Tuyệt chiêu gối đầu giường của mẹ 9X Vũng Tàu điều trị bệnh con “từ chối ăn” siêu hiệu quả
Tin liên quan
Chị Châu Tây chia sẻ, thời gian gần đây, chị thường xuyên nhận được rất nhiều lời than phiền của các mẹ về việc con biếng ăn. Bà mẹ trẻ khuyên rằng, đúng là những lúc căng thẳng vì ăn uống thế này, tâm lý của mẹ phải vô cùng vững và học cách nuốt trái đắng, khi dành 2 tiếng nấu ăn cho con nhưng con lại ca bài ca "Từ chối".
“Điều trị bệnh từ chối ăn cho con, giống như việc đi dạo trên bãi lựu đạn, biết đường lắt léo, may ra sang được đến bờ bên kia. Nếu không chỉ bùng nổ những cơn giận dữ không đáng có mà thôi”, bà mẹ trẻ nêu quan điểm.
Chị Châu Tây và bé Khoai Tây (Ảnh: NVCC)
Theo đó, bà mẹ trẻ chia sẻ một số tuyệt chiêu gối đầu giường cho các mẹ, khi con biếng ăn dựa trên kinh nghiệm cũng như kiến thức học hỏi được như sau:
Đảm bảo trẻ đói, biết đói trước bữa ăn. Không khí trong lành, vận động thể chất và để các bữa ăn cách xa nhau đủ để trẻ cảm thấy đói. Cách này giúp tăng khẩu vị và ham muốn ăn uống của các con.
Đảm bảo trẻ không bị áp lực tâm lý khi ăn, ép ăn là biểu hiện nặng nhất của áp lực tâm lý từ người lớn đến hoạt động vốn là bản năng tự nhiên của trẻ. Việc ép ăn làm trẻ sợ, đôi khi làm triệt tiêu cảm giác đói. Hãy để bữa ăn là một hoạt động vui vẻ, tạo không khí cởi mở thân thiện.
Mẹ nên tránh bật ti-vi, bật đài khi ăn. Trong bữa ăn bố mẹ làm gương không xem điện thoại hay đọc sách hoặc chơi các trò chơi, vừa ăn vừa chạy khá nguy hiểm với các trẻ nhỏ vì nguy cơ hóc sặc không kiểm soát được.
Nên dùng thìa dĩa đũa phù hợp với trẻ, nhỏ và giúp cầm nắm tốt, cốc nên có quai cầm cho những trẻ nhỏ. Nếu có thể, hãy để trẻ chọn thìa dĩa bát đĩa. Cho con mặc yếm, nhất là những bé ăn hay rơi vãi. Ghế ăn và bàn ăn là thứ thiết yếu cho bữa ăn của trẻ nhỏ. Trẻ cần có thời gian biểu hợp lý, trẻ sẽ ăn tốt hơn nếu thời gian biểu được tôn trọng và trẻ sẽ có cảm giác đói dần khi gần đến giờ ăn.
Có những giai đoạn Khoai Tây rất biếng ăn (Ảnh: NVCC)
“Mình khuyên rằng, các mẹ đừng cáu giận khi con không ăn, mẹ tỏ ra cáu giận thì khả năng con ăn càng xuống thấp. Đừng cố câu giờ nếu con không muốn ngồi ăn thêm. Nếu con từ chối, nhẹ nhàng cho con xuống khỏi ghế, và rời khỏi bàn ăn.
Nếu con từ chối ăn, hạn chế việc cho ăn bù bánh kẹo hay thức ăn khác vào giờ không phải là bữa ăn. Chờ đến bữa tiếp theo để được ăn, trong thời gian chờ con sẽ được uống nước. Bên cạnh đó, đừng cố níu kéo bắt con ăn hết những gì trong khẩu phần ăn. Nên nhớ, một đứa trẻ khỏe mạnh sẽ biết ngừng ăn khi nó no”, chị Châu Tây nhấn mạnh.
Ngoài ra, nên dọn bàn các món ăn, và cho con có quyền chọn các thức ăn mình sẽ ăn, trình tự. Cách này làm con có cảm giác trưởng thành, tự quyết định và được tôn trọng. Mẹ cần hạn chế việc cáu giận vì con ăn rơi vãi. Nên nhớ, lúc bé bạn cũng thế, có khi còn tệ hơn.
Hãy cố gắng có nhiều bữa ăn cả nhà cùng tham gia ăn. Việc tất cả mọi người cùng làm một hành động giống mình làm trẻ có cảm giác được là người lớn, được tham gia và được công nhận là một thành viên của gia đình.
Tuy nhiên, chị Châu Tây không quát mắng hay thúc ép mà luôn giữ vững tâm lý tìm ra giải pháp (Ảnh: NVCC)
Nếu có thể, mẹ đừng ngại cho con tham gia quá trình chế biến thức ăn, lựa chọn thức ăn khi đi chợ, nhặt và rửa rau, thậm chí cả nếm thức ăn. Hầu hết những đứa trẻ 3 tuổi đều có thể và rất thích các hoạt động đong đo đếm, đảo quấy, nhào bột, trang trí và sắp xếp thức ăn trên đĩa. Trẻ thích tự làm sandwich, tự bóc chuối, khi con tham gia nấu ăn cùng, mẹ thảo luận về vai trò và mùi vị của thức ăn. Đây là cách giáo dục dinh dưỡng sớm và có ý nghĩa nhất với con.
Hãy khuyến khích con thử các món ăn mới, đặc biệt là các món ăn con tự nấu. Khi con đói con sẽ dễ chấp nhận món ăn mới hơn. Bạn nói chuyện với con về vị, mùi của món ăn mới, và cần tỏ thái độ hài lòng khi con thích ăn món mới. Mẹ cần lưu ý đừng áp đặt định kiến về món mẹ thích và món mẹ không thích vào con. Hãy làm gương, chấp nhận đôi khi ăn món bạn không thích mà không bình phẩm về món đó.
Mẹ bé Khoai Tây cũng nhấn mạnh rằng: “Đừng mua chuộc con “khi ngoan sẽ được thưởng” bằng các loại bánh kẹo hoặc thức ăn đặc biệt. Việc này bạn đã vô hình định kiến cho con có món này đặc biệt hơn các món khác. Đảm bảo lượng thức ăn bạn mời con, mỗi lần chỉ là một lượng nhỏ, để con có thể hoàn thành trách nhiệm và nếu đói sẽ đòi thêm. Đây là cảm giác “được” một cảm giác rất quan trọng về mặt tâm lý trong các hoạt động, mẹ muốn con làm mà không cần phải mua chuộc.
Cuối cùng, mẹ phải đè cái cảm giác hôm nay nó chẳng ăn gì xuống. Đè cái cảm giác được 2-3 hôm ăn tử tế lại dở chứng xuống ngay lập tức. Ăn là cả một quá trình, dinh dưỡng được tính theo hàng tuần, hàng tháng, vì thế việc 3 hôm ăn nhiều kéo theo 2 hôm ăn ít là chuyện bình thường. Chỉ khi mẹ tự ép mình và con 7 hôm đều cả 7, mỗi bữa 2 bát cơm, lúc đó bạn mới chính là trở ngại lớn nhất của con trong quá trình tìm niềm vui qua bữa ăn của gia đình”.
Đã qua rồi chuyện con biếng ăn là các mẹ gò ép bằng được, hay quát mắng, rầy la. Thay vào đó, các mẹ hãy là một bà mẹ thông thái, để đẩy lùi căn bệnh từ chối ăn một cách văn minh nhất nhé!
Lê Huyền
Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!
Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất