Các gia đình làm gì khi cuối năm côn đồ bất ngờ ập đến nhà đòi "trả nợ đạy"?
Tin liên quan
Bi kịch con vay nợ chơi bời, bố mẹ còng lưng "trả nợ đạy"
Khi nhắc tới cảnh nợ nần, bạn Phạm Văn T. (SV trường KInh doanh và Công nghệ) cho biết: “Do hay chơi lô đề nên mình đã dại dột vay tiền của một quán cầm đồ quen biết. Lúc đó mình vay 50 triệu và nghĩ rằng có thể gỡ lại được số tiền khi trúng lô. Nhưng ngày hôm đó mình mất trắng số tiền trong chớp mắt vì đánh không trúng con lô nào"
Chàng thanh niên này cũng cho hay, với số tiền vay 50 triệu, T. đã phải trả lãi một ngày 400 ngàn đồng. Dù đã cố gắng tìm mọi cách làm thêm để trả nợ nhưng số tiền lãi ngày một nhiều hơn. Cuối cùng, T. không có khả năng trả nợ và có nguy cơ bị đuổi học vì chủ nợ báo cho nhà trường biết. Vì thế, không còn đường nào khác, T. phải báo nợ về cho gia đình đề bố mẹ lên trả nợ đạy.
Ảnh minh họa
T cho biết, lúc cho vay thì chủ nợ mời chào cho vay rất nhanh không cần phải thế chấp. Thế nhưng khi không đòi được, các chủ nợ thường dùng chiêu về tận nhà đòi nợ. Bởi vì các chủ nợ nắm được tâm lý phụ huynh luôn lo lắng nhất cho con cái của mình. Bởi thế, chủ nợ cứ "nhằm" vào đó đòi tiền.
“Tất nhiên, chủ nợ sẽ không thể đến tận nhà đòi nợ. Như bà chủ nợ của mình, bà thuê thêm 3 thanh niên xăm trổ và khá ngổ ngáo đến nhà mình. Khi về đến nhà, 3 thanh niên này ăn nói với bố mẹ mình rất bình tĩnh. Tất nhiên, họ đưa giấy vay nợ của mình ra. Bố mẹ mình thấy con vay nợ thì ai nấy đều tá hoả hết", T. kể.
Ban đầu, ông Thêu - bố T cho rằng, họ không phải trả nợ đạy cho con trai. Nhưng khi ông bà không trả, 3 thanh niên kia cứ "ăn nằm" tại đó "bắt vạ". Vì thấy bản thân quá "chướng tai gai mắt" với cảnh đó và sợ mang tiếng với hàng xóm nên cuối cùng, ông Thêu đành phải đi vay mượn tạm anh em trong gia đình cắn răng trả nợ đạy cho con trai.
Chia sẻ về chuyện con trai trót dại vay nặng lãi chơi bời, ông Thêu nói: "Con trai mình ngốc nghếch thì mình phải chịu. Thôi, con dại cái mang, đành cố trả cho xong đi. Không suốt ngày chúng ăn nằm vạ vật ở đây thì quá chướng mắt và mang tiếng".
Cũng là phụ huynh có con vay nặng lãi, bà Dần, 60 tuổi ở Vạn Phúc, Hà Đông suốt ngày sống trong nỗi lo sợ bị bọn vay nợ của con đến nhà đòi tiền.
Chẳng là con trai bà năm nay đã gần 30 tuổi, song vẫn ham chơi lêu lổng, ăn không muốn làm. Vì chưa có vợ con nên con trai bà suốt ngày đàn đúm chúng bạn. Rồi ăn chơi không có tiền, con bà còn dám đi thuê xe taxi rồi cắm mất của người ta.
