Trẻ đau dạ dày vì áp lực học đêm học ngày

2016-09-13 18:51
- Lâu nay, nhiều người vẫn nghĩ, đau dạ dày chỉ xảy ra ở lứa tuổi thanh niên, người lớn. Các chuyên gia Nhi khoa cảnh báo, bệnh về dạ dày ở trẻ em đang gia tăng, với một phần nguyên nhân là do chính áp lực từ học tập, gia đình, stress, ăn uống không điều độ. Đầu năm học mới, nỗi lo này càng tăng.

Học căng thẳng là con bị đau

Dù chỉ mới vào năm học mới chính thức được 1 tuần, nhưng bé Trần T.H (11 tuổi, ở Đống Đa, Hà Nội) đã bắt đầu chịu cảnh làm bài tập, học thêm nhiều môn từ cách đây hơn một tháng. Đêm nào cháu H cũng phải thức đến 10 -11h mới hi vọng làm hết bài tập cô giáo giao. Chị Huyền, mẹ cháu H cho biết, đợt cuối năm học vừa qua, chuẩn bị thi học kỳ, cháu hay kêu đau bụng, thi thoảng buồn nôn hoặc nôn nhẹ. Chị vẫn nghĩ con bị rối loạn tiêu hóa nên mua men tiêu hóa về cho uống. Được một thời gian, sau khi thi học kỳ xong, cháu có vẻ bớt những cơn đau. Đến gần đây, khi guồng quay học chính, học thêm tái diễn, cháu lại kêu đau, chị Huyền lại mua men tiêu hóa về cho con uống nhưng tình trạng bệnh của cháu có dấu hiệu nặng lên. Chị Huyền đưa con đi khám tại phòng khám tiêu hóa (Khoa Khám bệnh, Bệnh viện Nhi Trung ương), bác sĩ xác định cháu H bị viêm loét dạ dày và chỉ định cho uống 3 loại thuốc.

Trẻ đau dạ dày vì áp lực học đêm học ngày

Khám cho trẻ mắc bệnh viêm loét dạ dày. Ảnh: T.Hà

“Thấy các bạn cùng lớp con học thêm nhiều, dù thu nhập trung bình nhưng tôi cũng cho con học thêm mấy môn. Mà đã học thì phải ăn để đảm bảo sức khỏe, tôi cho con ăn và học đầy đủ. Chỉ có điều có những hôm hai ca học gần nhau, lại tiện một công đưa con đi, hai mẹ con lại ra quán ăn tạm “xen ca”, chị Huyền kể. Chỉ ăn và học khiến cháu H bị ám ảnh, căng thẳng. Kết quả là, cứ đợt nào quá áp lực học hành, cháu lại đau dạ dày.

PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng (Khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, chuyện trẻ vì áp lực bởi lối sống, ăn uống và stress khiến bị đau dạ dày cũng không còn lạ. Hơn nữa, tình trạng trẻ em mắc bệnh viêm loét dạ dày đang gia tăng và ngày càng trẻ hóa. Khoa Nhi đã tiếp nhận một bệnh nhi 10 tuổi vào cấp cứu vì viêm loét dạ dày, tá tràng gây chảy máu đường tiêu hóa. Còn tại Bệnh viện Nhi Trung ương, lứa tuổi mắc bệnh dạ dày thường gặp nhất từ 5 - 10 tuổi. Mỗi tháng bệnh viện này tiếp nhận khoảng 200 trường hợp đến khám và điều trị vì đau dạ dày.

Nhiều chuyên gia Nhi khoa cho biết, thời điểm giao mùa, đầu năm học, trẻ dễ mắc bệnh dạ dày. Ngoài nguyên nhân thời tiết chuyển dần sang lạnh, lượng histamin trong máu tăng lên, dịch chua trong dạ dày tiết ra nhiều hơn khiến đường tiêu hoá bị co bóp mạnh thì đây cũng là khoảng thời gian trẻ chưa thích ứng được với áp lực học tập khi chuyển từ giai đoạn nghỉ hè sang năm học mới, làm trẻ dễ bị căng thẳng, lo lắng dẫn tới đau dạ dày.

