Áp phạt nặng hàng xách tay, dân buôn "sốt vó" lo thất thu, mất "xới"

2020-10-03 22:00
- Buôn hàng xách tay không tăng giá cũng đã lãi tiền hoàn thuế, là mảnh đất kinh doanh màu mỡ. Tuy nhiên, quy định mới sắp có hiệu lực sẽ siết chặt lại loại hình kinh doanh được cho là buôn lậu này.

Buôn bán hàng xách tay hiện nay không chỉ tiếp viên hàng không, phi công làm được, mà rất nhiều dân buôn cũng nhảy vào sân chơi này. Bởi việc bay đi nước ngoài và mua hàng vô cùng đơn giản.  

Theo chị L.M.P. (Ba Đình, Hà Nội) - một người chuyên buôn hàng Nhật: Các chuyến bay sang Nhật trước đây rất nhiều, không cần biết tiếng Việt mà chỉ cần một chút tiếng Anh giao tiếp là có thể sang mua hàng.  

  Quy định mới khiến dân buôn tính bỏ nghề    

“Điều quan trọng là xác định được mặt hàng gì khách đang cần, mặt hàng nào tốt và hàng nào đang có khuyến mại. Do bán đúng giá niêm yết, thậm chí bán theo giá khuyến mãi nên lượng khách của tôi ngày một lớn” - chị P nói.  

Chị P. giải thích lãi nhiều vì nếu sang Nhật theo dạng visa du lịch sẽ được hoàn thuế 10% ngay tại chỗ. Mỗi chuyến sang Nhật, mua 1 tỷ đồng tiền hàng là đã thu về được 100 triệu đồng, chưa kể ăn lãi theo chênh lệch tỷ giá.  

Tuy nhiên, thời điểm dịch, chị P. không thể bay sang đó mà chỉ có thể nhờ em gái mua hàng rồi chuyển về giúp. Do không được hưởng ưu đãi thuế nên chị P. buộc phải bán giá cao hơn.  

Khó khăn lại đến thêm khi Nghị định 98/2020/NĐ-CP sẽ có hiệu lực từ 15/10 mức phạt thấp nhất là 500.000 - 1.000.000 đồng áp dụng với giá trị hàng hóa dưới 3 triệu đồng; với hàng hóa có giá trị trên 100 triệu đồng, phạt từ 40 - 50 triệu đồng.  

  Hàng xách tay đang bị siết chặt    

Nếu hàng nhập lậu thuộc danh mục cấm nhập khẩu hoặc tạm ngừng nhập khẩu hoặc là thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, chất bảo quản thực phẩm, thuốc phòng bệnh và thuốc, nguyên liệu làm thuốc, mỹ phẩm, trang thiết bị y tế, hóa chất, chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn… phạt tiền gấp 2 lần bảng nêu trên (tương đương tối đa 100 triệu đồng).  

Đặc biệt, mức phạt mức phạt với tổ chức vi phạm gấp đôi mức phạt với cá nhân, tương đương 200 triệu đồng.  

Điều này khiến dân buôn hàng xách tay như chị P. đang vô cùng lo lắng. Bởi theo chị, mỗi chuyến hàng có giá trị cả tỷ đồng, nhưng tiền lãi thu về chỉ được khoảng 100 triệu đồng, nếu phạt như vậy thì mất sạch.  

“Nếu tình hình căng thẳng quá, tôi sẽ đóng cửa để làm công việc khác, hoặc tạm dừng cho tới khi tìm được hướng xử lý tốt hơn” - chị P. cho hay.  

Biết thông tin siết chặt lại hàng hoá xách tay, nhưng anh P.N. đang kinh doanh điện thoại xách tay.lại tỏ ra rất bình thản. Thậm chí khi được hỏi, anh N còn dí dỏm trả lời: “Phạt người bán thôi chứ người mua có sao đâu!”.  

Cũng theo anh N, luật chống buôn hàng lậu năm nào cũng có, nhưng không buôn hàng xách tay thì biết mua ở đâu. Nếu có bị phạt thì cũng đành chịu.  

Tới đây, khi iPhone 12 ra mắt, anh N. cũng khẳng định sẽ có hàng xách tay mang về phục vụ khách.  

Hiện tại, hoạt động bay quốc tế chưa được mở lại bình thường nên việc vận chuyển cũng gặp khó khăn hơn. Tuy nhiên, gần Tết, thị trường này sẽ sôi động trở lại, bởi nhu cầu sẽ tăng mạnh.  

Theo Dân Trí

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất

Làm gì khi con gái im lặng?