Bệnh nhân viêm não Nhật Bản tăng cao đột biến

2014-06-30 16:38
- (Emdep) – So với cùng kì năm 2013, số bệnh nhân viêm não Nhật bản B đã tăng cao gấp gần 4 lần khiến các nhà chuyên môn lo ngại bệnh có thể bùng phát thành dịch.
Hiện đang là mùa của bệnh viêm não và tháng 6-7 là tháng cao điểm của bệnh này. BV Nhi TƯ cho biết tính tới thời điểm này toàn bệnh viện có khoảng 130 cháu viêm não, trong đó có khoảng gần 30% là viêm não Nhật bản B – cao gấp gần 4 lần so với 2013 (tỉ lệ này năm 2013 chỉ là 8%).

Bên cạnh đó, điểm đáng chú ý là bệnh nhân chủ yếu đến từ Hà Nội (chiếm khoảng 30%). Những diễn biến này rất giống với dịch sởi ở thời điểm bắt đầu.

TS Trần Minh Điển – PGĐ BV Nhi TƯ lo ngại: “Liệu có phải người dân lo ngại tiêm chủng nên không đi tiêm, khiến số bệnh nhân gia tăng?”.

Tại khoa Truyền nhiễm của BV Nhi TƯ hiện đang điều trị cho khoảng trên 30 ca viêm não, dù chưa có phân tích cụ thể nhưng có buồng bệnh có 4 bệnh nhân mà có tới 3 bệnh nhân chưa tiêm chủng, 1 bệnh nhân không rõ tiền sử tiêm chủng. Thực tế này cho thấy lo ngại của PGĐ BV Nhi TƯ là có cơ sở.

Ông Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết tỉ lệ tiêm vắc xin viêm não ở VN là 97%. Những diễn biến ở BV Nhi TƯ cần được xem xét, phân tích và theo dõi trên nhiều góc độ (về tuổi bệnh nhân, tiền sử tiêm chủng, vv …) để có đánh giá chính xác.

Viêm não Nhật Bản là căn bệnh rất nguy hiểm với trẻ em. 

Việc quan trọng trong thời điểm này, theo ông Phu, là cha mẹ cần đưa con đi tiêm chủng theo đúng khuyến cáo của Bộ Y tế.

Theo đó, cần tiêm mũi 1 lúc trẻ được 1 tuổi; mũi 2 sau mũi 1 từ 1 đến 2 tuần; mũi 3 cách mũi 2 là 1 năm. Sau đó cứ 3-4 năm tiêm nhắc lại một lần cho đến khi trẻ qua 15 tuổi. Hiệu lực bảo vệ của vắc xin viêm não là 90%.

Những điều cần biết về bệnh viêm não và khuyến cáo của Bộ Y tế:

- Viêm não Nhật bản là bệnh nhiễm virus viêm não Nhật bản cấp tính làm tổn thương hệ thần kinh trung ương, có tỷ lệ để lại di chứng thần kinh và tử vong cao. Bệnh lây truyền qua muỗi đốt.

- Biểu hiện chính của bệnh là có sốt cao và kèm theo các triệu chứng liên quan đến tổn thương hệ thần kinh trung ương như: nhức đầu dữ dội, buồn nôn và nôn, cứng cổ, lú lẫn, co giật, đờ đẫn, hôn mê... trẻ nhỏ thóp phồng (nếu còn thóp), khóc tăng lên khi trẻ thay đổi tư thế hoặc gồng cứng người.

- Bệnh viêm não Nhật bản B cho tới nay chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, nhưng có thể phòng ngừa. Tiêm vắc xin đầy đủ và đúng lịch là biện pháp dự phòng chủ động hiệu quả và khả thi nhất.

Ngoài biện pháp tiêm vắc xin, để phòng bệnh hiệu quả, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế khuyến cáo người dân:

- Ngủ màn, mặc quần áo dài, dùng các chất xua đuổi côn trùng để phòng muỗi đốt.

- Thực hiện vệ sinh môi trường, vệ sinh khu chăn nuôi, phát quang bụi rậm, khơi thông hoặc lấp các cống rãnh, thường xuyên diệt muỗi, bọ gậy/lăng quăng.

- Khi có dấu hiệu sốt cao cùng với các triệu chứng liên quan đến tổn thương hệ thần kinh trung ương cần phải đưa trẻ ngay đến cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Yến Ngọc
logo smaill

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất

Thiều Bảo Trâm chỉ cách tắm trắng 'thần tốc - siêu rẻ' tại nhà, chỉ 3 tuần là da bật tông nõn nà