Vừa ăn vừa xem tivi, sớm muộn cũng "gánh" bệnh

Hiện đau dạ dày là bệnh đứng đầu trong các bệnh liên quan đến đường tiêu hóa ở trẻ em. Tuy nhiên, nhiều cha mẹ không nghĩ trẻ có dấu hiệu của bệnh đau dạ dày vì nghĩ chỉ người lớn mới mắc bệnh này(?!). Theo PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, ở trẻ nhỏ triệu chứng đau dạ dày thường rất dữ dội, trẻ lăn lộn giống với triệu chứng đau do giun chui ống mật nên nhiều phụ huynh tưởng con mình bị giun, nhiều người tự dùng thuốc tẩy giun mà không đưa trẻ đi khám. Trong khi đó, những triệu chứng đặc trưng như đau âm ỉ, ợ chua giống như bệnh dạ dày của người lớn lại rất ít khi xuất hiện ở trẻ em. Hơn nữa, có thể do trẻ không biết mô tả cơn đau, đôi khi kể vị trí đau cũng sai nên nhiều bậc cha mẹ nhầm với các cơn đau do giun và trì hoãn việc khám bệnh, cho đến khi thấy không bớt đau mới đưa trẻ đi khám thì bệnh đã ở trong tình trạng nghiêm trọng: loét sâu, xuất huyết... Ở trẻ em, thường cơn đau diễn ra khắp bụng chứ không chỉ đau vùng thượng vị như người lớn nên cha mẹ thường không nghĩ tới việc con mình đau dạ dày. Lại có nhiều trường hợp trẻ có các cơn đau cấp tính như đau bụng dữ dội, nôn ra máu, đi ngoài phân đen.

PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng cho hay, nguyên nhân đầu tiên gây nên bệnh đau dạ dày ở trẻ chủ yếu là do ăn uống. Việc ép con cái ăn nhiều dễ khiến trẻ bị nôn, trớ vì trẻ no, hệ thống tiêu hóa không làm việc kịp dẫn đến đau dạ dày. Ngoài ra, một lý do mới và cũng là yếu tố quan trọng là trẻ gặp nhiều căng thẳng, áp lực ghê gớm từ gia đình, sức ép học tập lớn, khiến trẻ luôn căng thẳng, sợ hãi và từ đó góp phần dẫn đến những cơn đau bụng cứ dần tăng lên, một biểu hiện ban đầu của bệnh lý dạ dày ở trẻ. Thường thì nhóm trẻ từ 10 - 16 tuổi có tỉ lệ mắc bệnh dạ dày còn cao hơn nhiều so với nhóm nhỏ tuổi hơn vì đây là nhóm trẻ thường gặp áp lực trong học tập, áp lực từ gia đình và bạn bè.

Để tránh những nguyên nhân chính dẫn đến bệnh dạ dày ở trẻ, PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng khuyên cha mẹ cần chú ý việc vệ sinh trong ăn uống cho trẻ để phòng ngừa các bệnh tiêu hóa nói chung. Đặc biệt, cha mẹ không nên cho trẻ vừa ăn vừa chơi máy tính, xem tivi hay nhảy múa hát ca trong bữa ăn... Việc vừa ăn, vừa xem hoặc chơi đùa khiến trẻ phân tâm, sao nhãng dẫn đến khó tiêu hóa thức ăn, trẻ không cảm thấy món ăn ngon hay không mà chỉ đưa thức ăn vào miệng như một thói quen, từ đó hạn chế tiết dịch tiêu hóa thức ăn và có thể dẫn đến các bệnh lý về tiêu hóa”.

Theo PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, cha mẹ muốn con giỏi giang, chăm chỉ nhưng không quan tâm mấy đến suy nghĩ và sở thích của con, điều đó làm cho trẻ áp lực, lo lắng, có cháu thành ra sợ hãi và tự ti, dẫn đến bệnh lý dạ dày. Việc giúp trẻ thoải mái, vui vẻ, giảm bớt căng thẳng cũng là cách giảm bớt nguy cơ bệnh tật.

Khi bị căng thẳng, trẻ có nguy cơ bị ợ, gây hiện tượng trào ngược dạ dày thực quản, tức là a-xít trong dạ dày trào lên thực quản gây ợ nóng, trào lên họng sẽ gây ho. Hiện tượng này lặp đi lặp lại nhiều lần sẽ gây viêm loét dạ dày. Bị bệnh dạ dày, nếu trẻ không được điều trị sẽ khiến trẻ bị suy dinh dưỡng, xuất huyết tiêu hóa, thủng dạ dày, đặc biệt là biến chứng gây hẹp môn vị.

Mọi trẻ em đều có thể mắc bệnh lý dạ dày tá tràng. Triệu chứng lâm sàng để chẩn đoán bệnh lý dạ dày tá tràng thường không đặc hiệu ở trẻ em. Chủ yếu là đau bụng tái diễn, nôn hoặc buồn nôn, ợ hơi, ợ chua, đầy bụng khó tiêu. Một số trẻ có biểu hiện loét dạ dày tá tràng sẽ có đau bụng vùng thượng vị khi đói, đau về đêm làm trẻ thức giấc, thiếu máu, nôn ra máu hoặc đi ngoài phân đen. Ở trẻ nhỏ, PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng khuyến cáo, nếu trẻ đã được chẩn đoán loét tá tràng thì dù không tìm thấy vi khuẩn HP, một loại khuẩn rất dễ lây lan gây đau dạ dày cũng cần phải điều trị.

(Theo Gia đình và Xã hội)

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất


Váy dài tay bay bổng mùa xuân