Vì sao cha mẹ Nhật yên tâm để trẻ tự đi bộ đến trường?

2017-03-28 16:45
- Ở Nhật, việc những đứa trẻ, chỉ từ 6 đến 7 tuổi, một mình bắt tàu điện ngầm hay đi bộ tới trường không phải điều hiếm gặp.

  Việc để những đứa trẻ, chỉ từ 6 đến 7 tuổi, đi bộ một mình tới trường là điều bình thường tại Nhật Bản. Ảnh: Reuters   

Cảnh trẻ em bước lên các toa tàu, đi một mình hay thành nhóm nhỏ, tự tìm chỗ ngồi là hình ảnh vô cùng bình thường tại Nhật. Các em đeo những chiếc tất đến đầu gối, mang giày da, đội mũ rộng vành, buộc quai cẩn thận dưới cằm và vé tàu lúc nào cũng gắn trên cặp sách. Những đứa trẻ, chỉ khoảng 6 hay 7 tuổi, đang trên đường tới trường hoặc về nhà, không có người lớn giám sát, theo City Lab . 

Ở Nhật, còn có một chương trình truyền hình nổi tiếng mang tên "Hajimete no Otsukai" hay "Nhiệm vụ nhỏ đầu tiên của bé", với nội dung là các em bé, từ hai đến ba tuổi, được bố mẹ cho ra ngoài một mình để thực hiện nhiệm vụ nào đó cho gia đình. Camera sẽ bí mật ghi lại toàn bộ quá trình này. Chương trình trên đã liên tục phát sóng hơn 25 năm. 

Kaito, 14 tuổi, sống ở Tokyo, tự mình đi tàu điện ngầm qua lại giữa nhà bố và mẹ em (hai người đã ly dị) từ khi mới 9 tuổi. "Lần đầu tiên cháu hơi lo lắng", Kaito thừa nhận. Tuy nhiên, hiện tại, cậu bé khẳng định đây là điều đơn giản. 

Cha mẹ Kaito ban đầu e dè nhưng họ vẫn quyết định để con tự đi vì cảm thấy cậu bé đã đủ lớn và nhiều đứa trẻ khác cũng làm việc tương tự mà không gặp bất kỳ vấn đề gì. 

"Thành thực mà nói, lúc đó, tôi nghĩ đi tàu thì an toàn, đúng giờ và dễ định vị hơn. Cậu bé là một đứa trẻ thông minh", mẹ kế Kaito nói. "Tôi tự bắt tàu ở Tokyo khi còn nhỏ hơn cả Kaito nữa. Lúc bấy giờ, chúng tôi không có điện thoại nhưng tôi vẫn đi được từ điểm A đến điểm B bằng tàu. Nếu bị lạc, cậu bé có thể gọi chúng tôi". 

Dwayne Dixon, nhà nhân chủng học văn hóa từng viết luận án tiến sĩ về trẻ em Nhật Bản, nhận định tâm lý này ở các phụ huynh Nhật bắt nguồn từ sự "tin cậy tập thể" hơn là khả năng tự lập của chính trẻ. 

"Trẻ em Nhật học từ rất sớm rằng mọi thành viên trong cộng đồng đều có thể được kêu gọi để phục vụ hay giúp đỡ người khác", Dixon cho hay. 

Ý niệm đó tiếp tục được củng cố tại trường, nơi trẻ em thay nhau dọn vệ sinh và phục vụ bữa trưa, thay vì nhờ các nhân viên tại đây giúp đỡ. Nó "vừa dạy trẻ em về sự phân công lao động theo kiểu xoay vòng vừa dạy các em biết làm những công việc khác nhau, chẳng hạn như dọn vệ sinh", Dixon nói. 

Nhận trách nhiệm vệ sinh cho không gian chung đồng nghĩa với việc trẻ em sẽ có niềm tự hào về quyền sở hữu khi hiểu rõ mình là một phần trong tập thể, đồng thời nhận thức cụ thể những hậu quả của việc bày bừa bởi chính các em cuối cùng phải tự dọn dẹp chúng. Ý thức trên dần mở rộng ra những địa điểm công cộng lớn hơn. Một đứa trẻ ở nơi công cộng biết em có thể nhờ tập thể hỗ trợ trong trường hợp khẩn cấp. 

Ngoài ra, Nhật Bản có tỷ lệ tội phạm rất thấp. Đây cũng là một nguyên nhân quan trọng giải thích vì sao các bậc phụ huynh Nhật cảm thấy yên tâm khi để con ra ngoài một mình. 

 Tại các thành phố Nhật, mọi người quen với việc đi bộ và giao thông công cộng chiếm ưu thế so với văn hóa xe hơi. Ở Tokyo, nửa số chuyến đi là bằng tàu hay xe buýt và một phần tư là đi bộ. Các tài xế cũng quen với việc chia sẻ, nhường đường cho người đi bộ hay đi xe đạp. Tổng hòa những yếu tố trên giúp trẻ em Nhật thực sự tự tin khi bước ra ngoài. 

Mẹ kế của Kaito cho biết bà sẽ không để một đứa trẻ 9 tuổi lên tàu điện ngầm một mình tại London hay New York. Bà chỉ yên tâm khi ở Tokyo. Tuy nhiên, không phải mọi chuyến tàu đều an toàn bởi Nhật Bản vẫn tồn tại tình trạng phụ nữ hay các bé gái bị quấy rối trên tàu điện. 

Chuẩn bị kỹ lưỡng 

Theo Kirsty Kawano, bà mẹ hai con người Australia sống tại Nhật Bản nhiều năm, thay đổi lớn nhất của trẻ em Nhật từ mẫu giáo lên tiểu học là được bố mẹ trao cho sự độc lập. Trẻ thoải mái đi bộ đến trường và về nhà một mình. Tuy nhiên, để trẻ làm được điều này, những bậc phụ huynh Nhật Bản phải chuẩn bị rất kỹ cho các con. 

Trước ngày khai giảng, nhiều phụ huynh cùng con thực hiện một chuyến đi bộ đến trường và về nhà. Trên hành trình, họ hướng dẫn trẻ cách qua đường an toàn, chỉ cho con cảnh đông đúc trên đường phố. Quan trọng hơn cả, họ lưu ý trẻ về những cửa hàng hoặc địa điểm công cộng trên đường có thể dùng làm nơi trú ẩn trong trường hợp khẩn cấp, kiểm tra trước xem nơi đó có mở cửa lúc 8h sáng hay không, Kawano chia sẻ kinh nghiệm trên trang Savvy Tokyo . 

Dạy con chào hỏi những người bán hàng hay người dân dọc đường sẽ khiến họ chú ý đến trẻ và dễ phát hiện điều bất thường nếu chẳng may có chuyện xảy ra. 

Một số trường học ở Nhật đặt ra luật không cho phép trẻ quay về nhà lấy đồ bỏ quên một khi đã rời nhà đến trường. 

Theo cảnh sát, thời điểm nguy hiểm nhất đối với học sinh tiểu học là sau khi tan học, vì thế nhà trường luôn yêu cầu học sinh về thẳng nhà, cất cặp sách và mũ rồi mới đi chơi. 

Nhà trường cũng tư vấn cho học sinh những tuyến đường an toàn từ nhà đến trường và ngược lại, nhờ thế phụ huynh dễ dàng có phương án tìm con nếu các em lâu trở về. 

Nhà trường còn hướng dẫn trẻ không bao giờ chơi một mình sau giờ học, luôn thông báo với người giám hộ mình sẽ đi đâu, với ai và về nhà lúc mấy giờ. Nhiều trẻ Nhật Bản được sử dụng điện thoại di động từ sớm và có thể gọi xin phép bố mẹ nếu muốn chơi lâu hơn. 

Tuy nhiên, một số trường cấm học sinh mang điện thoại di động. Trong trường hợp này, phụ huynh có thể dùng đến thiết bị định vị GPS để kiểm tra vị trí của con. Nhiều công ty an ninh còn cung cấp thêm nút khẩn cấp. Nếu nút này được kích hoạt, công ty sẽ liên hệ với phụ huynh để xác minh xem liệu họ có muốn nhân viên an ninh đến kiểm tra hay không và đưa trẻ về nhà. 

Theo Vũ Hoàng/Vnexpress

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất


Hậu chia tay Cát Phượng, Kiều Minh Tuấn lộ vóc dáng gầy gò, cánh tay khẳng khiu khiến fan lo lắng