Quốc gia ở Đông Nam Á, diện tích nhỏ và bài học xây dựng thành phố xanh đáng kinh ngạc
Tin liên quan
Các nhà quy hoạch đô thị và kiến trúc sư tiếp tục đưa không gian xanh vào các tòa nhà mới mọc ở khắp thành phố. Mái nhà xanh, vườn thẳng đứng xếp tầng hay bức tường xanh được kết hợp vào không gian sống nhằm mục đích tạo ra một thành phố và một quốc gia đa dạng sinh học hơn.
Ban đầu, sáng kiến “Singapore xanh” chỉ nhằm mục đích tạo cho quốc đảo một vẻ ngoài khác biệt và quyến rũ. Tuy nhiên đến nay, cách tiếp cận này được ca ngợi bởi khả năng giải quyết vấn đề nắng nóng, hỗ trợ quản lý nước bền vững và cải thiện đa dạng sinh học ở đô thị.
Bishan-Ang Mo Kio là dự án do công ty Ramboll Studio Dreiseitl thực hiện. Đây là một trong những công viên trung tâm nổi tiếng nhất Singapore. Các kiến trúc sư đã biến nơi từng là kênh bê tông thành một dòng sông tự nhiên, tạo ra không gian mới cho cộng đồng tận hưởng cuộc sống.
Leonard Ng - Giám đốc của Ramboll Studio Dreiseitl cho hay: “Dự án được thiết kế để tạo ra dòng nước chảy tự nhiên trên quốc đảo này, cũng như giúp mọi người có ý thức bảo vệ môi trường tự nhiên hơn”.
Đây là một phần của chương trình ABC Waters - một sáng kiến dài hạn của Hội đồng tiện ích công cộng Singapore nhằm biến vùng chứa nước thành những không gian mới sôi động để gắn kết cộng đồng.
Ramboll Studio Dreiseitl cũng thực hiện một phần dự án Jurong Lake Gardens – khu vườn quốc gia đầu tiên ở khu vực trung tâm của Singapore. Khu vườn rộng 53 hecta này được xây dựng nhằm khôi phục cảnh quan của đầm lầy và rừng rậm cũng như cung cấp không gian cho các hoạt động giải trí và cộng đồng.
Một dự án khác của Ramboll Studio Dreiseitl là Kampung Admiralty - một khu đô thị xanh với kiến trúc ruộng bậc thang và các tầng cây xanh. Khu đô thị này có không gian xanh trải rộng ở nhiều cao độ khác nhau, tạo ra một môi trường lý tưởng để cộng đồng thư giãn và hòa mình vào thiên nhiên. Ngoài các loại cây cảnh, Kampung Admiralty còn trồng các loại cây ăn quả và cây cho tán rộng để tạo sự đa dạng sinh học và bóng mát cho khu vực.
Giáo sư Thomas Schröpfer của Đại học Công nghệ và Thiết kế Singapore cũng là điều tra viên chính tại Phòng thí nghiệm Thành phố Tương lai Toàn cầu nhận xét: “Singapore là một trường hợp điển hình rất thú vị để nghiên cứu vì đây là một quốc gia có mật độ dân số rất cao và áp lực phát triển rất lớn. Khi càng phát triển, Singapore chỉ có thể phát triển theo chiều dọc, trở thành một thành phố thẳng đứng. Trong 10 năm qua, chính phủ Singapore đã ban hành nhiều chính sách mới để khuyến khích phát triển kiến trúc xanh”.
Một công trình xanh đáng chú ý khác ở Singapore là Vườn thiên nhiên Ventus nằm trong khuôn viên của Đại học Quốc gia Singapore. Đây là một ví dụ điển hình cho công nghệ cảnh quan thay thế, cho phép các loại cây tự phát mọc tự nhiên trên bãi cỏ. Ventus là sự kết hợp giữa công viên rừng và rừng thứ sinh, chứng minh rằng một khu đất nhỏ cũng có thể chứa nhiều loại thực vật và trở thành một phần quan trọng của mạng lưới sinh thái đô thị.
Năm 2021, chính phủ Singapore đã công bố Kế hoạch Xanh 2030 - một chiến lược nhằm giúp đất nước trở thành một thành phố phát triển bền vững trên toàn cầu. Trong đó, một nội dung quan trọng của kế hoạch này là dành thêm 50% diện tích đất (khoảng 200 ha) cho các công viên thiên nhiên, với mục tiêu trồng thêm 1 triệu cây xanh trên khắp đất nước nhằm tăng khả năng hấp thụ CO2, giúp cải thiện chất lượng không khí và tạo ra nhiều bóng râm hơn cho người dân.
Với mục tiêu tạo ra một thành phố "vườn" và nâng cao chất lượng cuộc sống cho cộng đồng, Ủy ban Vườn quốc gia Singapore đã dành nhiều thập kỷ để “xanh hóa” các con đường và cơ sở hạ tầng, biến các công viên và khu vườn thành không gian mở để mọi người có thể tận hưởng. Họ cũng tập trung vào việc bảo tồn đa dạng sinh học bản địa của Singapore bằng cách thiết kế các khu vực đa dạng sinh học. Trong khi Singapore hướng tới mục tiêu xanh hóa toàn quốc, thiết kế thân thiện với thiên nhiên trở nên vô cùng quan trọng để khôi phục môi trường sống cũng như đảm bảo cộng đồng cũng nỗ lực xây dựng một quốc gia phủ đầy cây xanh.
Để đối phó với những thách thức như thời tiết khắc nghiệt do biến đổi khí hậu và quá trình đô thị hóa, nhu cầu xây dựng một Singapore dễ sống, bền vững và thích ứng với khí hậu hơn ngày càng lớn. Để giúp cộng đồng có trải nghiệm gần gũi hơn với thiên nhiên và thúc đẩy sức khỏe tinh thần, Ủy ban Vườn Quốc gia đã điều hành hơn 3.500 chương trình giáo dục về không gian xanh.
Damian Tang - giám đốc thiết kế của Ủy ban Vườn quốc gia Singapore chia sẻ: “Ủy ban Vườn quốc gia có 5 chiến lược chính để biến Singapore thành thành phố thiên nhiên: bảo tồn và mở rộng thiên nhiên vốn có của Singapore; tăng diện tích thiên nhiên trong các khu vườn và công viên; phục hồi thiên nhiên ở cảnh quan đô thị; tăng cường kết nối giữa các không gian xanh của Singapore; phát triển dịch vụ chăm sóc và quản lý động vật”.
Cho đến nay, gần một nửa diện tích đất của Singapore được bao phủ trong không gian xanh. Và những nỗ lực phủ xanh của chính phủ đang mang lại lợi ích cho cộng đồng. Đặc biệt, trong đại dịch Covid-19, không gian xanh đã trở thành “lá phổi” của đất nước, tạo không gian tập thể dục cho người dân cải thiện sức khỏe.
Ngọc Huyền – Theo archdaily
Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!
Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất