Cho người yêu uống 90 viên thuốc ngủ, phạm tội gì?

2016-07-24 20:01
- Gia đình chị V. (SN 1985) trình báo có một người tên là T. đã cho chị V. uống thuốc ngủ để tự sát.

Tiến hành xác minh, điều tra, cơ quan công an xác định, 4h chiều 11-5, anh T. (bạn chị V.) đi xe ôtô đến một nhà nghỉ rồi thuê một phòng tại nhà nghỉ này. Sau đó, chị V. đã đến nhà nghỉ bằng xe máy và bảo lễ tân cho lên phòng anh T. Trưa hôm sau, nhân viên nhà nghỉ phát hiện chị V. được anh T. đưa ra ôtô với bộ dạng mệt mỏi, khuôn mặt tím tái. Được biết, anh T. đưa chị V. đến bệnh viện cấp cứu rồi điện thoại báo cho gia đình chị V. biết.

Sau khi được cơ quan điều tra triệu tập, đối tượng cho biết tên là Nguyễn Văn T. (SN 1981), có quan hệ tình cảm từ trước với chị V. Chiều 11-5, vì lý do tình cảm, T. và chị V. đã hẹn đến nhà nghỉ để gặp nhau lần cuối rồi cùng tự sát. Nguyễn Văn T. đã cho chị V. uống hết 90 viên thuốc ngủ và khi thấy chị V. hôn mê, T. đã điện thoại cho bạn để kể lại sự việc. Được bạn khuyên, T. đã đưa chị V. đi cấp cứu và báo cho gia đình chị V. biết. Tuy nhiên, do thuốc ngủ đã ngấm sâu nên chị V. đã không qua khỏi.

Vấn đề đặt ra ở đây là với hành vi cho chị V. uống 90 viên thuốc ngủ khiến chị V. tử vong, Nguyễn Văn T. đã phạm tội gì?

 Ý kiến bạn đọc

Phạm tội giết người

Theo tôi, quyền sống của con người là bất khả xâm phạm. Mọi công dân buộc phải có ý thức về việc không được tước đoạt tính mạng của người khác. Do vậy, hành vi của Nguyễn Văn T. dụ dỗ chị V. uống 90 viên thuốc ngủ là trái pháp luật bất luận vì lý do gì. Hậu quả của việc uống 90 viên thuốc ngủ đã khiến chị V. tử vong, do đó cần phải xử lý Nguyễn Văn T. về hành vi giết người. Pháp luật cần phải xử nghiêm những hành vi kiểu này để tránh những trường hợp lạm dụng thuyết phục nhau tự tử để giết người.

Đỗ Nam Kha (Tiền Hải - Thái Bình)

Tội bức tử

Trong vụ việc này, cần xác định, Nguyễn Văn T. không có động cơ cá nhân trong việc đưa thuốc ngủ cho chị V. uống, gây ra cái chết của chị V. Việc đưa thuốc ngủ cho chị V. là thực hiện ý nguyện của chị V. cùng tự tử. Sau khi chị V. uống thuốc ngủ, việc T. không uống có thể do điều kiện khách quan, bản tính con người T. đã không thực hiện đựơc việc tự sát. Do vậy, không thể kết tội T. theo tội danh giết người mà phải theo tội bức tử người khác.

Trong vụ việc này giữa T. và chị V. đã có mối quan hệ tình cảm từ trước nhưng do tình cảm “trục trặc” nên đã hẹn nhau đến nhà nghỉ gặp nhau lần cuối trước khi thực hiện việc tự tử. Việc T. đưa thuốc ngủ cho chị V. uống là hành vi gián tiếp khiến chị V. phải chết. Nói cách khác là bằng hành vi đưa thuốc ngủ cho chị V., T. đã bức tử chị V. Do vậy cần phải làm rõ hành vi này của T.

Nguyễn Thị Ca (Khu Nam Cường - TP Yên Bái)

Xúi giục và giúp người khác tự sát

Về mặt trách nhiệm pháp lý trong vụ việc nêu trên, việc chị V. uống thuốc ngủ tự tử cần phải xác minh, làm rõ nguyên nhân, động cơ nào khiến chị V. lại có hành động như vậy.

Theo thông tin của vụ việc, giữa chị V. và Nguyễn Văn T. đã có quan hệ tình cảm và do bị trục trặc nên quyết định gặp nhau lần cuối rồi cùng tự tử. Tuy nhiên khi gặp nhau thì chỉ có một mình chị V. uống thuốc ngủ để tự tử còn Nguyễn Văn T. khi thấy chị V hôn mê đã điện thoại cho bạn để kể lại sự việc trên và sau đó đưa chị V. đi cấp cứu.

Có thể thấy T. là người chủ động chọn nhà nghỉ và cũng là người chủ động đưa thuốc ngủ cho chị V. uống. Hành vi của T. dù không trực tiếp tác động đến cái chết của chị V. nhưng lại gián tiếp khiến chị V. uống thuốc dẫn đến tử vong. Hành động của T. thể hiện sự giúp sức trong hành động tự tử của chị V. Do vậy, Nguyễn Văn T. phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi của mình.

Hoàng Quốc Bình (Bình Lục - Hà Nam)

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Bình luận của luật sư

 Tính mạng, sức khỏe của con người là khách thể đặc biệt được Bộ luật Hình sự tôn trọng và bảo vệ. Không ai được tự cho mình có quyền can thiệp vào sự sống, chết của người khác. Trừ những trường hợp đã được pháp luật quy định như trong tình thế cấp thiết, sự kiện bất ngờ, phòng vệ chính đáng hoặc thi hành mệnh lệnh pháp luật cho phép (như thi hành án tử hình) thì hành vi đó không bị coi là phạm tội. Còn lại, mọi sự can thiệp hay giúp đỡ để người khác được chết (dù được sự đồng ý hoặc theo đề nghị của “khổ chủ”) đều bị coi là hành vi phạm tội.

Tuy nhiên, trong vụ việc này không thể coi hành vi của Nguyễn Văn T. là phạm tội giết người vì người bị hại đã tự mình thực hiện hành vi tước đoạt tính mạng. Cụ thể, chị V. đã tự mình uống 90 viên thuốc ngủ, còn Nguyễn Văn T. chỉ là người đưa thuốc ngủ cho chị V.

Trường hợp Nguyễn Văn T. phạm tội giết người chỉ xảy ra trong trường hợp chị V. tuy muốn chết nhưng lại không thực hiện hành vi tự tước đoạt tính mạng của mình mà nhờ T. giúp. Ví dụ như chị V. không tự uống thuốc mà nằm trên giường và nhờ T. cho uống thuốc ngủ.

Lúc đó T. có hành vi tước đoạt tính mạng của nạn nhân và phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội giết người. Trong trường hợp này, chị V là người có đầy đủ năng lực hành vi để quyết định việc mình có uống thuốc hay không uống.

Trong vụ việc này Nguyễn Văn T. cũng không phạm tội bức tử người khác. Bởi theo quy định của pháp luật, mối quan hệ lệ thuộc giữa nạn nhân và người phạm tội là yếu tố bắt buộc để xác định hành vi của một người có phạm tội bức tử hay không.

Người bị lệ thuộc phải là người dựa vào người khác trong cuộc sống về các mặt vật chất và tinh thần như: lệ thuộc về kinh tế, bị ràng buộc bởi quan hệ hôn nhân, huyết thống, nuôi dưỡng, quan hệ công tác, thầy trò hoặc quan hệ tôn giáo…

Mặt khách quan của tội phạm được thể hiện ở hành vi đối xử tàn ác, thường xuyên ức hiếp hoặc ngược đãi, làm nhục nạn nhân. Đối xử tàn ác với nạn nhân là hành vi gây đau khổ về thể chất hay tinh thần cho nạn nhân như nạn nhân bị đánh đập, bị bỏ đói, bỏ rét, bắt làm việc nặng nhọc, quá sức, không cho học hành, vui chơi …

Căn cứ theo thông tin của vụ việc này có cơ sở để khẳng định Nguyễn Văn T. đã phạm tội xúi giục hoặc giúp người khác tự sát được quy định tại Điều 101, Bộ luật Hình sự. Theo quy định của pháp luật, Điều 101, Bộ luật Hình sự, xúi giục người khác tự sát là hành vi của một người đã có những lời lẽ kích động, dụ dỗ, thúc đẩy người khác tự tước đoạt tính mạng của họ. Còn giúp người khác tự sát là hành vi của một người tạo điều kiện vật chất hoặc tinh thần cho người khác tự tước đoạt tính mạng của họ.

Đây là điều luật quy định hai hành vi phạm tội. Nếu người phạm tội có cả hai hành vi xúi giục và giúp người khác tự sát thì tội danh mà họ bị truy cứu là tội xúi giục và giúp người khác tự sát. Trên cơ sở các hành vi của Nguyễn Văn T. có thể thấy Nguyễn Văn T. đã vi phạm cả hai hành vi phạm tội của tội danh này.

Cụ thể: Hành vi xúi giục người khác tự sát bao gồm việc kích động người tự sát và dụ dỗ người khác tự sát. Trong vụ việc này Nguyễn Văn T. đã hẹn chị V. đến nhà nghỉ gặp nhau lần cuối rồi cùng tự sát. Trong quá trình điều tra, cơ quan công an sẽ làm rõ về việc Nguyễn Văn T. đã có những lời lẽ nhằm thúc đẩy bằng cách tác động tâm lý làm cho chị V. bị kích động tới mức cao độ nên đã đồng ý tự sát.

Nói cách khác, những lời nói kích động, dụ dỗ của Nguyễn Văn T. là nhằm thúc đẩy chị V. đến chỗ tự sát. Vì vậy, ý thức của Nguyễn Văn T. là mong muốn làm sao cho nạn nhân tự sát. Và thực tế là khi chị V. uống 90 thuốc ngủ, T. đã không có hành động ngăn cản.

Đối với hành vi giúp người khác tự sát. Đây là hành vi tạo điều kiện tinh thần hoặc vật chất để người khác tự sát, như: tìm kiếm, cung cấp phương tiện để nạn nhân tự sát hoặc hứa hẹn trước với nạn nhân giữ kín việc tự sát của họ. Người có hành vi này phải nhận thức được hành vi của mình là tạo điều kiện cho nạn nhân tự sát. Trong vụ việc này, hành vi của T. giúp sức cho chị V. tự sát được thể hiện ở việc T. đã đưa 90 thuốc ngủ cho chị V. để uống.

Theo quy định của pháp luật, cả hai trường hợp xúi giục và giúp người khác tự sát, chỉ cần người bị xúi giục hoặc được giúp đỡ có hành vi tự sát là tội phạm đã hoàn thành, còn nạn nhân có chết hay không, điều đó chỉ có ý nghĩa khi xem xét đến việc quyết định hình phạt hoặc xem xét đến việc có truy tố người phạm tội này hay không chứ không có ý nghĩa định tội.

Tội phạm này cũng không có giai đoạn phạm tội chưa đạt, bởi lẽ dù có bị xúi giục hoặc được giúp đỡ đến mức nào đi nữa mà người bị xúi giục, người được giúp đỡ không tự sát thì vẫn chưa phải là tội phạm.

Ngoài ra, trong cả hai trường hợp phạm tội trên, người phạm tội thực hiện hành vi của mình đều do cố ý, tức là nhận thức rõ hành vi của mình nguy hiểm đến tính mạng của nạn nhân, thấy trước được hành vi xúi giục hoặc giúp người khác tự sát nhất định hoặc có thể dẫn đến nạn nhân tự sát và mong muốn hoặc bỏ mặc cho việc tự sát xảy ra.

Như vậy có đủ căn cứ để khẳng định Nguyễn Văn T. đã phạm tội xúi giục hoặc giúp người khác tự sát theo Điều 101, Bộ luật Hình sự.

Điều 101. Tội xúi giục hoặc giúp người khác tự sát

1. Người nào xúi giục làm người khác tự sát hoặc giúp người khác tự sát, thì bị phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.

2. Phạm tội làm nhiều người tự sát thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm.

Luật Sư Đoàn Mạnh Hùng, (Văn phòng Luật sư Hùng Mạnh)

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 (Theo An Ninh Thủ Đô)

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất


5 bài tập giảm đau mỏi vai gáy ngay trên ghế làm việc