Tầm soát sức khỏe thế nào trước khi kết hôn

2016-08-31 15:02
- Trước ngày trọng đại của cuộc đời, các cặp đôi cần xét nghiệm sức khoẻ tổng quát, ngoài ra nữ khám phụ khoa còn nam cần kiểm tra sức khoẻ sinh sản hay bệnh lý tình dục...

Mùa cưới thường bắt đầu từ tháng 8 âm lịch khi thời tiết sang thu và kết thúc vào cuối tháng 2 là thời điểm bắt đầu mùa xuân. Trước ngày trọng đại, các cặp đôi có rất nhiều thứ phải lo toan, tuy nhiên có một điều rất quan trọng nhưng lại dễ bị bỏ sót là sức khỏe của cô dâu và chú rể.

Theo bác sĩ chuyên khoa 1 Trần Thị Nhật Vi, Khoa Phụ sản, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM, việc tầm soát sức khỏe trước khi kết hôn là bước rất quan trọng để các cặp đôi biết được tình hình sức khỏe của mình, đặc biệt là sức khỏe sinh sản, từ đó có những bước can thiệp cần thiết để chuẩn bị cho việc sinh con khỏe mạnh.

Tầm soát sức khỏe thế nào trước khi kết hôn

Bác sĩ đang tư vấn sức khỏe cho một cặp đôi chuẩn bị kết hôn. Ảnh: TT.

Nhìn chung chương trình tầm soát trước khi kết hôn bao gồm 2 phần:

Phần thứ nhất là khám tổng quát các bệnh lý nội và ngoại khoa như tim mạch xem có bị vấn đề về huyết áp không, hô hấp xem có bị hen phế quản không, tuyến giáp để xem có bị cường giáp hay nhược giáp không. Tất cả nhằm đảm bảo sức khỏe tốt, sẵn sàng cho việc kết hôn và mang thai.

Cả 2 người sẽ được chỉ định xét nghiệm tổng quát để loại trừ thiếu máu, bệnh lý hồng cầu nhỏ nhược sắc do Thalassemie. Việt Nam nằm trong nhóm vùng dịch tễ của Thalassemie. Bệnh lý này khá nguy hiểm vì nếu trong trường hợp cả 2 người cùng bị mang gene Thalassemie thể lặn mà kết hợp với nhau thì sẽ có 25% những trường hợp em bé sinh ra bị thiếu máu nặng.

Ngoài ra, sâu răng và các bệnh răng miệng khác cần được kiểm tra để tránh các biến chứng khi mang thai như sinh non.

Phần thứ hai là khám phụ khoa đối với nữ bao gồm tầm soát ung thư cổ tử cung (đã có quan hệ tình dục), các bệnh lây truyền qua đường tình dục (lậu, chlamydia, giang mai, HIV, viêm gan B), kiểm tra chức năng sinh sản. Cần loại trừ những bất thường về cấu trúc của tử cung, buồng trứng. Nếu có u xơ to, u buồng trứng thực thể thì cần phẫu thuật trước khi chuẩn bị có thai. Ngoài ra cần dựa vào tính chất kinh nguyệt đánh giá thời kỳ rụng trứng, u xơ tử cung, lạc nội mạc tử cung, hội chứng buồng trứng đa nang…

Chú rể tương lai sẽ được khám sàng lọc dựa trên việc trả lời những câu hỏi về vấn đề liên quan đến nghề nghiệp, môi trường tiếp xúc. Ví dụ như giảm chất lượng tinh trùng có thể gặp ở những người làm việc trong những môi trường tiếp xúc với hóa chất, tia X hoặc bị các bệnh lý lây truyền qua đường tình dục như HIV, giang mai…

Bác sĩ sẽ tư vấn chích ngừa Rubella, thủy đậu, cúm cho phụ nữ chưa có kháng thể. Lưu ý cần ngừa thai ít nhất một tháng sau tiêm chủng. Tiền sử bệnh lý của gia đình cũng cần được sàng lọc để xác định nguy cơ di truyền cho thai nhi. Ví dụ với tiền sử gia đình bệnh thuyên tắc mạch, người phụ nữ có nguy cơ biến chứng thuyên tắc mạch trong thời kỳ mang thai. Đối với chẩn đoán vô sinh hay hiếm muộn thì cặp đôi phải có quan hệ tình dục không sử dụng biện pháp tránh thai nào trong vòng ít nhất một năm mà chưa có con thì mới bị xếp vào nhóm hiếm muộn.

(Theo VnExpress)

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất

Ý nghĩa của ác mộng có thể bạn chưa biết