Mùa này trồng gì: "Thế giới đắng" trong vườn nhà em

Beng Beng 2014-10-12 11:29
- (Em đẹp) - Không có nhiều loại quả ăn đắng miệng mà vẫn gây "nghiện" cho nhiều người như khổ qua.

Ban đầu khi tập ăn thử mướp đắng (khổ qua), rất nhiều người cảm thấy khó chấp nhận với vị của nó, dù đã được chế biến kỹ càng. Tuy nhiên khi đã dần quen, phần lớn mọi người đều trở nên "nghiện" cái chất đăng đắng nơi đầu lưỡi nhưng "mát lòng mát dạ" ấy, nhất là khi biết loại quả này còn rất tốt cho sức khỏe. Một lý do mà Em đẹp khuyên bạn nên thử trồng mướp đắng trong vườn nhà đó là vì nó là loài cây khá là... "dễ dãi". Từ khâu gieo hạt cho đến khâu chăm sóc, thu hoạch quả đều được phần lớn các chị em có kinh nghiệm trồng "phán" rằng quá dễ.


Chẳng khó tính như nhiều loài cây khác về vấn đề nơi trồng, hầu như mướp đắng có thể "đặt đâu nằm đấy" nhưng tốt nhất nên trồng chúng trên đất cát pha giàu chất hữu cơ tơi xốp. Cây cần nhiều nước để giúp sinh trưởng, phát triển tốt, đặc biệt là giai đoạn ra hoa và tạo quả. Nên bón lót cho cây lúc mới trồng và bón thúc cho chúng vào mỗi thời điểm quan trọng.

Thời vụ trồng mướp đắng thường chia ra hai vụ là hè thu và đông xuân, trong đó vụ hè thu cho năng suất cao hơn nhiều. Tháng 10 này vẫn là thời điểm thích hợp để chúng ta bắt đầu tạo nên "thế giới đắng" ngay trong vườn nhà.

Các bước trồng cây mướp đắng để cho ra nhiều trái như sau:

Bước 1: "Phanh thây" tìm hạt

Bạn có thể mua được hạt giống cây mướp đắng ở hầu hết các cửa hàng bán hạt giống nhưng thú vị nhất vẫn là tự mua mướp đắng về "phanh thây" ra để lấy hạt. Để chọn được những hạt giống tốt, khỏe mạnh bạn nên lựa chọn những trái to, mập và cầm chắc tay. Nên chọn những trái đã già sẽ đảm bảo hạt giống nảy mầm nhiều nhất.

Dùng dao bổ dọc trái mướp ra bạn sẽ thấy phần thịt quả với hạt nằm ở giữa. Dùng thìa nhỏ nạo hết phần thịt và hạt quả vào một chiếc bát rồi rửa sạch. Lựa chọn những hạt tốt làm giống và loại bỏ những hạt lép, hạt xấu.

Hạt cây mướp đắng nằm lẫn với phần thịt quả khi ta bổ đôi trái.

Phơi khô hạt giống và bảo quản trong lọ chờ thời điểm thích hợp để tiến hành gieo trồng (nếu muốn).

Bước 2: Gieo mầm đắng

Trước khi đem gieo hạt giống bạn nên xử lý qua chúng bằng việc ngâm chúng vào nước ấm trong vòng 5 đến 6 giờ, sau đó vớt ra đem ủ vào khăn ẩm. Qua một đêm khi những hạt giống nứt nanh thì mới đem gieo chúng xuống đất.

Khi gieo, đặt hạt theo hướng cho đầu nhọn đã nứt nanh xuống dưới, phủ lên trên một lớp đất mỏng. Khi nó đã "yên vị" trong đất, nhớ tưới nước. Khoảng từ 7 đến 10 ngày có thể thấy hạt nảy mầm.

Hạt giống sau khi được xử lý.

Gieo mỗi chậu đất từ 2 đến 3 hạt là thích hợp nhất.

Khoảng 5 ngày hạt giống sẽ bắt đầu nảy mầm và vươn lên cao.

Sau khoảng 3 tuần cây đạt chiều cao khoảng 10 đến 15cm và đã ra 2, 3 lá thật.

Bước 3: "Uốn éo", lượn giàn

Khi cây cao 25 đến 30cm, bắt đầu ra từ 5 đến 6 lá thật và đã bắt đầu xuất hiện tua cuốn, ta đem trồng cây ra chậu lớn hơn hoặc trồng ra hẳn đất vườn rồi làm giàn cho chúng. Cây mướp đắng khi đã có tua cuốn thì rất mau lớn, ta có thể làm giàn kiểu chữ A, X hoặc nếu quá lười thì để mặc chúng leo lên bờ tường.

Chuyển cây con ra nơi trồng đã định sẵn và tiến hành làm giàn cho chúng leo.

Một khi cây đã bắt đầu bám giàn thì sẽ lớn rất nhanh. Thân có góc cạnh, lá mọc so le, phiến lá chia 5 - 7 thùy hình trứng, mép có răng cưa.

Tua cuốn của cây giống như những cánh tay bám chặt.

Hãy nhớ sửa nhánh cho dây leo phân bố đều, không chồng đè lên nhau giúp cây ra hoa đậu quả tốt. Cần tưới nước thường xuyên khoảng 2 lần một ngày. Sau khi cây đạt chiều cao khoảng hơn 1 mét thì sẽ bắt đầu ra hoa.

Hoa thường bắt đầu xuất hiện trên giàn leo trong vòng một vài tuần lễ sau khi trồng cây. Giống như tất cả các cây họ bầu bí, giàn mướp đắng có cả hoa đực và hoa cái. Hoa cái có một phần bầu nhỏ ở cuống hoa. Hoa đực sẽ nở đầu tiên còn hoa cái sẽ nở tiếp sau đó hoảng một tuần. Nhiệm vụ thụ phấn cho chúng thường là của các loài ong, bướm, nhưng để chắc ăn hơn thì bạn có thể tự ra tay giúp. Hoa đực chỉ sống được khoảng một ngày, nở vào buổi sáng và rơi xuống gốc cây vào lúc chiều tối. Đừng lo lắng nếu bạn bắt gặp những bông hoa rơi bên dưới giàn, cây không chết, chỉ là hoa đực "vắn số".

Hoa mướp đắng có màu vàng và trông nhỏ xinh.

Sau khi hoa nở khoảng 5 ngày thì cây bắt đầu cho ra trái. Những trái non nhú ra từ phần cuống sau khi hoa tàn, dần dần theo thời gian sẽ phát triển to lên đến kích thước chuẩn. Ở giai đoạn này nên ngắt bỏ bớt lá quá dày mọc gần quả non để tạo điều kiện cho quả non nhận đủ ánh sáng để phát triển.

Những trái mướp đắng non đầu tiên nhú ra từ phần cuống hoa.

Tỉa thưa giàn sẽ giúp cho trái non nhận được nhiều ánh sáng để mau lớn.

Trái đã đủ lớn để thu hoạch.

Kể từ khi gieo trồng đến lúc quả trưởng thành chỉ mất khoảng 2 tháng, nếu thời điểm này bạn trồng thì đến cuối năm đã có thể thu hoạch. Quả mướp đắng có màu xanh đậm, dáng thuôn dài và có nhiều nốt sần nhỏ. Thịt quả có màu nhạt, kết cấu tròn, tương tự như quả dưa chuột. Khi cây ra quả, cứ 2 đến 3 ngày là bạn có thể có trái để dùng.

Ngoài làm thực phẩm bổ dưỡng, trái mướp đắng còn là một bài thuốc dân gian quý, có tính mát, giúp thanh nhiệt lợi tiểu. Nước cốt mướp đắng tươi có tác dụng hạ đường huyết tốt, là món ăn lý tưởng cho người bệnh tiểu đường. Ngoài ra trái mướp đắng còn có khả năng ngăn ngừa bệnh ung thư nữa đấy nhé.

Beng Beng
Nguồn ảnh: SolidGold, Chicagookina
logo smaill

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất


6 người đẹp Việt khiến cư dân mạng 'thót tim' vì diện váy xẻ quá cao