Chồng bị điện giật phải cưa bỏ 2 tay, vợ ruồng rẫy bỏ về nhà ngoại: 'Tôi thà chết chứ không quay trở về gia đình đó nữa'
Tin liên quan
Đó là lời tâm sự đầy cay đắng và nước mắt của chị Khuất Thị Hạnh (SN 1994), vợ anh Trần Văn Hùng - người đàn ông xấu số phải cưa bỏ đôi tay trong một lần đi làm hàn xì và bị điện giật cách đây gần một năm.
Mấy tháng qua, việc chị Hạnh rời bỏ chồng trong lúc chồng chị bị hoạn nạn đã lan rộng khiến cả xã Lại Thượng, huyện Thạch Thất, Hà Nội đều xôn xao. Ai nấy đều bức xúc khi nghe tin ấy. Nhiều người không nén nổi nỗi bực dọc, nói và chửi thẳng bố mẹ của Hạnh khiến gia đình cô vô cùng mệt mỏi và căng thẳng những ngày này.
Như trong bài trước đã đưa tin, sau khi anh Hùng kết thúc những ngày điều trị tại bệnh viện, hai vợ chồng anh xảy ra xích mích. Trong lần ấy, chị Hạnh lẳng lặng xách túi quần áo về nhà ngoại trước sự ngạc nhiên của người thân gia đình anh Hùng.
Nhà chị Hạnh và nhà anh Hùng cách nhau chỉ một tường rào.
Qua trò chuyện với PV, bà Phượng, mẹ của anh Hùng chưa thôi buồn phiền khi kể về con trai, con dâu. Bà Phượng cho biết: "Suốt thời gian một năm làm dâu nhà bà, Hạnh là một cô con dâu ngoan, sống biết điều nên gia đình tôi rất quý mến cháu. Không hiểu giữa hai vợ chồng chúng xảy ra chuyện gì, nhưng cách con bé tự ý dọn đồ về không nói gì với vợ chồng tôi khiến tôi vô cùng buồn phiền.
Dù giữa hai vợ chồng nó xảy ra chuyện gì đi nữa thì trước khi đi nó cũng nên nói với bố mẹ chồng một tiếng. Hơn thế nữa, kể từ hôm nó về nhà bố mẹ đẻ đến nay, ông bà thông gia cũng không ý kiến gì về việc này. Vợ chồng nào chẳng có lúc giận nhau nhưng dù có thế nào thì cũng không nên ứng xử như vậy”, bà Phượng nói.
Anh Hùng trong một lần ra Hà Nội để chờ bác sỹ lắp tay nhưng chưa đủ chi phí để chi trả.
Mỗi khi nhắc đến vợ mình, anh Hùng bức xúc và không muốn chia sẻ thêm điều gì. Chính điều này làm cho câu chuyện đi vào ngõ cụt.
Sự chịu đựng bắt đầu từ những ngày đầu làm dâu
Nhắc đến chuyện của hai vợ chồng vừa xảy ra, Hạnh khóc nức nở: “Suốt những ngày qua, để tồn tại được đối với tôi và gia đình có lẽ là một điều vô cùng khó khăn mà tôi phải trải qua. Vừa bước chân ra đường là có người xì xào, bàn tán. Tôi biết, mọi người đang hiểu sự việc sang một góc độ khác. Nhưng tôi cho rằng mình đã hành động đúng. Và tôi không muốn giải thích cho cả làng, cả xã biết về điều đó. Họ nói thì tai họ nghe. Nhưng thực sự, họ khiến gia đình tôi rất mệt mỏi”.
Theo lời Hạnh kể, sau bao ngày tháng yêu nhau, trước sự ngăn cấm của gia đình mình, Hạnh vẫn quyết định yêu và mong ước được làm vợ anh Hùng. Cuộc sống ở thôn xóm, hơn thế nữa, hai gia đình cách nhau một hàng rào nên bố cô biết khá rõ về chàng rể tương lai.
Lý do ông không muốn cho Hạnh lấy người đàn ông ấy làm chồng vì Hùng là thanh niên ham chơi bài bạc: “Mặc dù vậy, tôi vẫn quyết tâm lấy anh. Tôi tin, vì yêu nhau, anh ấy sẽ thay đổi để làm lại".
Thế nhưng sau ngày cưới, một số chuyện Hùng giấu Hạnh bắt đầu dần dần lộ rõ: "Hôm ấy, một người đàn ông là dân xã hội đen đến đòi nợ. Người ta nói rằng anh Hùng vay họ 30 triệu để chơi bài bạc. Lúc này, Hùng thấy không thể giấu tôi thêm nữa nên mới thú nhận. Chúng tôi phải tìm cách bỏ tiền trả. Sau đó vì vừa tổ chức đám cưới nên bố mẹ tôi có tiền và họ trả cho số nợ đó”.
Khi đi lấy chồng, bố mẹ Hạnh cho cô hai chỉ vàng làm của hồi môn. Vì tin tưởng chồng và nghĩ cưới nhau rồi tiền của chồng cũng là của vợ nên cô đã kể lại với chồng. Biết tính chồng có máu cờ bạc nên cô mang gửi bố mẹ đẻ. Không lâu sau Hùng lên nói với bố mẹ lấy hai chỉ vàng đó về trả nợ một người anh Hùng đã vay trước đó để chơi bài bạc và bị thua hết.
“Ngẫm đến đó thôi tôi đã nản rồi. Rượu chè anh ấy không quá nát. Mỗi lần uống say về là lẳng lặng đi ngủ. Tôi biết ý tránh đi nên cuộc sống hai vợ chồng cũng tạm gọi là yên ổn. Thỉnh thoảng vợ chồng có chút trục trặc, có lần anh ấy cũng giơ tay định đánh vợ. Nhưng có lẽ, vì nhà tôi ngay sau nhà nên anh ấy có phần dè dặt hơn và hành động chỉ dừng lại ở đó”, người vợ này nói.
Nói đến cuộc sống ở nhà chồng, theo Hạnh, cảnh làm dâu không có gì quá phức tạp. Sau hai tháng cưới nhau, hai vợ chồng Hạnh được bố mẹ chồng cho ở riêng. Hạnh làm công nhân trong công ty, thu nhập một tháng cũng 5,6 triệu đồng. Hùng cũng có công ăn việc làm ổn định. Nếu hai vợ chồng tu chí làm ăn thì không có gì căng thẳng.
"Tôi cũng đi làm suốt, không va chạm nhiều với bố mẹ chồng nên gia đình tôi như vậy cũng được gọi là tạm ổn”, Hạnh giãi bày.
Tức nước vỡ bờ
Sự việc chỉ lên đến đỉnh điểm sau khi Hùng bị tai nạn. Những tháng ngày chồng nằm viện, Hạnh phải nghỉ một tháng không lương đi chăm chồng.
Hạnh kể lại: “Nằm viện chi phí rất tốn kém nên tôi có hỏi chồng về tiền lương tháng đó của anh. Lúc ấy, anh trai tôi làm cùng với chồng tôi kể lại, trước đó, khi công ty anh tổ chức đi nghỉ mát ở Đồ Sơn, Hải Phòng, Hùng không có tiền chơi bài nên đã vay ông chủ tiền để chơi.
Đến khi anh ấy nằm viện tôi mới vỡ lẽ là anh đã thua hết. Anh còn định đòi tiền lương tháng đó của ông chủ, nhưng tôi ngăn lại vì dù sao anh ấy cũng ứng hết rồi. Hơn nữa, nếu đòi, họ sẽ không bồi thường cho tai nạn nữa, vậy mình sẽ thiệt thòi hơn”.
Dù chị Hạnh đã về nhà nhưng hiện tại chị đã đi làm xa ở Thái Nguyên.
Sau khi anh Hùng ra viện, những ngày tháng bên chồng ngày càng trở nên căng thẳng. Có lẽ do anh chưa vượt qua khỏi cú sốc bản thân bị mất đôi tay nên hay cáu bẳn và cục cằn. Bản thân Hạnh cũng biết điều đó và cố gắng chịu đựng.
Tuy nhiên, người vợ này cũng có những áp lực riêng. Bởi làm việc ca ngày không sao nhưng ca đêm cô phải thức trắng làm việc khiến người mệt mỏi. Về nhà, Hạnh lại phải đối mặt với nhà chồng cau có, gay gắt.
“Thái độ nhà chồng tôi cũng khác hẳn. Nhiều hôm đi làm về, cả nhà chồng đang ngồi ăn cơm nhưng không ai mời tôi được một lời rằng con xuống ăn cơm hay thế nào. Chỉ khi có người nào đến thì họ mới bảo tôi ăn cơm. Phải chăng họ nghĩ rằng khi con họ bị như vậy, sớm muộn tôi cũng rời bỏ anh nên họ đối xử với tôi như vậy”, nói xong, cô gái trẻ khóc nức nở.
Chị Hạnh cho biết, lí do Hạnh dọn khỏi nhà chồng là khi anh Hùng buông lời mạt hạ vợ và xúc phạm bố mẹ vợ. Anh hỏi tiền lương của chị tháng ấy, nhưng cả tháng chị nghỉ làm không lương để ra viện chăm chồng thì làm gì có lương.
“Tôi bảo cả tháng qua phải nghỉ làm để ra viện chăm anh ấy thì lấy đâu ra tiền lương. Nghe thấy vậy chồng tôi văng tục chửi vợ. Anh ta còn lôi cả bố mẹ tôi ra chửi bới trong khi cả tháng ấy bố tôi lên viện thức thâu đêm suốt sáng chăm anh. Anh còn đuổi tôi đi.
Thêm cách đối xử của gia đình họ, tôi thấy chẳng còn gì phải nuối tiếc khi ra đi cả. Dù người làng có sỉ vả, dư luận có xì xào bàn tán thì tôi cũng không thể chịu đựng thêm phút giây nào ở nhà ấy nữa”.
Cũng theo người vợ trẻ này, giờ có chết cô cũng không quay trở lại gia đình nhà chồng. Hiện Hạnh cho biết, sau khi rời nhà chồng, cô đã nghỉ làm công nhân tại một công ty trên địa bàn và làm công nhân trong công ty Sam Sung ở Thái Nguyên. Hạnh dự định sẽ làm việc trong công ty này một vài năm, tích cóp vốn liếng để làm lại cuộc đời.
“Anh Hùng là người hiền lành, gia đình họ cũng vậy. Họ sống biết điều và không có tiếng xấu gì cả. Mặc dù kinh tế nhà họ cũng bình thường, nhưng ông bà ấy sống rất tốt.
Anh Hùng chơi bài bạc thì trong làng nhiều người biết, còn chị Hạnh thì tôi không biết rõ về chị ấy. Tuy nhiên, theo tôi, dù thế nào trong hoàn cảnh ấy mà chị bỏ đi thì quá đáng trách.
Có gì cũng nên để mọi chuyện xuôi xuôi, cho anh Hùng lành hẳn bệnh thì chị ấy ly dị, tìm cuộc sống mới cũng chưa muộn. Giờ chồng vừa đau bệnh, chị ấy đã ruồng rẫy thì không tránh khỏi điều tiếng ở làng”, chị Khuất Thị X. người hàng xóm ở thôn Thanh Câu, gần nhà anh Hùng chia sẻ.
Cù Hiền
Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!
Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất