Chính thức cấp số dịch vụ 111 - Tổng đài Quốc gia bảo vệ trẻ em hỗ trợ trẻ bị lạm dụng, xâm hại miễn phí toàn quốc
Tin liên quan
Dễ nhớ, miễn phí trên toàn quốc
Sau khi xem xét đề nghị của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Thông tin và Truyền thông đã có văn bản thông báo chính thức về việc cấp số điện thoại ngắn cho Tổng đài Quốc gia bảo vệ trẻ em.
Theo đó, số dịch vụ của Tổng đài có cấu trúc là 111, chỉ gồm 3 số đơn giản, dễ nhớ, hoạt động 24/24 và dùng trên toàn quốc.
Cục Trẻ em thuộc Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội có trách nhiệm quản lý sử dụng số dịch vụ Tổng đài Quốc gia bảo vệ trẻ em, đưa số điện thoại này vào sử dụng, hướng dẫn cho người sử dụng số dịch vụ này.
Tổng đài Quốc gia bảo vệ trẻ em đi vào hoạt động đem lại hy vọng đưa kẻ xấu ra trước vành móng ngựa. Ảnh: Thu Hà
Trước đó, năm 2004, Cục Bảo vệ, chăm sóc trẻ em cũng đã thành lập đường dây tư vấn và hỗ trợ trẻ em “Phím số diệu kỳ - 18001567”. Tuy nhiên, trong một Hội nghị tập huấn Luật Trẻ em do Hội Liên hiệp phụ nữ Hà Nội tổ chức gần đây đã đã nhận định còn nhiều người, trong đó có trẻ em, nhất là trẻ em ở các tỉnh, thành còn chưa biết đến đường dây tư vấn này.
Tổng đài Quốc gia bảo vệ trẻ em với 3 số dễ nhớ 111, dùng chung trên toàn quốc là một bước tiến quan trọng nhằm xử lý thông tin, thông báo, tố giác nguy cơ, hành vi xâm hại trẻ em; tiếp nhận và xử lý thông tin, thông báo, tố giác hành vi xâm hại trẻ em.
Các cơ quan, tổ chức, cơ sở giáo dục, gia đình, cá nhân nếu phát hiện hoặc có thông tin về hành vi xâm hại trẻ em hoặc trẻ em có nguy cơ bị xâm hại có trách nhiệm thông báo ngay cho tổng đài 111.
Lời khuyên của luật sư với các phụ huynh khi phát hiện con bị xâm hại
Trong tình hình các vụ xâm hại trẻ em chưa bao giờ hết “nóng”, Tổng đài Quốc gia bảo vệ trẻ em được cấp số dịch vụ 111 đã khiến các bậc phụ huynh cảm thấy yên tâm hơn.
Chị Lê Thanh Hà (Q. Ba Đình, Hà Nội) đã tỏ ra đồng tình: “Đa số các vụ xâm hại xảy ra ở những vùng nông thôn nghèo khó. Cha mẹ bận bịu mưu sinh, chưa biết cách xử trí cần thiết khi có vụ việc, lại sợ sự dèm pha, bàn tán của xóm làng. Nếu có tổng đài với dãy số dễ nhớ như thế, cha mẹ có con bị xâm hại và ngay cả trẻ bị xâm hại có thể gọi đến để được hỗ trợ, can thiệp cần thiết”.
Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ (Chi hội trưởng Chi hội Luật sư bảo vệ quyền trẻ em TP. Hồ Chí Minh), người bảo vệ miễn phí cho gia đình em bé xâm hại khẳng định việc cha mẹ bình tĩnh gọi điện đến Tổng đài Quốc gia bảo vệ trẻ em, các tổ chức bảo vệ trẻ để được hướng dẫn lưu giữ chứng cứ, đưa con em đi khám và nhận được hỗ trợ về mặt pháp lý là điều quan trọng nhằm đòi lại công lý cho người bị hại.
Luật sư Ngọc Nữ cùng bố của một em bé bị xâm hại trong hành trình đòi lại công lý. Ảnh: NVCC
Điều đầu tiên cha mẹ cần làm là giữ nguyên hiện trường, tuyệt đối không được xóa dấu vết ở trên người con như vết máu, tinh dịch.
Sau đó báo cáo ngay với tổ dân phố, hội phụ nữ, công an phường ngay khi phát hiện vụ việc.
Lưu lại hết những chứng cứ như hình ảnh, máy tính, điện thoại có liên quan đến việc xâm hại nhằm giúp công an phá án.
Nếu vụ việc xảy ra lâu rồi thì đưa trẻ đến cơ quan y tế thăm khám và làm ngay đơn tố cáo kèm theo kết luận của cơ quan y tế.
Đồng thời, cha mẹ có thể gọi ngay đến đường dây nóng để được hỗ trợ.
•Tổng đài Quốc gia bảo vệ trẻ em: 111
• Hội Bảo vệ quyền trẻ em TP.HCM: 18009069.
• Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ (Hội Bảo vệ quyền trẻ em TP.HCM): 0906 386 166.
Thu Hà
Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!
Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất