Chuyện người phụ nữ bỏ việc ổn định để làm "nông dân", đón giao thừa ngay tại vườn đào

2018-02-03 14:18
- Dù đã có công việc ổn định nhưng sau một lần được người yêu đưa về thăm nhà, dẫn ra cánh đồng làng đào Phú Thượng, chị Tuyền đã đem lòng say mê loại hoa này đến mức sẵn sàng bỏ việc để đi trồng hoa đào.

Bỏ việc nhà nước để đi trồng đào

Những ngày cận Tết, chị Nguyễn Thị Thanh Tuyền bận tối mắt khi thường xuyên phải đón khách vào vườn đào chọn cây, phải khó khăn lắm chị mới "dứt" khách ra được để tiếp chuyện chúng tôi. 

Trước đây, chị Thanh Tuyền làm việc ổn định tại sân vận động thể dục thể thao quốc gia. Vốn cứ tưởng chị sẽ gắn bó mãi với công việc bàn giấy nhàn hạ, nhưng trong một lần về thăm nhà người yêu, được dẫn ra cánh đồng đào làng Phú Thượng, chị đã đem lòng say mê loài hoa truyền thống của vùng đất này. 

"Lúc đấy mình chưa cưới chồng mà mới chỉ theo người yêu về thăm nhà anh thôi. Mới tháng 11 nhưng đã có 1, 2 bông nở báo hiệu rồi, mình nhìn thấy thì thích lắm, tự nhiên nghĩ hay là về trồng đào, làm nông dân thôi cũng được. Lúc đấy mình mới chỉ nghĩ qua thôi, không ngờ sau này thành thật" - chị Tuyền cười vui chia sẻ.

Nữ chủ vườn đào

Chị Tuyền đã gắn bó với công việc vườn đào được 15 năm và chị luôn cảm thấy hạnh phúc với công việc này

Sau ít lâu, chị Tuyền cưới chồng và về làm dâu làng đào Phú Thượng. Thời gian đầu, chị vẫn vừa đi làm việc nhà nước, vừa giúp chồng chăm sóc vườn đào. Trải qua 1 - 2 năm, chị Tuyền bắt đầu cảm thấy công việc nhà nước không còn phù hợp với mình nữa, thế nên chị quyết định nghỉ việc và tập trung vào hướng phát triển vườn đào.

"Từ ngày đấy đến nay đã hơn 15 năm rồi, 15 năm mình gắn bó với cây đào. Nhiều người cứ thắc mắc sao mình lại từ bỏ công việc cầm bút để đi cầm cuốc, cầm kéo, cầm chép nước làm gì cho vất vả. Nhưng từ ngày "ở hẳn" với cây đào, mình thấy tinh thần thoải mái, có nhiều niềm vui. Đặc biệt là vì mình đam mê nên mình sẵn sàng dành toàn bộ tâm huyết để phát triển vườn đào, sáng tạo ra những dáng thế đẹp" - chị Tuyền chia sẻ.

Có những đêm hè vợ chồng chị phải đi tưới từ 4 - 5h chiều đến 12h đêm mới về, chị kể lại: "Vườn nhà có đến hàng ngàn cây, các anh em chia nhau ra mỗi người tưới 1 bãi. Nhiều hôm đi tưới bãi gần sông, chồng ở đầu vườn, mình ở cuối vườn mà không nhìn thấy nhau, cứ lo lỡ có kẻ xấu nghiện ngập nào đang lang thang ở bờ sông mà bắt mình thì chắc không kịp gọi chồng đến cứu. Sợ lắm nhưng vẫn làm, vì ham mê mà, muốn có được đào đẹp, thành quả tốt thì phải làm thôi".

Chị Tuyền chia sẻ, không ít lần chị ốm sốt gần 40 độ vào đúng dịp giáp Tết nhưng vẫn phải gắng gượng dậy để đi làm, tiếp khách, bán hàng. Với chị, làm được đào đẹp, khách mua ưng ý, gia đình khách mang được đào về xum vầy cũng gia đình cũng đủ khiến chị vui và hài lòng.

