầu khoảng 40 triệu, sau đó có nhỉnh hơn một chút song cô vẫn thấy hài lòng.  Trong đó, giường, tủ, cầu thang hết 31 triệu, dán tường 3,3 triệu, rèm 2,7 triệu. Các vật dụng sắm thêm là keek treo đồ 449.000 đồng, thùng pallet gỗ 77.000 đồng, set 10 cái móc gỗ 80.000 đồng, set 5 giỏ đan lục bình 650.000 đồng, set 3 sọt lục bình có nắp để đựng rác, quần áo bẩn, đồ đạc khác 530.000 đồng, gương đứng toàn thân 790.000 đồng, đèn LED 90.000 đồng...

Mọi thứ tối giản, gọn gàng hơn.

Sau khi sửa chữa xong, chị Phượng Ân cảm thấy hài lòng với căn phòng mới. "Tôi cũng hạn chế mua thêm đồ đạc mới, đa số những thứ tôi cần dùng đã có đủ, càng ít đồ, càng rộng rãi thì càng thoải mái", chị Phượng Ân chia sẻ.

Anh Minh

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất

Khả Ngân: Từ hot girl vướng nhiều lùm xùm đến diễn viên sáng giá