Thứ tự kịch bản 100% xảy ra khi mẹ bước vào phòng sinh, chưa đẻ bao giờ đọc xong hết bỡ ngỡ!!!

2018-01-15 11:49
- Các mẹ sắp “vỡ chum” chưa? Nếu rồi thì đã có ai nói cho mẹ biết khi bước vào phòng sinh chuyện gì sẽ xảy không?

Thử máu

Y tá sẽ hỏi mẹ có giấy xét nghiệm máu chưa. Nếu có thì đã xét nghiệm bao lâu. Nếu đã quá 1 tháng hoặc chưa có, các y tá sẽ xét nghiệm máu cho mẹ tại phòng ngoài của khu chờ sinh. Vì kết quả xét nghiệm phải chờ mới có nên các mẹ sẽ tiếp tục được làm các thủ tục khác. Còn giấy xét nghiệm máu, y tá sẽ bổ sung vào hồ sơ bệnh, gửi cho bác sĩ. Trong đó, có bao gồm cả xét nghiệm HIV nhé! Bước này không chỉ bảo vệ cho cả mẹ và bé mà còn để bác sĩ nắm rõ nhóm máu, các vấn đề khác liên quan đến máu của mẹ để có thể kịp trở tay khi có tình huống xấu.

Làm sạch "vùng bikini"

Để lên bàn sinh sạch sẽ, các mẹ phải được làm vệ sinh vùng kín trước cho dù là sinh thường hay sinh mổ. Việc vệ sinh vùng bikini như thế này sẽ không làm mẹ đau vì các y tá chuyên nghiệp làm thao tác rất nhanh. Thậm chí mẹ sẽ không kịp nhận ra họ đã hoàn tất lúc nào. Bước này trước kia các mẹ đều phải tự làm ở nhà nhưng giờ các bệnh viện họ đều có nhân viên y tế xử lý gọn lẹ để tránh làm cản trở tầm nhìn của bác sĩ khi đỡ đẻ. Khi sinh nở, các mẹ cũng đỡ phải thấy vướng vúi hoặc lo mất vệ sinh.

Kích hậu môn

Sau khi làm sạch vùng bikini, mẹ sẽ được các cô y tá bảo nằm lên băng ca, bơm một loại thuốc gọi là thuốc tháo thụt. Thuốc này luôn được bơm vào hậu môn của các mẹ trước khi chính thức nhận giường nằm chờ sinh để đảm bảo vấn đề vệ sinh. Vì vậy mẹ không phải lo mình sẽ rặn đẻ mà rặn ra luôn cả … đâu ạ! Thuốc này bơm vào rất nhanh nhưng tác dụng còn nhanh hơn nhiều. Chỉ sau khoảng vài giây kể từ lúc bơm thuốc, y tá sẽ dặn mẹ chuẩn bị sẵn giấy và mẹ sẽ bắt đầu chạy như bay vào nhà vệ sinh vì không thể trì hoãn nhu cầu “xối xả” thêm được nữa. Sau khi đi hết số … cần tháo ra ngoài, mẹ sẽ có cảm giác sạch sẽ, nhẹ nhàng để sẵn sàng vào bàn sinh mà không sợ làm bậy ra đấy lúc rặn đẻ.

Kiểm tra độ mở tử cung

Cái này chắc chắn là bác sĩ phải làm mẹ nhé! Cảm giác bị bác đưa tay vào kiểm tra cổ tử cung không dễ chịu chút nào, thậm chí muốn rợn da gà nhưng các mẹ vẫn phải chịu thôi! Không như thế thì các bác sĩ sẽ không biết được khoảng bao lâu nữa mẹ sẽ sinh đâu ạ! Cố gắng đừng gồng mình vì sợ đau vì như vậy các bác ấy sẽ khó kiểm tra mà mẹ lại cảm thấy đau đớn hơn. Thực ra, bước này đã bắt đầu từ khi mẹ cảm thấy đau bụng nên từ khi trở dạ cho đến khi sinh, có khi bác sĩ phải kiểm tra độ mở tử cung đến hơn chục lần.

