Chuyện nghề ở lò hỏa táng: Khoảnh khắc khiến người có thần kinh “thép” phải rớt nước mắt
Tin liên quan
Vừa kết thúc công việc hỏa táng của một ngày, anh Đỗ Tiến Lưỡng, sinh năm 1990, một người thợ lò hỏa táng tại Đài hóa thân hoàn vũ Thiên Đức (xã Trung Giáp - Bảo Thanh, huyện Phù Ninh, Phú Thọ) dành cho chúng tôi một cuộc phỏng vấn ngắn trong lúc nghỉ tay.
Anh Đỗ Tiến Lưỡng, một người thợ vận hành lò tại Đài hóa thân hoàn vũ Thiên Đức.
Anh Lưỡng quê ở Thanh Hóa. Trước kia, anh từng học điện công nghiệp, sau đó làm việc cho đơn vị bán lò hỏa thiêu và có lẽ đó là cái duyên đưa đẩy anh đến công việc “không phải ai cũng dám làm” này.
Trước đây, anh học điện công nghiệp, công ty bán lò, được hướng dẫn vận hành lò và bén duyên từ đó. Vào nghề ba năm nay, anh Lưỡng đã trải qua hết các phần việc của một cuộc an táng người chết. Những ngày đầu xuống hỗ trợ anh em tại lò, cảm giác rất rùng rợn.
Lối nhỏ đi vào lò hỏa táng.
Chế ngự được cảm giác đó, anh Lưỡng vừa làm vừa học hỏi bằng cái tâm và trở thành một người thợ “cứng” ở đây. Làm riết thành quen, anh quan niệm đây là công việc hậu phúc nên không thấy “lạnh” như nhiều người thường nghĩ. Bố mẹ anh cũng động viên “Nếu làm công việc này, con cảm thấy cái tâm mình thanh thản thì cứ tiếp tục làm”.
“Cảm giác không sợ, giống như làm cho ngườinhà mình. Xương sau khi hỏa thiêu cũng trở nên vô trùng, xếp xương trong 15 – 25 phút rồi trao cho gia đình là hoàn thành công việc”, anh Lưỡng cho hay.
6 anh em thợ lò hỏa táng nơi anh Lưỡng làm việc, mỗi người đến từ một miền quê khác nhau nhưng họ đều có độ tuổi rất trẻ.
Quan sát mọi thứ bên trong lò qua một lỗ nhỏ có kính chịu nhiệt.
Anh Nguyễn Nô En, Phó giám đốc Đài hóa thân Thiên Đức cho biết thêm thợ lò đa phần đều là con em nông dân.
“Có thể suy nghĩ mỗi người mỗi khác nhưng anh em làm ở thợ ở đây đến giờ phút này đều không thấy sợ hay ám ảnh bất cứ điều gì. Có người đã có gia đình, có người còn độc thân. Họ gắn bó với công việc này vì quan niệm đang làm phúc cho các gia đình. Tất nhiên so với những người khác, người thợ lò có thu nhập cao hơn để xứng đáng với vất vả mà họ trải qua”, anh Nô En bày tỏ.
Những khoảng lặng của nghề
Nhắc đến nghề nhân viên đài hỏa táng, ai cũng mặc định đó là công việc không có niềm vui. Tuy nhiên, theo anh Lưỡng, niềm vui của công việc này chính là những lời cảm ơn, sự trân trọng của gia đình người quá cố dành cho những người thợ lò trong khoảnh khắc họ trao cốt cho gia đình.
Hàng ngày tiếp đón những gương mặt đau buồn, những giọt nước mắt, họ buộc phải vững tâm để làm tốt nhất công việc của mình, để gia đình được nhận phần còn lại trong cơ thể người quá cố một cách hoàn mỹ nhất.
Anh Nô En (bên trái), anh Lưỡng (bên phải) đều là những người gắn bó với Đài hóa thân từ những ngày đầu hoạt động.
Một câu chuyện khiến cả anh Nô En, anh Lưỡng nhớ mãi, đó là lần tiếp đón một gia đình ở Định Hoá, Thái Nguyên. Trận lũ dữ cuốn cả bố mẹ và hai đứa con, một gia đình đến Đài hỏa táng với bốn quan tài xếp hàng.
Nhìn thấy cảnh đó, những người có thần kinh “thép”, vốn đã quá quen với việc tiếp xúc với người chết cũng phải ứa nước mắt. Hình ảnh đó còn ám ảnh mãi trong đầu họ.
“Áp lực lớn nhất với chúng tôi là làm sao hoàn thành công việc nhanh chóng, chính xác để trao cốt cho gia đình. Có những hôm số ca tăng đột biến, buổi trưa ai cũbg muốn ăn nghỉ nhưng thấy gia đình ngóng chờ thì anh em vẫn cố gắng hết sức. Làm nghề này, chúng tôi chỉ sợ mình ốm, phải nghỉ việc, công việc sẽ chồng lên vai anh em khác chứ không sợ hãi gì cả”, anh Nô En bộc bạch.
Thu Hà
Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!
Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất