Cá chép tiễn ông Công ông Táo chầu trời nên cúng cá chép sống, cá mã hay xôi hình cá?
Tin liên quan
Ngày nay, do bận rộn công việc và thay đổi quan niệm, khẩu vị nên nhiều gia đình đã giản tiện mâm cỗ cúng ông Công ông Táo, không còn cầu kỳ đầy đủ tất cả món ăn truyền thống.
Bộ mã cúng ông Công ông Táo luôn là lễ vật không thể thiếu trong ngày lễ 23 Tháng Chạp. Ảnh minh họa.
Tuy nhiên, có một lễ vật không thể thiếu trên mâm cỗ cúng là cá chép. Cúng cá chép sống hay cá chép đã luộc, rán? Cúng cá sống hay cá mã? Nếu cúng cá sống, cá đã chế biến thì sau đó nên làm thế nào để cá chép “hóa rồng”? Đó luôn là những thắc mắc của hầu hết bà nội trợ khi làm lễ cúng.
Chị Lê Thùy Dương (Q. Ba Đình, Hà Nội) cho biết, có năm do muốn giản tiện, chị đã nấu xôi gấc, nặn thành hình cá chép để cúng thay cá sống cho đỡ mất công hóa, đổ tro. Thế nhưng bản thân chị cũng không biết việc làm này có phạm điều cấm kỵ hay không.
Không ít gia đình đã giản tiện cá chép sống bằng đĩa xôi hình cá. Ảnh minh họa.
Trao đổi với PV Em Đẹp, Chuyên gia phong thủy Bùi Quang Minh khẳng định cúng cá chép là một phong tục không thể thiếu trong ngày lễ ông Công ông Táo.
Theo phong tục cổ truyền Việt Nam, Táo quân là vị quan túc trực quanh năm ở trong bếp để cai quản mọi việc ở trong nhà. Thần Táo quân gồm 3 người, 03 táo ông và 01 táo bà. Hàng năm cứ đến ngày 23 tháng Chạp (tháng 12 âm lịch), thần Táo quân cưỡi cá chép lên thiên đình để bẩm báo với Ngọc Hoàng mọi việc tốt xấu trong năm của từng người trong gia đình trong năm qua. Vì thế, ngày 23 tháng Chạp còn gọi là ngày Tết ông Công ông Táo.
Chuyên gia phong thủy - Lương y Bùi Quang Minh. Ảnh: NVCC
Để Vua Bếp “phù trợ” cho mình nhiều điều may mắn trong năm mới, các gia đình thường làm lễ tiễn đưa ông Táo về chầu Trời rất trọng thể với các món ăn truyền thống cùng giấy tiền vàng mã, hia và áo mũ, cá chép để tiễn ông Công, ông Táo về chầu trời.
Lễ vật cúng ông Công, ông Táo không thể thiếu cá chép
Chuyên gia phong thủy Bùi Quang Minh nhận định, việc cúng cá chép sống hay cá chép mã là lựa chọn của mỗi gia đình. Dù lựa chọn nào đi chăng nữa cũng vẫn phải dựa trên lòng thành kính với gia tiên tiền tổ.
Lễ vật cúng ngày ông Công ông Táo nên cần có cá chép để tiễn ông Táo về trời. Ảnh minh họa.
Cách cúng cá mã, cá sống
Nếu bà nội trợ lựa chọn cúng cá mã thì sau đó, đồ mã đã hóa nên vùi gốc cây với ý nghĩa hướng về cội nguồn, tổ tiên, tránh vứt ra sọt rác, nơi ô uế.
Nếu cúng cá chép sống thì sau khi cúng xong, cá cần được phóng sinh, thả xuống sông để hoàn tất việc tiễn ông Công ông Táo về chầu trời.
“Tránh phạm phải sai lầm mua cá to, luộc, nướng, rán, cúng xong lại ăn thì cá không thể hóa rồng”, Chuyên gia Bùi Quang Minh nói.
Tránh bắt lại cá chép đã phóng sinh
Cá chép đã thả là "vía" đã bay lên trời. Ảnh minh họa.
Vào ngày ông Công ông Táo có hiện tượng bên trên thả cá phóng sinh, còn bên dưới có thuyền đón cá, bắt trở lại và…đem bán kiếm lời. Chuyên gia Bùi Quang Minh khẳng định về mặt tâm linh, cá chép một khi đã thả xuống sông thì “vía” đã bay lên trời. Người ta cố tình hay vô tình bắt phải con cá đó, đem cúng thì chỉ là xác thịt, không còn ý nghĩa “cá chép hóa rồng”.
Không dâng cúng “bạn của nhà nông”
Ngoài ra, chuyên gia Bùi Quang Minh cũng khuyến cáo thêm các gia đình không dâng cúng thịt chó, trâu, bò, mèo trong ngày ông Công ông Táo cũng như lễ Tết. Bởi chó là loài vật trung thành, có tác dụng trông giữ nhà cửa. Mèo bắt chuột. Trâu bò là bạn của nhà nông. Chỉ nên dâng cúng thịt gà, thịt lợn trên mâm cỗ cúng mặn.
Tùy theo từng gia cảnh, các gia đình có thể làm các món cúng như xôi gà, chân giò luộc, các món nấu nấm, măng…và các lễ vật chay trầu cau, hoa, quả, giấy vàng, giấy bạc để tiễn Táo Quân về chầu trời.
Thu Hà
Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!
Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất