Sữa mẹ vắt ra để được bao lâu?
Tin liên quan
Sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng hoàn hảo nhất cho sự phát triển của trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Trong sữa mẹ có gần như đầy đủ các chất như carbohydrate, protein, chất béo và vitamin cần thiết cho sự tăng trưởng của trẻ. Ngoài ra, sữa mẹ có chứa các kháng thể giúp bé tăng khả năng miễn dịch cho bé.
Có rất nhiều mẹ không có đủ điều kiện cho con bú trực tiếp trong thời gian dài, muốn vắt sữa trữ cho con nhưng lại e ngại vì không biết sữa mẹ vắt ra để được bao lâu? Thông thường với các sản phẩm sữa, chúng ta thường nghĩ rằng hạn sử dụng sau khi "mở hộp" thường rất ngắn. Nhất là với các loại sữa tươi, sữa công thức sau khi pha, bé bú không hết thì nhiều lắm cũng chỉ để được khoảng 2 tiếng là phải bỏ đi rồi. Nhưng thật bất ngờ là sữa trong "bình ti" của mẹ, nếu bé bú không hết thì có thể vắt ra và trữ được tới tận... 6 tháng cơ đấy! Tất nhiên, đó là trong trường hợp được bảo quản tốt với tủ lạnh chuyên dụng. Còn không, chỉ với tủ lạnh bình thường, sữa mẹ sau khi vắt cũng có thể dùng được trong 48 giờ đến 4 tháng.
Đặc biệt, nếu mẹ thực hiện quá trình bảo quản đúng cách, sữa mẹ dù là đông lạnh hay đông đá thì vẫn không bị "mất chất", vẫn chứa đầy đủ dinh dưỡng với các đặc tính vi sinh và tốt cho bé hơn các loại sữa công thức. Vì thế, mẹ không cần lo lắng bởi những thắc mắc như "sữa mẹ vắt ra để được bao lâu?" hay "sữa mẹ trữ đông có bị mất chất không?" rồi nhé!
Sữa mẹ vắt ra để được bao lâu?
Tùy vào cách bảo quản và nhiệt độ tủ lạnh, sữa mẹ vắt ra có hạn sử dụng cụ thể như sau:
- Ở nhiệt độ phòng (trên 260C): sữa mẹ có thể sử dụng tối đa trong 1 giờ đồng hồ.
- Ở nhiệt độ phòng điều hòa (dưới 260C): thời hạn sử dụng tối đa là 6 giờ.
- Trong ngăn mát tủ lạnh: tối đa 48 giờ.
- Trong ngăn đá tủ lạnh:
+ Tủ lạnh loại 1 cửa (tủ loại nhỏ): tối đa là 2 tuần.
+ Tủ lạnh loại 2 cửa (có cửa riêng cho ngăn đá và ngăn mát): tối đa là 4 tháng.
- Với loại tủ đông lạnh chuyên dụng: trữ được tối đa trong 6 tháng.
Cách bảo quản sữa mẹ
Chuẩn bị dụng cụ:
Mẹ có thể bảo quản sữa trong bình thủy tinh hoặc bình nhựa. Nếu sử dụng bình nhựa, mẹ lưu ý chọn loại không chứa BPA để an toàn hơn cho bé. Ngoài ra, trên thị trường có bán rất nhiều loại túi trữ sữa chuyên dụng tiện lợi giúp tiết kiệm không gian tủ, bao gồm loại dùng 1 lần hoặc loại có thể tái sử dụng. Tùy vào nhu cầu mà mẹ lựa chọn dụng cụ chứa sữa phù hợp nhé!
Ngoài bình/túi chứa sữa, mẹ cần mua thêm bút lông dầu để ghi thời gian trữ sữa trên bình/túi; giúp mẹ biết được hạn sử dụng của từng bình/túi sữa.
Cách trữ sữa:
Tùy vào lượng sữa dư của mẹ và nhu cầu "tu ti" của bé mà mẹ trữ với lượng phù hợp, đồng thời chọn dụng cụ lưu trữ sao cho vừa tiện vừa tiết kiệm. Với sữa hút ra trong cùng 1 ngày thì mẹ có thể trữ chung trong 1 bình/túi; còn lại phải để riêng sữa của các ngày khác nhau.
- Sữa hút ra mỗi ngày có thể cho vào bình để trong ngăn mát được 48 tiếng. Mỗi lần bé bú mẹ chiết ra lượng vừa đủ thôi, nếu bé vẫn bú không hết thì lượng sữa dư này chỉ nên để dùng trong 1 - 2 giờ nữa rồi bỏ, không nên bảo quản tiếp.
- Trữ sữa trong ngăn đá: Với cách này mẹ có thể kéo dài hạn sử dụng sữa lâu hơn nhiều, thường áp dụng với mẹ dư nhiều sữa và bé không thể bú hết. Cách làm tương tự, mẹ cho lượng sữa vắt dư mỗi ngày vào bình to hoặc túi trữ sữa chuyên dụng. (Túi trữ sữa sẽ tiết kiệm không gian tủ hơn). Mẹ có thể mua thêm túi zipper để cho các túi sữa nhỏ vào, kéo khóa lại rồi mới cho vào tủ lạnh để tránh nhiễm khuẩn chéo (trong trường hợp tủ lạnh còn chứa các thực phẩm khác thay vì chỉ chứa sữa). Tất nhiên, mẹ đừng quên ghi ngày tháng lên vỏ túi để dễ kiểm soát hạn sử dụng nhé!
Sữa mẹ vắt ra để được bao lâu?
Cách rã đông và làm ấm sữa cho bé "tuti"
Với sữa trữ trong tủ mát thì trước khi cho bé bú, mẹ hâm ở 400C hoặc ngâm bình sữa trong nước ấm 1 lúc đến khi bình sữa ấm đều lên là cho bé bú được.
Với sữa để trong tủ đá, khi sử dụng mẹ phải rã đông trước. Đầu tiên, mẹ nên chuyển gói/bình sữa sắp dùng xuống ngăn mát để sữa tan dần. Khi sữa đã tan, cho sữa vào bình hâm ở nhiệt độ 400C trước khi bé bú. Sữa sau khi hâm có thể dùng trong 24h giờ, tuy nhiên nếu bé không bú hết thì phải bỏ sữa đó đi, không trữ đông lại hoặc trộn với sữa mới.
Lưu ý quan trọng khi rã đông và làm ấm sữa
- Mẹ tuyệt đối không hâm sữa ở nhiệt độ quá cao hoặc ngâm trong nước sôi vì sẽ làm mất dinh dưỡng từ sữa.
- Sữa sau khi trữ lạnh thì lớp chất béo sẽ đóng lại màu trắng đục phía trên bình, vì thế sau khi hâm mẹ nhớ lắc đều 1 cách nhẹ nhàng để chất béo hòa tan vào sữa.
- Không lắc mạnh bình sữa hay làm nóng đột ngột ở nhiệt độ cao vì sẽ làm đứt gãy cấu trúc của một số phân tử protein bảo vệ (kháng thể trong sữa); từ đó làm mất tính năng tự nhiên của sữa mẹ do các kháng thể như lysozyne, lactoferrin,... trong sữa chỉ phát huy được chức năng bảo vệ của nó khi ở đúng cấu trúc phân tử ban đầu.
Với bài viết chia sẻ ở trên, Emdep đã giúp các mẹ trả lời được cho câu hỏi "Sữa mẹ vắt ra để được bao lâu?"
Chúc mẹ và bé khỏe mạnh!
Ngọc Diệp
(Theo Congluan)
Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!
Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất