Cúng ông Công ông Táo: Thả cá chép thế nào mới đúng?

2017-01-19 17:35
- Trong lễ cúng Táo quân ngày 23 tháng Chạp, mọi nhà thường thả cá chép với quan niệm cá chép hóa rồng, đưa ông Táo chầu trời.

Hàng năm cứ vào ngày 23 tháng Chạp, các gia đình lại làm cơm tiễn ông Công ông Táo về trời. Theo tín ngưỡng dân gian, người ta tin rằng, vào ngày này, Táo quân ở mỗi gia đình sẽ cưỡi cá chép để lên thiên đình, báo cáo với Ngọc Hoàng công việc làm ăn, bếp núc trong năm qua. Cũng chính bởi vậy mà ngoài mâm cỗ cúng, người Việt còn có tục thả cá chép để đưa tiễn Táo quân.

Trong văn hóa các nước phương Đông nói chung và Việt Nam nói riêng, cá chép là một biểu tượng quen thuộc gắn liền với đời sống vật chất, tinh thần của con người.

Cá chép trong tiếng Hán có cách đọc gần giống với chữ “dư”, tức dư thừa, do đó loại cá này mang ý nghĩa uớc vọng về sự no đủ, an lành, thịnh vượng. Cá chép được biết đến với truyền thuyết cá chép vượt Vũ môn hóa rồng là biểu tượng cho sự kiên trì, bền bỉ, ý chí vươn lên cùng khát vọng về sự đỗ đạt trong thi cử, công danh. Việc thả cá chép ngày 23 tháng Chạp không chỉ mang quan niệm tiễn ông Táo về trời, mà còn thể hiện ước nguyện của dân gian về một năm mới khang thịnh, vạn sự tốt lành.

Cúng ông Công ông Táo: Thả cá chép thế nào mới đúng?

Nói về phong tục thả cá chép, Thượng tọa Thích Thanh Huân, trụ trì chùa Pháp Vân, Phó văn phòng Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam cho biết, sau khi hóa vàng, cá chép được đem thả ở ao hồ, sông suối gần nhà.

Theo quan niệm dân gian truyền lại, cá chép cũng nên được thả trước 12 giờ trưa ngày 23 sẽ kịp để tiễn ông Táo về trời. Xét từ góc độ Phật giáo, Thượng tọa cho rằng phóng sinh cá chép còn thể hiện sự từ bi, hỉ xả cũng như truyền thống nhân đạo của nhân dân ta.

Không chỉ mang đậm các giá trị về mặt tâm linh, tín ngưỡng, thả cá chép xét về khía cạnh môi trường còn góp phần làm đa dạng sinh học tại những khu vực cá được thả. Tuy nhiên trên lý thuyết là vậy, còn thực tế có hay không lợi ích về môi trường vẫn còn là điều đáng bàn.

Những năm gần đây, sau mỗi dịp 23 tháng Chạp, trên mặt hồ lại nổi lềnh phềnh những túi nilon, thậm chí có cả cá chết nổi trong túi do người dân chỉ “quẳng” cả túi cá xuống hồ mà không thả đúng cách. Thêm nữa, cá chưa thả, đã có người đứng đợi câu. Như vậy vô tình đã làm mất đi giá trị tốt đẹp vốn có của tục thả cá chép.

Thả cá chép không khó, tuy nhiên không phải ai cũng biết thả đúng cách. Nói về vấn đề này, Thượng tọa Thích Thanh Huân tiếp: “Thả cá chép là một trong những tục gắn liền với ngày ông Công ông Táo. Thả cá vốn có những ý nghĩa rất đẹp. Nhưng khi thả cần đưa cá chép về đúng vào môi trường mà cá có thể sinh sống. Không nên ném cả túi cá xuống hồ, làm cá không thể thoát ra ngoài. Như vậy không những làm mất đi ý nghĩa tâm linh mà còn gây ô nhiễm môi trường. Ngoài ra khi mua cá cũng nên chọn những con cá trông nhanh nhẹn, không bị bong vảy”.

Cúng ông Công ông Táo

Hiện nay ngoài cá chép thật, nhiều gia đình mua luôn cá chép giấy về “hóa”. Theo Thượng tọa Thích Thanh Huân, ngày ông Công ông Táo đốt cá giấy hay thả cá thật đều được. Tuy nhiên, cá chép sống vẫn có những ý nghĩa riêng, nếu dùng cá giấy, có thể đến một giai đoạn nào đó, lại kéo theo những biến tướng của “phương tiện” tiễn Táo quân trong thị trường hàng mã.

Theo VOV

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất


Không chung huyết thống nhưng các mỹ nữ này lại giống nhau tới khủng khiếp