Đo cử động thai

Trong lúc nằm chờ tử cung giãn nở, bác sĩ sẽ liên tục đo cử động thai, đo tim thai và thăm khám. Cách đo cũng giống như khi mẹ đi khám thai, phải chằng dây đo lên bụng và phải nằm yên như thế cho đến khi bác sĩ lấy được dữ liệu trong máy. Trong lúc đo cử động thai, mẹ cũng đang phải vật lộn với cơn đau do tử cung giãn nở. Cảm giác này vô cùng khó chịu. Một số bác sĩ sẽ chủ động hỏi xem mẹ đau như thế nào nhưng không phải ai cũng nhiệt tình hỏi. Vì vậy, nếu thấy đau đớn bất thường, đau dồn dập và dữ dội thì phải báo ngay cho bác sĩ. Sau khi khám cổ tử cung, nếu thấy tử cung đã mở gần 6 phân thì nghĩa là gần sinh. Mẹ sẽ được đẩy luôn vào phòng sinh. Và giờ G đã điểm!!!
Bấm ối
Cái này không phải ai cũng trải qua nhưng một số sẽ được bác sĩ chủ động bấm ối cho sinh nhanh hơn. Tất nhiên, thủ thuật này chỉ được làm khi mẹ đã vào lên bàn sinh nha và đừng nhầm lẫn giữa bấm ối với chọc ối.
- Bấm ối: Thủ thuật để làm nước ối chảy ra, giúp quá trình sinh nở diễn ra nhanh hơn.
- Chọc ối: Thủ thuật xét nghiệm cần thiết để tầm soát dị tật thai nhi trong quá trình mang thai.

Sinh nở

Khi tử cung mở được 6 phân, mẹ sẽ được chuyển lên bàn sinh trong một cái phòng rất lạnh và trắng toát. Ở đây, mẹ có thể sẽ nghe được cả tiếng rên la của bà đẻ và tiếng khóc của trẻ sơ sinh. Cảm xúc sợ hãi và nao núng sẽ lẫn lộn hết cả. Nhưng mẹ yên tâm vì sẽ có một y tá thường xuyên đi qua lại để kiểm tra máy monitor và tình trạng của mẹ.

Nếu mẹ sinh mổ, sau khi qua khâu làm sạch vùng bikini, tháo thụt, thăm khám, đo tim thai… mẹ sẽ được đưa phòng mổ luôn mà không cần phải chờ tử cung giãn đến mức tối đa. Còn nếu sinh thường, nhất thiết phải đợi tử cung mở đến 10cm. Nếu mẹ không biết phải thở và rặn thế nào thì cũng đừng lo vì các bác sĩ sẽ hướng dẫn mẹ chi tiết sao cho hiệu quả nhất. Quan trọng là mẹ có đủ bình tĩnh để nghe và làm theo lời hướng dẫn hay không mà thôi.

Sau khi sinh, mẹ sẽ nghỉ tại chỗ một lúc và được khâu tầng sinh môn nếu có rạch. Sau khi khâu xong, hộ lý sẽ cho mẹ một ly sữa ấm uống lấy lại sức.

Ra phòng hậu phẫu

Lúc này mẹ có thể thở phào nhẹ nhõm vì đã được mẹ tròn con vuông và nhìn mặt thiên thần nhỏ. Thời gian ở phòng hậu phẫu không nhiều, chỉ chừng vài tiếng là mẹ sẽ được chuyển về phòng riêng. Trong một số bệnh viện, lúc này đã cho phép người thân vào chăm sóc. Trong khoảng thời gian này, ngoài nghỉ ngơi ra, nếu thấy mắc tiểu, mẹ phải đi tiểu ngay để tránh bị băng huyết nhé! Nếu đã có sữa, cũng nên cho con bú ngay vì nếu để lâu bé sẽ mất phản xạ mút bú tự nhiên.

Về phòng riêng

Khi đã sắp xếp được phòng, mẹ có thời gian nghỉ ngơi đủ nhiều rồi thì sẽ tiếp tục được chuyển về phòng riêng. Tại đây, mẹ có thể sinh hoạt bình thường, ăn uống, ngủ nghỉ, rửa ráy… và đón tiếp người thân đến thăm. Nhưng phải nhớ tuân theo giờ sinh hoạt của bệnh viện và đứng dậy đi lại liền khi đã thấy đỡ đau. Điều này sẽ giúp mẹ chóng phục hồi, co tử cung nhanh hơn và ngừa được các biến chứng nguy hiểm như băng huyết và dính ruột.

Theo WTT

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất

5 bài tập plank giúp chị em có vòng eo săn chắc, 0% mỡ thừa