Trồng hoa hồng tô điểm cho không gian thêm lãng mạn

Lục Bảo 2015-08-24 21:20
- Nếu bạn "chót" mê mẩn những không gian ngọt ngào, lãng mạn với sự có mặt có những khóm hồng khoe sắc thắm, thì hãy bớt chút thời gian, tự tay trồng hồng, mang vẻ đẹp lãng mạn của hồng đến tổ ấm của mình.
Bạn vẫn luôn nghĩ, hoa hồng là loại cây trồng cần nhiều công chăm sóc, sự cầu kỳ, chi tiết trong việc cắt tỉa và vun xới. Tuy nhiên, nếu bạn có thời gian, có thêm một chút kiên trì, tỉ mẩn trong công việc, chắc chắn ngôi nhà của bạn sẽ lung linh hương sắc, thơm dịu dàng, quyến rũ của hoa hồng trong những ngày sắp tới.
Theo thống kê, hoa hồng có khoảng 350 loài với sự đa dạng về màu sắc, hình dạng được phấn bố khắp toàn cầu. Ở Việt Nam hiện nay đang trồng khoảng 50 loại, trong đó phổ biến nhất là hồng tỉ muội, hồng Đà Lạt, hồng lửa, hồng leo... Dù khá khác nhau về kích cỡ, màu sắc, hình dạng nhưng hầu hết các loại hồng đều có những điểm chung trong việc trồng và chăm sóc.
Bởi đại đa số các loại hoa hồng đều không chịu được úng, ngập, thích hợp ở những vùng đất tơi xốp, có độ ẩm thấp. Hồng cũng là loài cây ưa sáng, chịu lạnh tốt, thích hợp trồng ở những vùng đất thông thoáng, mát mẻ với nhiệt độ trung bình từ 15 - 30 độ C. Đặc biệt, để hồng có thể nở nhiều hoa, bạn nên dành thời gian cắt tỉa nhánh cho cây, và chăm chỉ cắt hoa, càng cắt nhiều, cây hồng càng sinh ra nhiều nhánh và tần suất nở hoa cũng tăng lên nhiều.

1. Chọn giống

Thông thường, bạn có thể mua hạt giống ở những cửa hàng trồng cây cảnh, để ngâm hạt và gieo trồng theo hướng dẫn ở bao bì. Tuy nhiên, nếu thích một giống hoa nào đó,  hoặc có nhu cầu nhân giống từ cây hoa mua về, bạn có thể chọn phương pháp giâm cành hay chiết cành. Với phương pháp này, bạn có thể chọn một vài cành hồng khỏe mạnh, có sức sống tốt, nên chọn cành thẳng, khỏe mạnh, chắc chắn, dùng kéo cắt chéo một góc 45 độ, cắt sát gần thân cây.
Sau khi cắt cành, bạn nên ngắt bỏ toàn bộ lá và hoa mọc trên cành chỉ giữ lại phần ngọn, dùng dao nhọn để rạch ở phần gốc vừa cắt. 
Để cành cây phát triển rễ nhanh chóng, bạn nên nhờ sự hỗ trợ của thuốc kích thích mọc rễ, bôi thuốc vào phần vừa rạch trên gốc vừa cắt.

2. Chọn đất trồng

Hoa hồng khá dễ tính trong việc lựa chọn đất để sống. Cây có thể mọc ở đất trung tính, hơi chua. Tuy nhiên, cây hoa hồng có thể phát triển mạnh mẽ ở đất thịt nhẹ, nhiều mùn, hoặc đất cát pha, có thể thoát nước tốt.
Trước khi giâm các cành hồng xuống đất hoặc chậu, bạn nên xử lý đất bằng cách nhặt cỏ sạch sẽ, bón thêm phân hữu cơ hoặc phân vi sinh phía dưới của hốc đất chuẩn bị trồng. 
Trồng cây hồng trong chậu.
Trồng cây hồng trong sân vườn.

3. Cách chăm sóc

Trong thời gian giâm cành, bạn cần dành nhiều công sức để chăm sóc thật tốt, giúp cành ra rễ, bén rễ vào đất nhanh hơn. Bạn có thể nhìn tình trạng đất cũng như độ tươi của cành hồng để điều chỉnh độ ẩm cũng như tần suất xới đất cho cây. Nếu thấy đất hơi khô, cành hơi héo, bạn nên tưới thêm nước cung cấp đủ lượng nước cần thiết cho cây. Cành cây sẽ nhanh chóng mọc mầm phía trên, mọc lá và hoa sau khoảng 1 - 2 tháng chăm sóc.
Khi chọn khu vực đất trồng, hoặc nơi đặt chậu cây hồng, bạn nên chú ý đến hướng nắng. Nên chọn trồng hồng ở hướng nắng mặt trời chiếu xuống buổi sáng, để cây quang hợp tốt nhất, đây cũng chính là điều kiện giúp cây nhanh ra hoa, và ra nhiều hoa hơn.
Trồng hoa hồng tô điểm cho không gian thêm lãng mạn
Trong những ngày nắng gắt, để những bụi hồng, khóm hồng của bạn tươi tốt, tránh bị chết héo khi nhiệt độ quá cao, bạn nên dùng vòi nước phun nhẹ vào cây và vào khu đất. Không nên tưới cây vào chiều muộn, khiến cây dễ bị sâu bệnh hoặc úng nước.
Ngoài việc tưới nước, bạn nên để ý đến sự phát triển của các nhánh mới. Cần cắt tỉa thường xuyên, định kỳ để cây hồng ra nhiều nhánh, phát triển nhanh hơn, nhiều hơn. Tuy nhiên, với hồng leo, bạn lại không nên cắt quá nhiều nhánh, chỉ nên cắt khoảng 3 - 5 nhánh trên một cây, giúp những nhánh cây cùng thân cây leo lên phía trên giàn hoa. Khi cây mọc đủ ở độ cao cần thiết, lúc này mới cần đến việc cắt tỉa nhánh giúp cây luôn phát triển tươi tốt và ra nhiều hoa.

4. Bón phân

Để cây hoa phát triển tốt nhất, bạn nên lên kế hoạch bón phân định kỳ, mỗi tháng một lần. Nên bổ sung lượng phân bón xung quanh gốc, cách gốc cây với bán kính khoảng 5cm giúp cây dễ dàng hấp thụ chất dinh dưỡng tốt nhất. Nếu bón trực tiếp vào gốc, cây sẽ dễ bị phồng rộp, đốm lá, thối rễ và phát triển không đồng đều...

5. Trừ sâu bệnh

Hoa hồng là một trong những loại hoa nằm trong "tầm ngắm" của vô vàn sâu bệnh. Đây cũng là loại cây gặp nhiều trở ngại trong việc phát triển vì tần suất sâu bệnh rất nhiều, sâu từ thân cây, lá cây đến hoa. Những loại bệnh phổ biến thường gặp của hoa hồng là bệnh phấn trắng, bệnh đốm đen, bệnh gỉ sắt... Hãy theo dõi thường xuyên tình trạng phát triển của cây, nếu thấy biểu hiện bất thường, bạn có thể chụp lại ảnh hoặc mang một vài mẫu lá, cành bị sâu bệnh đến cửa hàng bán thuốc trừ sâu bệnh để nhanh chóng trả lại sự khỏe mạnh cùng vẻ đẹp tươi tốt, rực rỡ cho cây.

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất

Chẳng ai yêu mãi một người, cũng như tình yêu chẳng thể nào là duy nhất!