Cô gái Kinh miền xuôi và hơn 20 năm lên miền ngược làm dâu, làm vợ người dân tộc Thái

2017-02-01 09:00
- Lên miền ngược và làm dâu một gia đình dân tộc Thái nhiều năm, chị Phương đã phải vượt qua nhiều khó khăn chật vật của những ngày đầu nhưng vẫn giữ được sự hài hòa trong nếp sống của 2 dân tộc.

Chị Nguyễn Thị Minh Phương (Nghệ An) là người dân tộc Kinh và đã về làm dâu một gia đình người dân tộc Thái đã hơn 20 năm nay. Sinh sống và làm việc giữa vùng núi rẻo cao Kỳ Sơn - Nghệ An nhiều năm qua, người phụ nữ này vừa chăm sóc chu toàn với gia đình nhà chồng, vừa giữ được sự hài hòa trong nếp sống của hai dân tộc.

Chị Phương và anh Lương Văn Hiên gặp nhau trên giảng đường Đại học khi anh chị học chung ngành Sư phạm tại trường ĐH Vinh. Cảm động trước tình cảm chân thành của anh chàng người dân tộc Thái hiền lành, chân chất, chị Phương đã nhận lời yêu anh Hiên. Sau khi tốt nghiệp, chị Phương theo anh lên huyện Kỳ Sơn - vùng miền núi nghèo nằm sát biên giới Việt Lào để sinh sống

"Lúc tôi ngỏ ý với gia đình theo anh Hiên về quê Kỳ Sơn làm dâu, gia đình phản đối kịch liệt. Vì cuộc sống ở miền xuôi đang khấm khá, bỗng dưng đòi lên vùng núi khó khăn sinh sống, lại bắt đầu từ hai bàn tay trắng nên bố mẹ, anh em trong nhà nhất quyết không cho. Nhưng tôi thuyết phục, dần dần nên gia đình cũng đồng ý cho tôi cưới chồng và ở quê chồng", chị Phương kể lại.

"20 năm về trước, cuộc sống của người Kỳ Sơn còn có rất nhiều khó khăn, cái gì cũng thiếu thốn. Hai vợ chồng tôi tốt nghiệp Sư phạm nên xin vào dạy học ở trường cấp III. Ngoài những lúc dạy học, tôi tìm cách nuôi thêm lợn, trồng thêm rau để bán. Còn chồng thì quăng chài bắt cá đổi lấy gạo kiếm thêm bữa ăn", người phụ nữ này nhớ lại.

Cô dâu dân tộc Kinh đảm đang khi về làm dâu nhà chồng dân tộc Thái

Sau nhiều năm là dâu gia đình dân tộc Thái, chị Phương vẫn giữ được nếp sống hài hòa giữa hai dân tộc, vun vén hạnh phúc gia đình mình.

Những ngày đầu về làm dâu xứ lạ, chị Phương gặp khá nhiều khó khăn trong cuộc sống. Bởi vì, chị phải làm quen với những phong tục tập quán của người dân tộc Thái, đặc biệt là rào cản ngôn ngữ khiến chị không thể giao tiếp thường ngày cùng mọi người. Ngoài ra, việc đi chợ mua đồ ăn hàng ngày với chị khi ấy cũng rất khó khăn.

Người vợ này khoe khoang: "Tôi phải nhờ chồng phiên dịch giúp khi nói chuyện với họ hàng nhà chồng. Khi đi dạy học, các em học sinh người dân tộc cũng giúp tôi học tiếng. Về nhà thì chồng lại dạy thêm cho nên vốn từ cũng dần dần tăng lên. Hiện tôi đã có thể nói chuyện như người bản địa tại đây".

Bên cạnh việc học tiếng, chị Phương cũng phải làm quen với những món ăn dân tộc tại đây. Cách đây cả chục năm, Kỳ Sơn vẫn đang là một vùng đất nghèo đói, bữa cơm hàng ngày nếu không có thịt thú rừng thì sẽ là rau rừng luộc chấm muối ớt.

Trong bữa ăn thường ngày của người dân tộc Thái tại Kỳ Sơn thường có món chẻo được làm từ hành lá và nước chấm làm từ ruột cá. Chẻo được làm bằng cách nướng lá hành và ớt cay rồi đâm nhỏ trộn cùng với muối. Còn nước chấm thì lấy ruột cá trộn với tiêu rừng, ớt rồi đảo trên lửa nhỏ. Những thứ gia vị này thường được dùng để chấm xôi, măng rừng, rau rừng luộc. 

"Trong bữa cơm thường ngày cũng có một số món lạ như ù rù hay nạm nhooc, những món này thường được làm từ rêu đá và cá sông. Trong những ngày đầu làm dâu, tôi không thể nào ăn được chúng vì không quen hương vị".

Phải mãi về sau, chị Phương mới tập ăn và làm được những món ăn đặc trưng này. Hiện trong mỗi bữa cơm, chị luôn nấu đủ đồ ăn của cả hai dân tộc để chồng con cùng thưởng thức.

"Phụ nữ Thái khi cưới chồng thì phải búi tóc lên trên đỉnh đầu, nhưng vì tôi là người Kinh nên không phải làm theo lệ ấy. Ngoài ra, người Thái có một tập tục là con dâu, con rể không được bước vào không gian thờ cúng. Lúc mới về tôi không biết tập tục này, mãi về sau được mọi người nhắc nhở mới biết.

Nhưng khoảng chục năm trở lại đây, vợ chồng tôi sinh cháu và dọn ra ở riêng, chồng tôi thường xuyên đi công tác nên việc hương khói trong nhà do tôi đảm nhận. Ngày rằm và mùng 1 tôi vẫn thắp hương cho các cụ bình thường. Cuộc sống hiện tại đã theo nếp sống mới nhưng rất vui vẻ và hòa hợp", chị Phương chia sẻ.

Chị Phương cũng tâm sự, gia đình nhà chồng mặc dù không đồng nhất ngôn ngữ và phong tục nhưng khá thoải mái và dành nhiều sự quan tâm đối với chị: "Từ khi tôi về làm dâu trên Kỳ Sơn đến nay, cuộc sống không có sự gò bó hay thúc ép gì từ phía nhà chồng. Mọi người cũng biết tôi rời miền xuôi làm dâu miền ngược nên rất thương và thông cảm".

Cô dâu dân tộc Kinh đảm đang khi về làm dâu nhà chồng dân tộc Thái

Chị Phương bận rộn sắm sửa Tết đầy đủ các món ăn truyền thống của cả hai dân tộc như mứt, bánh tét, thịt bò giàng...

Vào những ngày giáp Tết Nguyên Đán, gia đình chị cũng như nhiều gia đình khác phải sắm sửa bánh kẹo, hoa quả, gói bánh tét, mua đào quất. Ngoài ra, chị cũng phải chuẩn bị làm một mâm cỗ lớn để mời họ hàng đến ăn Tết.

"Dịp đầu năm mới, những gia đình người Thái ở đây thường tổ chức ăn Tết rất to, nấu cơm nếp, làm thịt lợn để mời cả làng cùng ăn. Năm nào, nhà tôi cũng phải thịt 1 con lợn, đồ xôi, nấu cỗ để mời anh em, họ hàng, bản xóm đến ăn Tết. Tối 30 Tết, sẽ phải thịt thêm 1 con lợn nữa để cúng, thủ và đuôi lợn sẽ được bày lên mâm để cúng tổ tiên", chị Phương cho hay.

Tết Đinh Dậu năm 2017 này, như bao phụ nữ khác, chị Phương cũng bắt đầu sắm sửa Tết cho gia đình từ ngày 28 tháng Chạp. Cận Tết, vợ chồng chị đã sớm đặt lợn mán, gạo nếp ngon để đêm giao thừa nấu cỗ và làm mâm mời họ hàng, làng bản đến ăn Tết.

Chị chia sẻ: "Cuộc sống trong những năm gần đây đã trở nên khấm khá hơn trước nên có điều kiện để ăn Tết đầy đủ hơn. Những năm đầu tiên hai vợ chồng mới cưới, nhà làm mâm cúng Tết chỉ có cá dưới sông, chồng tôi phải đi mượn nhà hàng xóm 1 con gà để thịt cúng giao thừa. Lợn phải đi mua nợ anh em trong họ để thịt làm cơm Tất Niên. Giờ nghĩ lại những cái Tết cơ cực ấy tôi vẫn còn muốn chảy nước mắt".

Lương Chi

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất


Đoán độ tuổi đẹp nhất trong cuộc đời của 12 con giáp