Nữ chủ vườn đào

Những cành đào có cành vẩy điệu đà như thế này được tự tay chị Tuyền uốn nắn nên

Canh trộm nên đón giao thừa ngay vườn đào

Được biết, đào gia đình chị tuy là đào gốc làng Phú Thượng nhưng vợ chồng chị đẩy mạnh việc trồng các loại đào mới, đặc biệt là đào rừng ghép. Giá của loại đào này khá đắt, ít có cây đào rừng ghép nào có giá dưới 5 triệu. Tuy nhiên, phải khi nghe chị Tuyền nói rõ hơn về công đoạn tạo nên một cây đào rừng ghép đẹp thì mới thấy cái giá đó không hề đắt chút nào.

"Người ta cứ bảo là đào đắt nhưng thực ra, để làm được 1 cây đào có dáng thế mất rất nhiều năm. Những cây đào trồng 1 năm thì chỉ được bé tí bông sung thôi, loại đào này dân trồng chỉ mang tính chất trồng chơi thôi chứ không ra được dáng thế. Còn trồng đào chuyên nghiệp thì cũng giống như một nền giáo dục vậy, hình dáng thế nào, kiểu dáng ra sao, ý nghĩa của nó... Muốn năm một. năm hai mà có đào đẹp là rất khó" - chị Tuyền chia sẻ.

Chị cho biết, đối với đào ghép, khi lấy từ trên rừng về thì đã mất 1 năm để ghép cho mầm ra, mầm này uốn thả 1 năm để cành được định hình, khỏe và bám được vào thân. Sau đó lại thả rông 1 - 2 năm nữa để cành khỏe, to. Vào năm thứ 3 - 4 thì bắt đầu thu hoạch được. Nhưng chẳng may có cây nào mất đi một tay thì lại phải làm từ đầu. Theo chị, trúng trượt mùa đào đã là một vấn đề nhưng dáng cây hoàn hảo, trúng ý nghệ nhân thì lại là một vấn đề khác, vậy nên giá thành của đào Tết mới đắt đỏ.

Nữ chủ vườn đào

Ngày cuối năm là thời điểm mọi người đi sắm Tết, nhưng đối với chị Tuyền thì hầu như chả biết sắm Tết là gì. Một tháng Tết là 1 tháng thu hoạch của cả năm nên chị rất bận rộn. Một vài năm gần đây, bên cạnh việc bán hàng cho khách quen, chị còn mở thêm trang web, fanpage, tận dụng các loại hình đa phương tiện để để bán đào. Nhờ vậy mà lượng đào được bán ra khá tốt và mang lại lợi nhuận cao hơn. 

Nói về việc mua sắm Tết, chị chia sẻ: "Vì công việc trả hàng, làm hóa đơn cho khách bận quá nên mình chỉ có thể tranh thủ những ngày sát Tết để đi mua sắm, hoặc mua online, nhờ anh chị em thân mua giúp. Nhiều năm, đêm 30 rồi mà vợ chồng mình vẫn ở ngoài vườn để bán cây cho khách, có lần đã 10h đêm giao thừa rồi vẫn có khách đến hỏi mua đào. Mình bán đào muộn không phải vì ế cây mà vì nhu cầu của người chơi. Một số người dân Hà Nội đi chọn đào rất muộn vì yếu tố khách quan, mình vẫn túc trực để giúp khách có được cái Tết ấm cúng nhất".

Có những năm, vợ chồng anh chị túc trực và đón giao thừa ngay tại vườn. Chị Tuyền cho hay, năm nào vườn chị cũng xuất gần 1.000 cây, đêm giao thừa, những cây non quá hay già quá sẽ được gom ra mặt chính để trông nom.

"Đa số những lần túc trực đêm giao thừa đều là canh chừng cây, vì thời điểm sau giao thừa, một số người đi hái lộc sẽ bẻ 1, 2 cành bé bé để lấy lộc về nhà. Mình ở đấy thì họ thấy có bóng dáng người sẽ không dám bẻ cành nữa" - chị Tuyền bộc bạch.

Lương Chi

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất

5 xu hướng trang điểm mùa thu hot nhất năm nay, nàng yêu làm đẹp phải cập nhật ngay