"Nó cắm 300 triệu nhưng lại ghi trong giấy nợ tận 500 triệu. Sau đó, không trả được nợ thì trốn đi biền biệt. Tôi chỉ biết chuyện con trai nợ khi bọn đòi nợ tới nhà đòi. Vợ chồng tôi thì công nhân về hưu, lấy đâu ra tiền trả chúng. Vì thế cứ cách dăm bữa nửa tháng, chúng lại đến nhà đòi", bà Dần khổ sở kể lại.
Vì không có tiền trả nợ đạy cho con nên con trai bà cứ bỏ nhà đi biền biện. Nhà có công việc con trai bà Dần cũng không dám về nhà. Vì sợ về nhà sẽ bị bọn đòi nợ đánh.
"Vừa rồi, thương con cứ trốn chui trốn lủi, vợ chồng tôi cố gắng chạy vạy vay mượn, rồi rút hết sổ tiết kiệm ra để trả cho bọn vay nợ kia. Trả nợ con trai sẽ được về nhà. Hơn nữa chúng không còn đến nhà chúng tôi làm phiền hay doạ nạt nữa", bà Dần cho biết.
Chiêu các gia đình cứng rắn đối mặt với côn đồ đòi nợ?
Theo luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng văn phòng luật sư Chính Pháp, Đoàn luật sư Hà Nội: cướp tài sản, cưỡng đoạt tài sản, bắt giữ người trái pháp luật, hủy hoại tài sản… có ít nhất 4 tội danh nêu trên mà đối tượng tham gia thực hiện các vụ đòi nợ trái pháp luật sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Theo luật pháp, các đối tượng đòi nợ không được phép dọa dẫm, bắt giữ con nợ cũng như người nhà. Nếu người vay nợ trên 20 tuổi thì theo điều theo quy định tại điều 17, 18 và 19 Bộ luật Dân sự 2005, bố mẹ không có trách nhiệm phải trả nợ thay con, trừ trường hợp bố (mẹ) người ấy nhận trách nhiệm là người bảo lãnh.
Theo điều Điều 103 Bộ Luật Hình sự: Người nào đe doạ giết người, nếu có căn cứ làm cho người bị đe dọa lo sợ rằng việc đe doạ này sẽ được thực hiện, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến ba năm.
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp nghiêm trọng thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm. Nếu các chủ nợ thuê, hoặc tự mình gây thương tích cho con nợ thì vi phạm điều 104 Bộ Luật Hình sự: Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác, theo đó: Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác, tùy mức độ có thể bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm, trường hợp gây thương tích nghiêm trọng có thể bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm, làm chết người có thể bị phạt đến tử hình.
Ảnh minh họa
Cũng liên quan đến vấn đề trên, một lãnh đạo đội điều tra tổng hợp, công an TP Hà Nội cho biết vào dịp cuối năm thường là dịp mà các đối tượng cho vay nặng lãi đòi nợ ráo riết nên gia đình nào có con em đang vay nặng lãi phải hết sức tính táo khi giải quyết sự việc, tránh để xảy ra tình trạng xô xát không mong muốn.
Thứ nhất các gia đình bị chủ nợ đòi phải biết tất cả các hành động như đe dọa, bắt giữ người, hay đánh người, lấy tài sản của những người đi đòi nợ thuê đều vi phạm pháp luật. Vì thế, khi gia đình nào bị những người đòi nợ có những hành vi trên thì phải trình báo ngay cơ quan công an sở tại để tránh xảy ra chuyện không mong muốn.
Thứ hai, khi chủ nợ đến đòi, các gia đình hãy bình tĩnh nói chuyện và xử lý. Trong trường hợp số nợ quá nhiều hãy thương lượng để trả dần tiền nợ.
Lãnh đạo đội điều tra tổng hợp nói thêm, tất cả các lời đe dọa giết người của chủ nợ cần phải có bằng chứng. Vì thế, các gia đình nên ghi âm lời nói, chụp tin nhắn để cơ quan công an mới có căn cứ để giải quyết vụ việc khi người dân trình báo.
Trang Lê
Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!
Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất