"Bà giáo" 85 tuổi, lưng còng vẫn tự tay làm đèn lồng TRUNG THU cho 18 đứa con khuyết tật
Tin liên quan
Tự bỏ tiền túi mua Trung Thu cho trẻ tật nguyền
Lớp học tình thương của nhà giáo nghèo về hưu Hồ Hương Nam, 85 tuổi, một nơi ít được mọi người nhớ tới trong dịp Tết trung thu này. Ở đó, 18 năm qua, “bà giáo Nam” ngày ngày kỳ cạch đi bộ tới dạy các bạn tật nguyền.
Bà giáo Hồ Hương Nam, 85 tuổi đã dạy học miễn phí cho trẻ khuyết tật, thiểu năng trí tuệ 18 năm qua. Ảnh: Thu Hà
Bà giáo Nam vừa phải dạy, vừa phải dỗ các em. Với bà, đây cũng là “đàn con” bà thương yêu nhất. Dạy người thường đã khó, dạy trẻ tật nguyền còn khó hơn.
18 năm, biết bao lứa học sinh hẩm hiu, không bình thường đã được bà dạy cho biết đọc, biết viết, biết thế nào là đến lớp như bao bạn bè đồng trang lứa.
Đã có bao nhiêu mùa trung thu bà giáo nghèo tự bỏ tiền túi ra mua bánh nướng, bánh dẻo cho đàn con tội nghiệp vui trung thu.
“Thương lắm! Vất vả nhưng vui. Chỉ có tình thương mới có thể giúp tôi vượt qua bao nhiêu gian nan”, bà giáo Nam bộc bạch.
Hiện sĩ số lớp học là 18 em tật nguyền. Trường THCS An Dương (đối diện chợ Yên Phụ) đã đầu tư khang trang cơ sở vật chất, không còn lụp xụp như nơi cũ.
Sau một lần đến thăm lớp học tình thương của bà, chị Loan Trần, Hà Nội (hay còn gọi Mẹ Loam Kem Mút) đã lập tức cùng những người bạn thân của mình góp tiền tổ chức Tết trung thu tại đây.
“Thương bọn trẻ một thì nể bà giáo Nam 10. Lớp học giờ được Trường THCS An Dương đầu tư khang trang lắm. Nhưng điều bà Nam và các con thiếu là sự động viên về tinh thần, khích lệ để truyền cảm hứng thật nhiều những thế hệ giáo viên, sinh viên và học sinh tiếp theo có tấm lòng chia sẻ cao đẹp như bà giáo Nam đã làm trong 18 năm qua”, chị Loan cho biết.
Hiện lớp học có 18 em học sinh khuyết tật, thiểu năng trí tuệ. Ảnh: Thu Hà
Chị Loan còn kéo cả cậu con trai tròn 14 tuổi tới đây làm chú hề, vặn bóng cho các bạn nhỏ. Chị cùng con làm điều này với tâm niệm làm lan tỏa những giá trị đẹp cho cộng đồng.
Ao ước các con được vui như Tết trung thu xưa
Trong tâm trí của bà giáo Nam, Tết trung thu xưa của bà thiếu thốn lắm. Chỉ có chút bánh trái để phá cỗ đêm rằm.
“Trung thu trước đây chỉ giàu ánh trăng. Thiếu thốn vật chất nhưng trong trẻo, háo hức. Giờ đủ đầy nhưng tôi vẫn mong muốn các cháu được hưởng niềm vui của trung thu miền cổ tích”, nhà giáo Nam chia sẻ.
Mặc dù lưng đã còng, tóc bạc phơ, người thì nhỏ thó nhưng bà giáo Nam vẫn bắt nhịp bọn trẻ cùng nhau hát “tùng dinh dinh cắc tùng dinh dinh”, “Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng” một cách trẻ trung, rộn rã.
Bà giáo Nam đi từng bàn, tự tay làm đèn trung thu cùng học sinh của mình. Ảnh: Thu Hà
Bà đi từng bàn, tự tay làm đèn ông sao cùng bọn trẻ. Bọn trẻ cùng nhau vẽ mặt nạ, háo hức nhận những tấm bánh của mùa trăng tròn. Em Nguyễn Thị Lam, 29 tuổi, mới đến lớp học này được khoảng một tuần xúc động nói: “Chưa bao giờ em được vui trung thu thế này!”.
Hoàn cảnh của Lam rất đáng thương, bố em mất sớm, mẹ bị bệnh hiện ở quê. Lam cho biết em lên đây làm cho quán cơm, lương tháng được 1.5 triệu, em chỉ dám tiêu 500.000 đồng. Còn 1 triệu đồng em gửi về quê cho mẹ chữa bệnh.
Bà giáo Nam cho chúng tôi biết thêm 18 học sinh khuyết tật là 18 mảnh đời phức tạp khác nhau. Các em đều đến đây học miễn phí.
Mới đây, bà còn tự bỏ tiền túi ra may đồng phục, may mũ cho các em đón một năm học mới tươm tất. Mặc dù mỗi tháng, lương hưu của bà chỉ có 2.5 triệu đồng, cộng thêm 1 triệu con trai gửi biếu mẹ là 3.5 triệu. Vậy mà có bao nhiêu bà dồn hết cho lớp học tình thương này.
Ngắm nhìn bọn trẻ vui vẻ, háo hức với chiếc đèn ông sao, với tấm bánh trung thu thơm thảo, bà Nguyễn Thanh Bình, 65 tuổi, ngụ tại Khu đô thị Tân Tây Đô không khỏi xúc động.
Bà Thanh Bình, một nhà giáo về hưu cũng lặn lội đến đây vui trung thu cùng trẻ khuyết tật. Ảnh: Thu Hà
Bà vốn là một nhà giáo đã về hưu. Bà Bình tham gia thiện nguyện trung thu theo lời “rủ rê” của con gái. “Bà vui và cảm động lắm khi nhìn thấy các con hồn nhiên vui trung thu thế này. Bà đi tình nguyện trung thu mấy lần với con gái rồi. Có thời gian là bà đi”, bà Bình chia sẻ.
Buổi thiện nguyện này đã khiến bà hồi tưởng lại trung thu xưa. “Trung thu thời xưa năm nào cũng có một mâm cỗ, mấy chị em trải chiếu ra sân đợi trăng lên. Trăng lên, ánh trăng sáng chan hòa cả sân nhà. Mỗi chị em một cái đèn lồng, có mũ sư tử, đi rước đèn từ đầu xóm đến cuối xóm. Bà luôn mong các con ở đây được hưởng mùa trung thu vui vẻ như thế”, bà Bình xúc động nói.
Đơn giản nhưng đọng lại là những niềm vui. Ảnh: Thu Hà
Buổi thiện nguyện chỉ kéo dài hơn một tiếng đồng hồ. Nhưng đong đầy trong ánh mắt bà giáo Nam và bọn trẻ là những niềm vui trong trẻo, thương yêu. Đó là món quà lớn nhất bà và các em nhỏ mong muốn được nhận trong mùa trăng tròn này.
Thu Hà
Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!
Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất