Đồ chơi Trung thu: Ông "vua tàu thủy" và cuộc độc hành giữa Thủ đô

Chanh Tiên 2014-09-07 18:43
- (Em đẹp) - Người làm tàu thủy đồ chơi cuối cùng của làng Khương Hạ (Hà Nội) tiếc nuối nói: "Xóm đồ chơi giờ chỉ còn là tên gọi trong dĩ vãng thôi. Cái tên “vua tàu thủy” dành cho cha rồi đến tôi cũng thành dĩ vãng”.
Đến nhà anh Nguyễn Văn Mạnh Hùng nghệ nhân duy nhất còn lại của xóm Hồng (nay là Khương Đình, Thanh Xuân, Hà Nội), anh vẫn đang miệt mài làm những chiếc tàu thủy sắt… Nếu như trước đây, anh Hùng ngồi trong một ngôi nhà bừa bộn đồ làm tàu thủy sắt, ngổn ngang tôn thiếc, rộn rã tiếng gò hàn… năm nay ngôi nhà bỗng sạch sẽ và yên ắng lạ thường. Chỉ một mình anh Hùng ngồi lủi thủi cắt, gò những mảnh thiếc bé xíu…

Vua tàu thủy “vang bóng một thời”


Xóm Hồng, làng Khương Hạ từ hàng trăm năm qua đã nổi tiếng khắp trong Nam ngoài Bắc với nghề gò hàn đồ thiếc như thùng, xô, chậu thiếc và đồ chơi tinh xảo cho trẻ con mỗi khi đến mùa trung thu. Dù cùng một nguyên liệu là tôn, thiếc, nhưng đồ chơi xóm Hồng có nhiều kiểu dáng, mẫu mã độc đáo như chiếc lồng đèn trái đào tiên, bướm lượn, thỏ ngọc đánh trống… Và “đỉnh cao” của những món đồ chơi ấy phải kể đến tàu thủy- chiếc tàu thủy đẹp như thật và di chuyển được trong chậu nước hay ao làng - một thời làm trẻ con mê đến độ quên ăn quên ngủ…

Vừa nhâm nhi ly nước, anh Nguyễn Văn Mạnh Hùng - người duy nhất còn làm tàu thủy sắt thủ công, được mệnh danh là “ông vua tàu thủy” vừa chậm rãi kể: “Tôi không nhớ là từ khi nào đã có nghề này, chỉ biết rằng, lớn lên tôi đã thấy cả xóm có nghề làm đồ chơi. Cùng làm đồ chơi Trung thu mhưng trong xóm mỗi nhà chuyên một sản phẩm như nhà chuyên làm thỏ đánh trống, nhà chuyên sản xuất ôtô và bướm… Còn gia đình tôi là “trung tâm sản xuất tàu thủy” với những chiếc tàu vừa chạy trên mặt nước vừa nhả khói, phát tiếng kêu như tàu thật”.


Sản phẩm từng là niềm mơ ước của con trẻ ngày Trung thu

Vừa nói anh Hùng vừa cầm chiếc tàu thủy từ trên bàn thờ cụ Nhâm (bố của anh Hùng) xuống cho tôi xem. Chiếc tàu thủy chỉ dài độ gang tay, không chỉ được sơn màu rực rỡ, có đủ cả ống khói... mà còn có bộ phận đốt nóng là chiếc đèn dầu nhỏ để đẩy thuyền đi. Điều đặc biệt nhất là khi đốt dầu, tàu vừa chuyển động được trên mặt nước lại vừa có tiếng nổ giòn như tàu thật.

Anh Hùng kể, thời Pháp thuộc, trẻ con Tây cũng mê tít vì hiện đại hơn cả đồ chơi từ “chính quốc” gửi sang. Mỗi bận Trung thu về, các chủ cửa hiệu đồ chơi ở Hà Nội, các tỉnh và cả bên Trung Quốc phải đến chầu chực ngày đêm chờ lấy hàng. Hồi ấy, không chỉ gia đình anh mà cả xóm Hồng cứ dịp Trung thu là làm không hết việc. Riêng gia đình anh, mỗi năm bán ra vài nghìn chiếc tàu thủy sắt.

Nhớ lúc 10 tuổi, anh Hùng đã thạo nghề, cùng gia đình phụ giúp ông, cha làm những chiếc tàu thủy sắt. Nguyên liệu để làm những chiếc tàu thủy là những chiếc ống bơ, hộp thiếc đã qua sử dụng. Sau đó được rửa sạch rồi cán phẳng ra để cắt, ghép thành những hình thù theo ý muốn.


Anh Hùng bên những chiếc tàu thủy vừa làm

Anh Hùng chia sẻ, để làm chiếc tàu thủy chạy được trên mặt nước cũng khá phức tạp và là bí quyết của dòng họ được truyền từ đời này sang đời khác. Phải tính toán cân đối giữa độ dài, chiều rộng, chiều cao của tàu, đặt phao hai bên sao cho nước chỉ ngập đến mức nhất định để đẩy tàu đi.

Thế nhưng, anh Hùng ngậm ngùi kể, trước áp lực của nền kinh tế thị trường, hầu hết nghệ nhân nơi này đều giải nghệ. Cho đến thời của cha anh, cụ Nguyễn Văn Nhâm là người cuối cùng của làng còn bám trụ. Rồi cụ ra đi, ước mơ truyền nghề gửi lại cho người con trai út chính là anh. Thê nên anh Hùng mới nói: "Xóm đồ chơi giờ chỉ còn là tên gọi trong dĩ vãng thôi. Cái tên “vua tàu thủy” dành cho cha rồi đến tôi cũng thành dĩ vãng”.

Tàu thủy xưa lạc vào ký ức

Còn nhớ cách đây vài năm, anh Hùng được Bảo tàng Dân tộc học mời ra trình diễn làm đồ chơi tại đây. Những sản phẩm của anh trưng bày tại Bảo tàng đã thu hút sự quan tâm của du khách. Một Công ty Thương mại của Pháp đã đặt ngay một lô hàng hơn trăm chiếc tàu thủy.

Từ đó, nơi giới thiệu và tiêu thụ chính đồ chơi của anh Hùng là Bảo tàng Dân tộc học. Mỗi năm tiêu thụ vài trăm chiếc những ngày gần Trung thu, còn lại, anh mang lên phố Hàng Thiếc chào bán. Những chiếc tàu thủy nhỏ xinh được làm thủ công vẫn mang một sức hấp dẫn riêng, đặc biệt là du khách nước ngoài. Dĩ nhiên, họ mua về để bày, để ngắm, để hoài cổ chứ không phải để chơi.


Anh Hùng cắt nguyên liệu làm tàu thủy

Thế nhưng, khách hàng mỗi năm mỗi vắng, công việc càng ngày càng ít. Dịp Trung thu này, anh cũng chỉ bán được gần trăm chiếc. Điều ấy lại càng khiến anh lo sợ, chỉ một hai thế hệ nữa thôi, sẽ chẳng còn ai nhớ tới sự tồn tại của loại đồ chơi truyền thống này.

Hồi còn sống, cha anh Hùng - cụ Nhâm đã luôn đau đáu khát vọng truyền nghề. Ông sẵn sàng mở lớp dạy nghề, thậm chí dạy cả bí quyết gia truyền, nhưng rơi vào bế tắc. Lấy đâu ra kinh phí cho các cháu theo học, liệu còn ai đam mê nghề thủ công này nữa không. Học rồi mà sản phẩm không tiêu thụ được, các cháu lại bỏ thì truyền nghề cũng vô dụng. Giờ cụ Nhâm đã ra đi, trăn trở ấy lại gửi lại cho anh Hùng. Làm thế nào để giữ nghề…?

Anh Hùng ngậm ngùi kể, hai cô con gái của anh giờ đã lớn nhưng cũng không mặn mà với nghề xưa: “Thì thôi, chúng nó cũng có ước mơ của riêng mình, mình không thể cấm cản hay ép buộc”. Bản thân anh Hùng vẫn có một giấc mơ, tự mở lớp để truyền lại những bí quyết, để những chiếc tàu thủy nhỏ xinh không lạc vào ký ức. Nhưng cũng như cha anh, giấc mơ ấy vẫn còn xa lắm...

Mùa Trung thu và những câu chuyện đa màu sắc

Tặng bánh mùa Trung Thu: "Hết phú quý bớt sính lễ nghĩa"

Bánh Trung thu "homemade": Làm mướt mồ hôi vẫn "cháy" hàng

Người Hà Nội háo hức ngắm đèn lồng cá chép đạt kỷ lục Guiness



Tiên Chanh
logo smaill

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất

Hồng Đăng và Thanh Hương nói gì khi được nhận tiền hỗ trợ do ảnh hưởng Covid-19?